Minh họa: VĂN HÀ
Thầy chủ nhiệm của tôi là một người bảo thủ. Trên giảng đường thầy áp đặt chúng tôi vào những học thuyết, trường phái nhất định. Thầy đam mê chủ nghĩa cổ điển thì nhất định chúng tôi phải đọc và nghiên cứu về chủ nghĩa cổ điển. Thầy không thích sự nổi loạn, ngông cuồng của chủ nghĩa đa đa thì nhất định chúng tôi không được nhắc đến Tzara hay Louis Aragon. Thầy rất thích thú khi được ai đó gọi mình là giáo sư. Trong lớp học, một số kẻ nhanh nhạy và hiểu chuyện đã tìm hiểu về thầy trước khi thầy có môn lên lớp, thế nên trước mặt thầy bọn họ một giáo sư, hai giáo sư khiến những nếp nhăn trên mặt thầy bớt xô vào nhau hơn. Sự bảo thủ của thầy cũng vì thế mà ít có dịp được thể hiện. Tôi đồ rằng, dù thầy có tung hê điều này hay cấm cản điều kia thì cũng không ảnh hưởng gì đến lý tưởng của năm mươi con người ngồi phía dưới. Năm mươi khuôn mặt, hiếm khi thiếu vắng ai đó trong giờ giảng của thầy. Thầy hài lòng về điều đó.
Những năm tháng sinh viên của tôi là sự tuần tự của việc đi lại giữa giảng đường và ký túc xá. Những chủ nghĩa xám xịt, xưa cũ có sức sống qua hàng thế kỷ thế nhưng chẳng thể tồn tại trong tôi quá nửa ngày. Nhiều khi tôi cũng không nhớ mình đã làm những việc gì nhưng tôi luôn cảm thấy mình là người bận rộn. Có lẽ sự bận rộn ấy là do tôi thường hay ngồi nghĩ về điều này điều nọ. Và tôi tự cho cái sự nghĩ ấy là công việc khiến mình bận bịu mọi lúc. Dạo gần đây tôi quan tâm nhiều đến một vụ án trên mạng. Người con trai vẫn đang ở độ tuổi thiếu niên đã cầm dao đâm chết cha đẻ của mình để giải nguy cho người mẹ. Tôi không buồn nhiều hay lấy làm bất ngờ, sửng sốt về điều đó như mấy đứa bạn trong phòng. Chúng sẵn sàng kêu thét hay đưa tay lên chận ngực để lấy lại bình tĩnh. Tôi chỉ nghĩ, không biết từ bao giờ mình đã nghĩ nhiều về tuổi trẻ. Và bất kỳ một điều gì bất thường xảy ra với tuổi trẻ cũng đều là tàn nhẫn. Nhưng tôi lại không rõ ràng được mình đang nghĩ về tuổi trẻ hay sự tàn nhẫn. Chính xác, tôi đang hoang mang.
Tôi nhớ mình đã viết những dòng đầu tiên ấy trong nỗi đau chập chờn nhoi nhói, không rõ là trong lồng ngực hay nơi thẳm sâu nào khác. Để rồi sau đó nghe trong mình sự rỗng rễnh vô cùng.
Nếu những giấc mơ là con đường duy nhất để con người hai cõi âm dương gặp nhau thì tôi ước mình cứ sống mãi trong những giấc mơ. Và như vậy tôi sẽ có đủ thời gian để đi tìm mẹ. Tôi thấy mình đói khát những hồi ức về mẹ, về tuổi thơ. Cuộc đời tôi sẽ mãi là khuyết thiếu bởi phần mẫu tử đã không hiện diện. Nhiều khi tôi thấy mình như loài cây dại, không biết mình sinh ra, lớn lên như thế nào. Đến cả tên mình tôi cũng chưa một lần được nghe mẹ gọi. Tôi thường rơi vào nỗi hoang mang khi không biết ngày trước cái tên mẹ đặt cho mình là gì. Tôi muốn đi tìm cái tên ấy của mình giống như loài dã tràng xe cát đòi lấp biển đông để tìm lại viên ngọc quý. Vài lần tôi muốn tìm về chân núi xưa, nơi trong ký ức có căn nhà lá xiêu vẹo, mỗi mùa nghiêng theo một hướng. Căn nhà mà tôi đã bỏ lại và chạy trốn theo con đường mòn nở đầy hoa xuyến chi trong cơn hoảng loạn tuổi thơ. Để rồi mãi mãi tôi không còn quay lại được nữa và vĩnh viễn mất đi ký ức về mẹ.
***
Tôi tìm đến ông như đứa trẻ khát sữa. Tôi tìm thấy mình, gặp được mình trong những trang viết của ông. Ông là một thế giới khác trong tôi. Giữa thành phố xô bồ này tôi muốn tìm cho mình một khoảng lặng để làm nơi trú ngụ cho những nông nổi, bất an đang diễn ra nơi tâm hồn mình. Ông đến, lặng lẽ và bình thản như mây, cuốn xô đi những gợn sóng trong lòng tôi. Người ta nhắc đến ông như một nhà văn tài năng đương thời. Nhưng không ai nhận ra ông cô đơn trong chính những trang viết của mình. Ông cúi xuống cưu mang những con chữ và nỗi buồn của tôi, rưng rưng và trân trọng như người ta tìm được kỷ vật đã mất. Người đàn ông ở tuổi 50 ấy đã dạy cho tôi nhiều hơn cha tôi. Nhiều năm về trước, trong cái khoảnh khắc mẹ tôi gục xuống, tóc rũ ra che kín khuôn mặt gầy, trên cổ người, những ngón tay của cha hằn lên thâm tím, tôi đã bỏ chạy. Tôi đã chạy trốn tuổi thơ, hèn nhát và đau đớn. Khi chạy trốn, tôi không biết mình đã đánh rơi mất quá nhiều điều phía sau. Và đó cũng là bài học duy nhất, tàn nhẫn nhất mà cha dạy cho tôi trong trí nhớ.
- Sao cháu không viết về tình yêu? Đừng quên, cháu đang còn trẻ.
Trong căn phòng sơn màu huyết dụ có ô cửa sổ hình bán nguyệt nhìn ra lưng chừng trời ông đã hỏi tôi như thế. Tôi quên trả lời ông vì mải nhìn ra cái khoảng chơi vơi ấy. Ở ngoài đó, trời chiều mang ráng vàng, những đám gió liêu xiêu, lảo đảo, có lẽ gió bị hoa mắt bởi cái màu vàng bất thường kia.
- Sắp có giông. Cháu phải về.
Ông không nói thêm gì, lặng lẽ đứng dậy mở cửa cho tôi bước ra. Tòa nhà ông ở cao quá, tôi bước mãi mà không xuống đến đường. Tôi bận nghĩ về những đám gió trên cao. Không, tôi đang nghĩ, lần sau đến tôi sẽ trả lời câu hỏi của ông.
***
Cuối học kỳ, lớp học vẫn đông đủ như những ngày đầu. Thầy chủ nhiệm nhìn chúng tôi hài lòng như người công nhân hài lòng nhìn những chú gà công nghiệp vàng ươm, xinh đẹp, tròn trĩnh trong xưởng nuôi. Đề thi hết môn không khiến ai trong chúng tôi phàn nàn kêu ca hay giật mình hoảng hốt, thậm chí một vài người không giấu vẻ tự mãn. “Anh (chị) hãy phân tích quá trình hình thành, phát triển và những thành tựu của chủ nghĩa cổ điển trong văn học”.
- Môn học kết thúc, anh chị nhớ nộp bài đúng lịch.
- Thưa thầy…!
Tôi rụt rè chạm vào sự im lặng. Không một ai quay lại nhìn tôi. Thầy chủ nhiệm đang dợm bước ra thấy tôi đứng dậy thầy kéo cặp kính xuống sát mũi, mắt nhướng lên nhìn về phía tôi như chờ đợi.
- Em muốn nghe một chút về văn học đương đại.
Thầy chủ nhiệm gỡ hẳn kính ra, một vài cặp mắt bắt đầu đổ dồn về phía tôi giống như sự nháo nhác của bầy gà con khi thấy sự lạ.
- Sau buổi học cô lên văn phòng khoa gặp tôi.
Nói rồi thầy bước thẳng ra cửa. Tôi ngó theo dáng thầy, một chút tần ngần, nghi ngại nhen lên trong lòng. Đám bạn đã không còn bận lòng về tôi, chúng quay đi, say mê miệt mài tìm kiếm những con mồi của riêng mình từ những chiếc điện thoại, smartphone, iPad đời mới.
Như nhiều vị giáo sư khả kính khác, căn phòng của thầy chủ nhiệm được làm nên bởi sách. Tôi ngỡ ngàng nhận ra cuốn sách ông mới xuất bản trên bàn làm việc của thầy. Tôi tự bối rối với điều mình vừa phát hiện, chẳng phải thầy vẫn luôn kịch liệt phản đối lối viết mới, và luôn tìm cách để đả kích ông trong những bài giảng của mình.
- Em muốn gì ở tôi?
Sự từ tốn của thầy khác với những suy đoán của tôi, tôi quên bẵng luôn mục đích của mình đến đây. Trí tò mò kích động tôi ghê gớm.
- Thưa thầy! Thầy cũng đọc sách của nhà văn Nguyễn ạ?
Thầy ngẩn người nhìn tôi rồi lại nhìn cuốn sách trên bàn. Một thoáng bối rối, một chút quá vãng như hiện về trên khuôn mặt trang nghiêm quá mức bình thường.
- Nguyễn là bạn cũ của tôi.
Tôi im lặng. Thầy cũng im lặng. Trong sự im lặng ấy có một điều gì đó đã được lay động đánh thức. Câu chuyện của thầy, của nhà văn Nguyễn cũng chính là ông đã được viết nên.
***
- Này, chú nghĩ, cháu nên thử gặp con trai chú.
Chưa bao giờ ông nói với tôi bằng cái giọng lạ ấy. Có lẽ ông đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định nói với tôi.
- Để làm gì ạ?
- Nó là đứa rất được. Không giống chú.
Câu nói sau của ông xa xôi, mông lung như những đám mây bay trên kia, bay mãi rồi tan vào khoảng không vô định. Những đám mây mà tôi không bao giờ có thể chạm vào.
Tôi trở về ký túc xá. Lời đề nghị của ông giống như sự phản bội với tôi. Nhiều năm về trước, thầy chủ nhiệm của tôi có gặp tâm trạng này như tôi khi ông quyết định rẽ sang một con đường khác và không đi chung với thầy nữa. Có thể chính tôi cũng bảo thủ như thầy, cứ muốn ôm giữ khư khư một điều xưa cũ, để rồi tự dày vò, day dứt chính mình. Nhưng với thầy và ông đó là sự khác biệt của những lối đi. Để từ đó họ vô tình trở thành hai con người của hai dòng quan niệm. Thầy luôn đắm chìm trong thời vàng son của chủ nghĩa cổ điển. Thầy vẫn tin sẽ có một ngày người ta quay về quy phục, tôn vinh nó. Và chúng tôi chính là niềm hy vọng ấy của thầy. Còn ông đam mê những cuộc kiếm tìm. Ông luôn khát khao những điều mới mẻ. Nhưng trong cuộc kiếm tìm ấy ông đã bị rơi vào nỗi cô đơn khôn cùng. Trái tim rực lửa của ông đã thiêu đốt chính tâm hồn ông. Đôi khi hai con người vĩ đại ấy làm nhau đau, bởi những trận bút chiến bảo vệ cho lý tưởng của riêng mình. Còn tôi, ông nói tôi như một mối duyên muộn với ông. Ông trân trọng, tha thiết với tôi như người tri kỷ. Ông tìm thấy mình thời trai trẻ ở những nông nổi, hoang mang và cả những đam mê trong tôi. Ông đã cho tôi hơn thế. Tôi nhận được ở ông tình cảm người cha mà tôi thiếu thốn. Tôi tìm được ở ông sự đồng cảm của nỗi cô đơn không tuổi không mùa. Tôi đọc ở ông những thiên tính của con người tài năng. Và đôi khi là những linh cảm cùng nỗi nhớ về nhau như một tình yêu không nói. Tôi sợ phải mất đi hay thay đổi những điều này.
***
Tôi chờ xem người ta xét xử cậu thiếu niên phạm tội giết cha mà giống như chờ nghe bản án dành cho mình. Tôi lại rơi vào nỗi hoang mang, lo sợ. Tôi tìm thấy mối liên hệ giữa ông - tôi - và cậu thiếu niên. Tôi tìm thấy mình trong ông. Ông tìm thấy mình trong tôi. Tôi lại tìm thấy mình trong cậu thiếu niên ấy. Chúng ta vẫn thường tìm thấy mình trong nhau hoặc thấy nhau qua những người khác. Điều đó hoàn toàn không phụ thuộc vào chúng ta đang đứng ở đâu, đang là ai. Nếu ngày xưa tôi cũng hành động giống cậu thì bây giờ tôi sẽ ra sao. Tôi hèn nhát, cậu dũng cảm hay tôi thơ ngây còn cậu tàn nhẫn? Không có câu trả lời nào chính xác. Chỉ có những bản án tội lỗi, cô đơn dành cho mỗi kiếp người.
Tôi lại viết. Khi muốn lãng quên hiện tại người ta thường nghĩ nhiều về tuổi thơ. Nhưng tuổi thơ là một thứ quá xa xỉ trong những trang viết của tôi. Tôi cũng quên mất rằng mình đang trẻ để mà viết về tình yêu. Từng dòng chữ hiện lên như những dải mây lãng đãng.
Mỗi con người là một áng mây, trôi đi, bất định. Và màu sắc của mây phụ thuộc vào mặt trời. Có áng mây đẹp lên nhờ ánh sáng màu đỏ, màu cam rọi vào. Có đám mây phải mang màu xám xịt vì ánh sáng mặt trời không rọi tới. Nhưng rồi, xống áo dù đẹp, dù xấu thì những áng mây cũng sẽ tan tác cả thôi khi những cơn mưa rơi xuống. Mỗi con người đều mang một vẻ mặt, một số phận khác nhau, nhưng tôi tin nơi thẳm sâu vô thức đều có những thiên tính như nhau. Ngay cả những ước mơ, khát vọng cũng vậy. Tuổi trẻ nào cũng náo nức, tươi đẹp cả thôi. Nhưng nỗi cô đơn thì không trừ riêng ai. Những áng mây có biết đâu là chân trời.
Tôi đã thôi đi tìm cái tên xưa của mình. Tôi tin mẹ đã mang theo cái tên đó như một phần kỷ niệm, ký ức ấu thơ của tôi. Dù không còn nhớ nữa nhưng tôi tin mẹ sẽ giữ hộ phần ký ức tôi đã lãng quên. Mẹ là đám mây đã hóa thành mưa và tôi mong sẽ gặp lại mẹ ở một kiếp khác khi mưa trở lại là mây. Còn tôi vẫn đang là áng mây trôi giữa bầu trời đầy màu sắc.
***
Người con trai ấy đứng dậy khi nhận ra tôi và anh là hai cõi khác. Ông muốn con trai mình kéo tôi ra khỏi nỗi cô đơn và ý thức cho tôi về tuổi trẻ của mình nhưng ông đã thất bại. Tôi lại đẩy người con trai ấy rơi vào một nỗi cô đơn khác.
- Em thuộc về nỗi buồn của cha tôi. Hãy đến với ông như một người bạn vong niên. Có thể, cả em và cha tôi đều cần tình bạn đó.
Chiều ấy, bầu trời phía tây thành phố xuất hiện đám mây màu tím nhạt lững lờ trôi. Mà không, tôi nghĩ đó là đám mây trắng, màu tím là do hào quang của mặt trời sắp lặn rọi vào. Đó là khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày nhưng chỉ thoáng qua rồi vụt tắt.
Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ KIM NHUNG