Với niềm đam mê, nhiệt huyết, tận tụy với nghề, nhiều nhà giáo ở các bậc học trong tỉnh đã có những sáng kiến quý, mang đến “luồng gió” mới cho sự nghiệp "trồng người".
Các giờ dạy địa lý bằng tiếng Anh của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nga giúp học sinh tiếp nhận nguồn kiến thức phong phú và nâng cao khả năng nói tiếng Anh
Thực hiện sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo (GDĐT), những năm qua, với niềm đam mê, nhiệt huyết, tận tụy với nghề, nhiều nhà giáo ở các bậc học trong tỉnh đã có những sáng kiến quý, mang đến “luồng gió” mới cho sự nghiệp "trồng người".
Những đột phá
Ít ai nghĩ một cô giáo dạy môn địa lý lại có thể dùng tiếng Anh để giảng dạy. Nhưng đây chính là sáng kiến mang lại thành công cho cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nga, giáo viên dạy đội tuyển địa lý của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương). Cô Nga đã xây dựng giáo án dạy tích hợp liên môn địa lý với tiếng Anh. Năm học 2013 - 2014, cô bắt đầu dạy địa lý bằng tiếng Anh 1 tiết/tháng ở lớp chuyên tiếng Anh của trường và học sinh học khối D tại Trường THPT Marie Curie (TP Hải Dương). Thật bất ngờ, các tiết dạy được học sinh đón nhận rất hào hứng, nhiệt tình. Các em nhớ kiến thức nhanh, lâu hơn và khả năng nói tiếng Anh cũng được nâng cao. Hiện nay, cô Nga dạy môn địa lý bằng tiếng Anh 1 tiết/tuần ở các khối và hầu hết các lớp của trường.
Để các bài giảng địa lý bằng tiếng Anh hữu ích, cô Nga đã nghiên cứu, tìm hiểu chương trình học tiếng Anh của các khối để lựa chọn những bài học gần gũi với môn địa lý như tìm hiểu về đất nước, con người các vùng miền, quốc gia, tài nguyên, môi trường, chống biến đổi khí hậu, mất cân bằng giới tính, áp lực tăng dân số... Cô có nhiều sáng kiến có giá trị được xếp loại cấp tỉnh, cấp cơ sở, nhưng sáng kiến dạy địa lý bằng tiếng Anh được đánh giá mang tính đột phá, góp phần thực hiện đề án dạy ngoại ngữ trong trường chuyên do Bộ GDĐT triển khai. Đến nay, cô Nga đã có 32 học sinh đoạt giải quốc gia (trong đó có 1 giải nhất) và gần 100 học sinh đoạt giải cấp tỉnh. Bản thân cô đã 6 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen, 2 lần được Bộ GDĐT tặng bằng khen...
Trong 17 năm phụ trách đội tuyển toán, cô Đỗ Thị Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Phú Thái (Kim Thành) đã có nhiều đóng góp quan trọng đổi mới phương pháp dạy học. Để học sinh đội tuyển toán có cơ hội tham dự các cuộc thi, giao lưu toán tầm cỡ quốc gia, quốc tế, cô cũng thực hiện dạy toán bằng tiếng Anh. Cô Hằng cho biết: “Cách dạy này giúp trình độ và thành tích của học sinh nhà trường cao hơn rất nhiều". Đến nay, cô Hằng đã bồi dưỡng được 268 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, 105 em đoạt giải cấp tỉnh, trong đó có 10 giải nhất; 1 học sinh đoạt giải khuyến khích cấp quốc gia.
Nhiều năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Tô Hiệu (TP Hải Dương) được đồng nghiệp biết đến không chỉ bằng tình yêu nghề mà còn có nhiều đóng góp trong việc đổi mới phương pháp dạy học. 9 năm nay, cô giáo Thủy gắn bó với lớp1. Cô đã áp dụng phương pháp "bàn tay nặn bột", "khăn phủ bàn", làm việc theo nhóm, tổ, sở thích, thuyết trình, phân tích, minh họa, thực hành... để kích thích khả năng tư duy, sáng tạo, tự chủ, hợp tác của học sinh. Các chuyên đề giúp học sinh học chữ thuận lợi, dễ hiểu, dễ nhớ, phát âm, dùng từ chính xác hơn.
Các sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên không chỉ được áp dụng trong phạm vi từng trường mà còn lan tỏa trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Tâm huyết
Những sáng tạo, đổi mới là kết quả của quá trình lao động, học tập, nghiên cứu say sưa, bền bỉ, tâm huyết với nghề của các nhà giáo.
Để thực hiện thành công việc dạy địa lý bằng tiếng Anh, cô giáo Nga đã lao động rất nghiêm túc và đầu tư nhiều công sức, thời gian. Tuy có sẵn trình độ tiếng Anh nhưng để dạy được các tiết địa lý, cô giáo Nga không ngừng tự học, bổ sung thêm vốn từ, nhất là những thuật ngữ chuyên ngành. Soạn giảng một tiết dạy địa lý bằng tiếng Anh vất vả gấp nhiều lần so với tiếng mẹ đẻ. Mất thời gian nhất là tìm kiếm hình ảnh, thông tin mới. Trong các tiết dạy, cô không chỉ cung cấp kiến thức mà còn tổ chức nhiều hoạt động như hướng dẫn học sinh làm việc theo nhóm, viết báo cáo ngắn, thuyết trình, làm bài trắc nghiệm... để các em tự mình khám phá, tìm hiểu, chiếm lĩnh kiến thức. Các tiết học này, học sinh không phải mang sách giáo khoa, cô Nga với vai trò hướng dẫn còn các em tự học. Cô giáo Nga chia sẻ: "Tôi luôn tâm niệm, dạy tiếng Anh không chỉ là môn học mà là một ngôn ngữ. Thời gian tới, tôi sẽ xây dựng hệ thống thuật ngữ địa lý bằng tiếng Anh để sử dụng trong các trường THPT".
Cô giáo Thủy đã không ngại gác việc nhà, bỏ kinh phí đi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng của Bộ GDĐT. Hầu như cả tuần cô không có ngày nghỉ. Ban ngày dạy học ở trường, tối về cô lại miệt mài nghiên cứu tài liệu, soạn bài. Cô Thủy cho biết: "Được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của nhà trường và gia đình nên tôi mới có điều kiện thực hiện được nhiệm vụ dạy học".
Không chỉ dạy giỏi, các giáo viên như cô Nga, cô Thủy không ngại chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn đồng nghiệp cùng tiến bộ, nhất là đối với giáo viên trẻ mới vào nghề. Các cô cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cô Nga, cô Thủy, cô Hằng đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT, UBND tỉnh tặng bằng khen. Cô Hằng đang được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.
Năm 2017, cả tỉnh có 117 cán bộ, giáo viên có sáng kiến đoạt giải cấp tỉnh. Những sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học của các thầy giáo, cô giáo những năm qua có ý nghĩa quan trọng giúp ngành GDĐT tỉnh ta từng bước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.
TRUNG QUYẾT