Động Kính Chủ (thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh, Kinh Môn) không chỉ có vẻ đẹp tự nhiên kỳ thú mà còn là bảo tàng văn bia của 6 thế kỷ.
Trên vách đá hang động Kính Chủ có tới 50 văn bia. Ảnh: Ngọc Hùng
Đó là lý do vì sao Kính Chủ từng được xếp vào hàng “Nam thiên đệ lục động” (động đẹp thứ sáu trời Nam).Thơ tạc vào đáGiữa mênh mông sóng lúa của thung lũng Kinh Thầy, dãy núi Dương Nham hình vòng cung nổi bật, tạo thành khung cảnh non nước rất hữu tình. Phía Đông Bắc, một dòng sông lượn sát chân núi, phía Tây Nam là làng Kính Chủ hiền hòa, cổ kính. Người dân nơi đây có nghề chạm khắc đá lâu đời nên động Kính Chủ nằm trên núi Dương Nham có một nét độc đáo mà cả 5 hang động được xếp hàng trước đó không có được. Đó là hệ thống văn bia được những người thợ tài hoa của làng Kính Chủ chạm khắc kỳ công trên vách đá trong khoảng thời gian suốt gần 600 năm.
Hệ thống văn bia tại động Kính Chủ gồm 50 bia khắc trực tiếp trên vách đá và 4 bia được dựng ở bên ngoài. Tác giả của nội dung những văn bia có đủ mọi thành phần, từ vua chúa, quan lại, nhân sĩ cho đến sư sãi và thường dân. Trong suốt 6 thế kỷ (từ năm 1368 tới năm 1940) thế kỷ nào cũng có văn bia được khắc tại đây, trong đó có 17 bia là những vần thơ tuyệt tác của các danh nhân như Lê Thánh Tông, Phạm Sư Mạnh, Trần Quốc Trinh, Trương Quốc Dụng, Đặng Đức Cương... Nội dung các bài thơ chủ yếu là cảm xúc của các thi nhân khi đứng trước cảnh núi non, hang động kỳ bí mà tươi đẹp, ngắm cảnh mà sinh tình, nhìn chuyện nay mà ngẫm tới chuyện xưa. Lâu đời nhất là bài thơ “Đăng Thạch Môn lưu đề” của Thái học sinh, Nhập nội hữu nạp ngôn Phạm Sư Mạnh. Ngày 5 - 9 năm thứ 114 triều Trần (1368), nhân dịp đi duyệt binh các lộ Đông Bắc, ông lên thăm núi Dương Nham, xúc động viết thành thơ trước cửa động. Bài thơ có những câu tái hiện khung cảnh vùng núi An Phụ, Dương Nham hùng tráng:
“Hành quân qua núi nhà
Ngẩng đầu nhìn muôn dặm
Chim bằng phía nam xa
Vầng dương đông trước núi
An Phụ như chạm trời...”(Người dịch: Tăng Bá Hoành)Kết thúc bài thơ là cảm xúc bùi ngùi khi nhớ lại những năm tháng chiến đấu và chiến thắng giặc Nguyên Mông.
Một bài thơ nổi tiếng khác được khắc trên vách động Kính Chủ là bài “Đề động Kính Chủ” của vua Lê Thánh Tông. Bài thơ có những câu miêu tả lại một cách sinh động và hấp dẫn cảnh quan nơi đây tại thế kỷ thứ XV khiến người đọc có cảm giác như được lạc vào cõi tiên nơi hạ giới:
“Sông xanh tựa mắt sa môn,
Đầu Phật tóc tốt, xanh um cây ngàn.
Khác nào vườn Thụ cõi tiên,
Như thành Xá Vệ giữa miền trời Tây.
Chim mỏi cánh đậu rừng cây,
Mây nhàn sà xuống nơi đây, vô tình.
Gió đông thổi, nắng nhạt dần.
Mấy điểm mây khói như gần như xa.”
(Người dịch: Mai Xuân Hải)
Bài thơ gần đây nhất được khắc trên vách động Kính Chủ là của du sĩ Trần Quốc Trinh. Bài thơ được viết bằng chữ quốc ngữ vào năm 1935, thể hiện lòng hoài cổ và nỗi oán trách con người đương đại:
“Kính Chủ đây rồi hỏi chủ đâu?
Chùa trong thăm thẳm tận hang sâu
Tiếng đàn ai trước còn như vọng
Nét bút đề bia chửa nhạt màu
Non nước chứa chan lòng tưởng tượng
Cỏ hoa ngơ ngác mặt công hầu
Mấy phen dâu bể người kim cổ
Cảnh vật bền nguyên, dạ khác nhau.”
Những bài thơ là minh chứng sống động và xác thực nhất về vẻ đẹp dễ làm rung động lòng người của cảnh quan động Kính Chủ đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Đứng trước những văn bia khắc trên vách động ta như thấy hiện về cả quá khứ oai hùng của dân tộc với những con người “tay nâng gươm, tay mềm mại bút hoa”. Họ đã góp phần giữ cho giang sơn gấm vóc trường tồn trong độc lập.
Cần khai thác giá trịCó cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ thống văn bia độc đáo lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa vô giá, song khu di tích, thắng cảnh động Kính Chủ nhiều năm qua chỉ thu hút khách tham quan ở yếu tố tâm linh. Ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn cho biết: Hằng năm, lượng du khách đến với động Kính Chủ vào khoảng 60 nghìn người, tập trung chủ yếu vào dịp lễ hội mùa xuân. Khách tham quan chủ yếu tới lễ chùa chứ không phải đi vãn cảnh hay tìm hiểu về những giá trị lịch sử, văn hóa, dù động Kính Chủ đã được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia từ năm 1962.
Công tác quảng bá, giới thiệu khu di tích, danh thắng này chưa được đẩy mạnh. Những thông tin đăng tải trên website của Ban Quản lý di tích chưa phong phú và hấp dẫn. Ban Quản lý đã làm tờ rơi giới thiệu, hướng dẫn du khách tham quan nhưng còn chung chung và không chủ động phát cho khách tới thăm. Vì thế, không phải ai cũng biết đến những giá trị lịch sử, văn hóa vô giá của di tích này. Và chính Ban Quản lý di tích cũng không nắm được tường tận trong động như có bao nhiêu văn bia, nội dung của chúng là gì. Chính vì vậy, việc thuyết minh tại đây còn bị bỏ ngỏ. Ngay ngoài cửa động, dưới chân những văn bia là khung cảnh nhếch nhác của chổi quét, lọ hoa, ghế, bàn lổng chổng. Trên vách đá, cạnh những tấm bia của tiền nhân là một tấm bia công đức màu đen rất phản cảm mới được tạc vào.
Để bảo tồn được những giá trị vô giá của hệ thống văn bia này, trước hết những người làm công tác quản lý di tích cần hiểu được ý nghĩa và giá trị của chúng, sau đó là hướng dẫn cho khách tham quan. Năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai dịch toàn bộ văn bia ở đây. Những bản dịch này cần được chuyển lại cho khu di tích để làm bảng giới thiệu, hướng dẫn khách tham quan. Công tác tuyên truyền, quảng bá cũng cần được thực hiện rộng rãi hơn để khai thác được tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa của vùng đất này. Bên cạnh đó là việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Có như vậy những giá trị lịch sử, văn hóa mới có cơ hội được bảo tồn và có sức sống lâu bền trong ngày nay và cả mai sau.
VIỆT HÒA