Vô sinh do buồng trứng là những hiện tượng bất thường của buồng trứng như viêm buồng trứng, ung thư buồng trứng, buồng trứng đa nang, suy buồng trứng…
Buồng trứng là một bộ phận thuộc cơ quan sinh dục nữ, có nhiệm vụ sản xuất ra hormone nữ cũng như sản xuất và tích trữ số lượng trứng. Đây cũng là cơ quan quan trọng quyết định đến khả năng sinh sản của nữ giới và cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh nữ.
Viêm buồng trứng
Bệnh thường có hai giai đoạn cấp tính và mãn tính với những biểu hiện từ nặng đến nhẹ. Bệnh có thể bắt nguồn từ việc vệ sinh cá nhân kém nhất là vệ sinh trong mỗi kỳ kinh nguyệt không đảm bảo, không thay băng vệ sinh thường xuyên, dùng tampon… điều này sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập sâu vào trong gây viêm nhiễm buồng trứng.
Phụ nữ quan hệ tình dục bừa bãi, quan hệ tình dục không an toàn, không vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ, quan hệ trong kỳ kinh nguyệt, quan hệ trong môi trường kém sạch sẽ… cũng là nguyên nhân gây viêm buồng trứng do vi khuẩn xâm nhập sâu vào bên trong.
Phụ nữ phá thai nhiều lần, không chăm sóc vùng kín cẩn thận sau phá thai, sử dụng các dụng cụ phòng tránh thai, mắc một số bệnh viêm nhiễm phụ khoa như: viêm vùng chậu, viêm ống dẫn trứng, viêm nội mạc tử cung, viêm cổ tử cung… cũng có thể lây lan và gây viêm nhiễm đến cả buồng trứng.
Dấu hiệu khi buồng trứng bị viêm là vùng kín tiết khí hư thường, xuất huyết ở âm đạo thường xuyên. Bên cạnh đó, thấy đau bụng dưới, trướng bụng, đau vùng xương hông, kinh nguyệt thất thường, vón cục. Viêm buồng trứng thường không có biểu hiện gì rõ rệt, nhưng hậu quả mà viêm buồng trứng gây ra thì rất nguy hiểm. Vì ít biểu hiện, nên viêm buồng trứng mãn tính thường ít được chị em chú ý. Bệnh không được điều trị sớm sẽ gây ra biến chứng hiếm muộn, vô sinh ở phụ nữ.
Bệnh u nang buồng trứng
U nang buồng trứng có nhiều loại: u nang cơ năng, thực thể, u nang nước, nhày, u nang bì,… là bệnh thường gặp nhất ở chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Những khối u nang ở buồng trứng phát triển chậm và thường không có triệu chứng, nên khi phát hiện thì chúng đã phát triển khá lớn.
Mặc dù đa số các khối u ở buồng trứng là lành tính, chỉ khoảng 5% phát triển thành ung thư, nhưng chúng ảnh hưởng lớn tới khả năng sinh sản của phụ nữ.
Buồng trứng đa nang
Buồng trứng có nhiều nang nhỏ là dấu hiệu của hội chứng đa nang buồng trứng. Bệnh này có nguy cơ rất cao cản trở việc thụ thai và có thể gây ra hiện tượng vô sinh ở nữ.
Buồng trứng có nhiều nang nhỏ là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, khiến mức độ hormone sinh dục tăng cao. Cơ thể không có khả năng rụng trứng do sự sản sinh quá mức của hormone sinh dục nam (testosterone) và thiếu hormone động dục nữ và sản sinh hormone giới tính duy trì thai của buồng trứng.
Do thiếu lượng hormone sinh sản, hormone sinh dục nam testosterone không thể chuyển hóa thành hormone động dục nữ và nang trứng không thể chín và rụng.
Triệu chứng thường gặp khi bị hội chứng đa nang buồng trứng là: Kinh nguyệt không đều, tăng cân nhanh, rậm lông, mọc trứng cá bất thường... Người mắc bệnh buồng trứng đa nang thường khó thụ thai do chu kỳ rụng trứng không đều đặn.
Ngoài ra, chị em phụ nữ còn có nguy cơ mắc một số bệnh như: cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, béo phì...
Suy buồng trứng sớm
Suy buồng trứng sớm là hiện tượng chức năng buồng trứng ngừng hoạt động sớm, khi phụ nữ dưới tuổi 40. Nguyên nhân gây bệnh có thể do di truyền, bệnh tự nhiên, do nhiễm khuẩn, do can thiệp của phẫu thuật, sau khi điều trị hóa chất, xạ trị...
Biểu hiện thường gặp khi bị suy buồng trứng sớm là: khó ngủ, giảm ham muốn tình dục, âm đạo khô, rối loạn kinh nguyệt...
Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là bệnh nguy hiểm ở chị em. Những yếu tố thuận lợi là môi trường độc hại, tuổi sau 40, yếu tố hormone, di truyền, nhiễm khuẩn… Triệu chứng thường gặp: Đau lưng, bụng to nhanh, cảm giác khó chịu vùng bụng dưới, tự sờ thấy khối u ở bụng, bụng có nước.
Lời khuyên của bác sĩ
Những bệnh ở buồng trứng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản mà còn ảnh hưởng tới chất lượng sống của phụ nữ. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình chị em nên có những cách phòng bệnh hiệu quả.
Khám phụ khoa định kỳ, đều đặn.
Sinh hoạt tình dục lành mạnh, thủy chung.
Hạn chế ăn các loại thịt đỏ, ăn mặn, đồ nhiều dầu mỡ, chứa nhiều đường…
Ăn nhiều thực phẩm chứa sắt, omega-3, các trái cây tươi giàu vitamin C, E.
Tập thể dục, yoga, các bài tập duỗi cơ, các bài tập thở.
Theo Sức khỏe và Đời sống