Từ đồng trũng lau sậy ngập đầu, nhờ chuyển đổi, khu Đồng Mức, xã Tân Dân (Chí Linh) nay đã thành những ao nuôi cá bạc tỷ...
Nhiều ao nuôi cá thâm canh cao đều được đầu tư máy đảo nước, sục oxy công suất lớn
Nằm bên dòng sông Thiên, khu chuyển đổi Đồng Mức (còn được gọi là Ngòi Na) trước kia là một vùng lau sậy hoang hóa, chỉ có vài mảnh ruộng trũng cấy được 1 vụ lúa bấp bênh. 15 năm trước, xã Tân Dân có chủ trương khuyến khích nông dân chuyển từ ruộng trũng cấy 1 vụ lúa, thu nhập thấp sang nuôi thủy sản.
Ông Trần Phường, một trong những người đi đầu thầu đất chuyển đổi ở khu Đồng Mức cho biết: "Từ năm 2005, gia đình tôi đào ao, thả cá theo kiểu truyền thống, hiệu quả thấp. Nhiều năm mày mò, cùng sự hỗ trợ của chính quyền, Hội Nông dân xã, gia đình tôi đã vay vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống ao". Năm qua, gần 10ha ao của gia đình ông Phường đã cho thu hoạch 100tấn cá lăng, chép giòn. Sau 8 tháng nuôi thả, ao số 9 đã cho thu hoạch gần 10 tấn chép giòn đúng dịp Tết, với giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg.
Gia đình ông Trần Quy ở thôn Giang Hạ cũng chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang đào 2 ao thả cá giống và 3 ao cá thịt, chủ yếu nuôi giống cá rô phi Đường Nghiệp. Nhờ chủ động con giống, kỹ thuật nuôi bài bản, mỗi năm gia đình ông xuất bán 20 tấn cá, thu lãi khoảng 200 triệu đồng. So với các loại cá truyền thống như trôi, mè, trắm, cá rô phi Đường Nghiệp có ưu điểm vượt trội như lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, thích ứng tốt với điều kiện nuôi trong ao. Cá rô phi Đường Nghiệp cho thu nhập cao gấp rưỡi so với nuôi cá truyền thống và gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa, nhưng chi phí đầu tư không hề nhỏ. Ông Trần Quy cho biết: "Cái khó nhất là thiếu vốn làm ăn. Vốn được vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tuy không nhiều nhưng thực sự có ý nghĩa với gia đình tôi. Có 20 triệu đồng vốn vay, tôi có thêm tiền mua cá hương (21 ngày tuổi) về ương thành cá giống. Nhờ đó, gia đình tôi vừa chủ động được con giống, vừa tiết kiệm chi phí ban đầu, thu nhập cũng tăng theo". Cũng theo ông Quy, qua “kênh” của Hội Nông dân, mỗi năm ông được mua gần 20 tấn cám trả chậm không lấy lãi trong vòng 6 - 8 tháng, đến khi xuất bán cá mới phải thanh toán.
Với 300 triệu đồng mà Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay trong 2 năm 2016-2017, hàng chục hộ ở xã Tân Dân đã phát triển mạnh mô hình chuyên canh cá rô phi đơn tính Đường Nghiệp, tăng thu nhập cả chục triệu đồng mỗi hộ. Bà Phạm Thị Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dân cho biết các hộ nuôi cá ở xã đã tham gia dự án Phát triển nuôi cá nước ngọt bảo đảm vệ sinh môi trường sử dụng vốn vay hỗ trợ nông dân, cùng liên kết làm ăn.
Qua thực tế triển khai, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân không đơn thuần chỉ là kênh tín dụng hỗ trợ nông dân mà còn thay đổi tư duy làm ăn từ nhỏ lẻ sang tập hợp, liên kết. Xã đã thành lập được Câu lạc bộ nuôi thủy sản, tạo thành vùng nuôi thủy sản hàng hóa. Làm ăn được nên ngày càng nhiều hộ mở rộng diện tích nuôi. Ông Trần Đình ở thôn Giang Thượng vừa đầu tư gần 10 tỷ đồng để mở rộng trang trại chuyên canh thủy sản. Ông cho biết: "Địa thế của xã Tân Dân có nhiều thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá ao, cá lồng. Liên kết, khép kín để hỗ trợ nhau sâu rộng là điều hết sức cần thiết trong cơ chế thị trường. Câu lạc bộ chúng tôi còn mong mỏi về lâu dài có thể xây dựng được thương hiệu thủy sản".
Đến nay cả xã đã chuyển đổi được 85 ha sang nuôi thủy sản, trong đó 40 ha ở vùng Đồng Mức, thuộc 2 thôn Giang Hạ và Mạc Động. Sản lượng cá năm 2017 của xã đạt hơn 1.000 tấn. Nhờ chuyển đổi đúng hướng, đời sống của người dân khu Đồng Mức nói riêng và toàn xã Tân Dân nói chung đã khá giả hơn. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 47 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,95%.
Hiệu quả, lợi ích của các vùng nuôi thủy sản tập trung đã được khẳng định và phát triển. Tuy nhiên, do địa hình chủ yếu là ruộng trũng, đường sá, điện, nước còn nhiều khó khăn, nhiều hộ ở Tân Dân mong muốn được các cấp chính quyền hỗ trợ để nâng cao hiệu quả sản xuất.
THÀNH LONG