Những “bóng hồng” đi trước, về sau

08/03/2022 10:15

Tham gia phòng chống dịch Covid-19 từ những ngày đầu, đến nay những y, bác sĩ tại Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương vẫn đang bền bỉ "chiến đấu" với Covid-19 để giành mạng sống cho người bệnh.


Nữ điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương chăm sóc bệnh nhân Covid-19

“Không có hoa thì không biết ngày 27.2”

Đó là câu nói của thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Mai (sinh năm 1985), Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa U bướu, Bệnh viện Phổi Hải Dương khi nhắc về ngày kỷ niệm của ngành y vừa qua. Hơn 2 tháng nay, các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại đây ở trong guồng quay không ngừng nghỉ với nhiều công việc cùng lúc như khám chữa bệnh lao, các bệnh hô hấp, tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng nhất tỉnh… Nhân lực không thay đổi, nhưng khối lượng công việc tăng nhiều lần nên ai cũng phải căng mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cũng như bác sĩ Mai, nhiều y, bác sĩ ở bệnh viên không tính ngày tháng bằng lịch thông thường mà bằng thời gian vào khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Chị Nguyễn Thị Phúc (sinh năm 1994), bác sĩ ở Khoa Nội 1 đã trải qua 1 tháng làm việc tại khu điều trị đặc biệt này. Ngay sau Tết, chị được lãnh đạo phân công làm nhiệm vụ tại đây. Hằng ngày, chị cùng các bác sĩ, điều dưỡng chia làm 4 kíp (mỗi kíp gồm 2 bác sĩ và 7 điều dưỡng), làm việc cả ngày lẫn đêm. Hết mỗi kíp trực, các y, bác sĩ không về nhà mà ở trong khu điều trị nghỉ ngơi, hỗ trợ kíp trực khác nếu cần. 

Hơn 1 tháng làm việc trong khu điều trị, chị Phúc nhớ nhất những lần cùng đồng nghiệp “chiến đấu” để giành giật bệnh nhân từ tay “tử thần”. Một lần vào khoảng 8 giờ tối, khu điều trị tiếp nhận một bệnh nhân nam trên 30 tuổi trong tình trạng suy hô hấp, phải thở oxy, các chỉ số bão hòa oxy trong máu, mạch… đều ở mức “ngàn cân treo sợi tóc”. Bệnh nhân mắc một số bệnh nền như gout, đái tháo đường. Ngay lập tức, chị Phúc cùng các đồng nghiệp khẩn trương cấp cứu giành lại sự sống cho bệnh nhân. May mắn một thời gian sau sức khỏe bệnh nhân ổn định và xuất viện.

Là tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng nhất tỉnh, không chỉ chị Mai, chị Phúc mà các nữ y, bác sĩ, nhân viên y tế ở đây luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận bệnh nhân nặng, thậm chí nguy kịch. Mỗi kíp trực chỉ có 9 cán bộ, nhân viên y tế mà phải đồng thời chăm sóc cho trên 40 bệnh nhân nên công việc rất vất vả. Xuyên suốt kíp trực, các y, bác sĩ, điều dưỡng tại đây phải “nhốt” mình trong bộ đồ bảo hộ bí bách. Sau Tết cũng là thời điểm thời tiết khắc nghiệt nhất trong hàng chục năm gần đây, mưa nhiều kèm theo nhiệt độ xuống thấp khiến công việc của các nữ y, bác sĩ, điều dưỡng càng thêm khó nhọc.

“Bao giờ mẹ về?”

Năm nay, chị Nguyễn Thị Minh Hải, điều dưỡng Bệnh viện Phổi Hải Dương “ăn Tết” trong bệnh viện hơn 1 tháng. Trong gia đình, chị Hải là dâu trưởng, bố mẹ chồng đều đã cao tuổi, sức khỏe yếu. Trước khi vào bệnh viện thực hiện nhiệm vụ, chị đã cúng ông Công, ông Táo sớm gần 1 tuần, sau đó chuẩn bị quà biếu Tết cho hai bên gia đình nội ngoại. Chị chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian làm tốt vai trò trong gia đình và trách nhiệm ngoài xã hội. Biết tính chất công việc của tôi, mỗi lần chuẩn bị đi chống dịch, mẹ chồng đều động viên, chia sẻ”.

Dịp Tết vừa qua, chị Lê Thị Hoa (sinh năm 1985), bác sĩ Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương cũng “ăn Tết” trong bệnh viện gần 1 tháng. Đây là lần thứ 5 chị xa gia đình để thường trực trong bệnh viện. Trước khi vào viện, chị đã chuẩn bị nhiều thực phẩm thường dùng trong dịp Tết cho cả nhà. “Mỗi lần chuẩn bị đi chống dịch, con gái tôi đều hỏi bao giờ mẹ về, con không thích mẹ vắng nhà lâu thế. Con hỏi mà tôi ứa nước mắt", chị Hoa nói.

Thời gian qua kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, những nữ y, bác sĩ, điều dưỡng tại các bệnh viện đã tiếp nhận lượng công việc rất lớn so với trước. Bệnh viện Phổi Hải Dương có khoảng 300 y, bác sĩ, nhân viên y tế, trong đó có khoảng 80% là nữ giới; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương có khoảng 80 y, bác sĩ, nhân viên y tế, thì khoảng 60% là nữ giới. Khối lượng công việc nhiều, nhưng họ luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chiến đấu hết mình với dịch bệnh, chăm lo sức khỏe nhân dân.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những “bóng hồng” đi trước, về sau