Bộ Y tế lưu ý, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư, hen phế quản, bệnh gan… là những bệnh nền làm gia tăng nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc Covid-19.
Người trẻ có bệnh nền dễ trở nặng khi mắc Covid-19
Gần 2 tháng qua, bà Nguyễn Thu Hằng (72 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ở nhà uống thuốc theo đơn của bác sĩ, thay vì đến Bệnh viện Hữu Nghị hằng tháng để xét nghiệm các chỉ số về tiểu đường, huyết áp, men gan… Bà Hằng cho biết vừa bị tiểu đường, huyết áp, tim mạch, men gan lại cao nên việc uống thuốc bệnh cũng như các sản phẩm bổ gan, làm hạ men gan phải nhớ như cơm bữa. "Tôi chỉ lo đúng lúc dịch bệnh căng thẳng lại đổ bệnh, thậm chí mắc thêm Covid-19 sẽ rất phiền phức, nên lúc nào cũng phải nói với con cháu nhắc bà, nhắc mẹ uống thuốc đầy đủ, nếu chẳng may quên" - bà Hằng chia sẻ.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành... Việc phòng bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang phức tạp là vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi, sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra.
Các nghiên cứu cho thấy người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao hơn mắc Covid-19, bệnh cảnh nặng nề hơn, điều trị kéo dài hơn với chi phí tốn kém hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn. Tuy nhiên, theo các bác sĩ người trẻ mắc Covid-19 vẫn có nguy cơ diễn tiến nặng, nhất là những người vốn đã có sẵn các bệnh nền.
Tư vấn, khám sàng lọc cho người dân ở TP HCM trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký ban hành Quyết định 4038/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà. Theo quyết định này, Bộ Y tế đã công bố danh mục 20 bệnh nền (bệnh mãn tính) dẫn tới nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc Covid-19.
Cụ thể là các bệnh đái tháo đường; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); bệnh thận mạn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; béo phì, thừa cân; bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); bệnh lý mạch máu não; hội chứng Down; HIV/AIDS; bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ); bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; hen phế quản; tăng huyết áp; thiếu hụt miễn dịch; bệnh gan; rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; các bệnh hệ thống; bệnh lý khác đối với trẻ em: tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh hoặc mắc phải.
Kiểm soát bệnh mãn tính trong đại dịch
Các bác sĩ cảnh báo, Covid-19 không loại trừ bất cứ độ tuổi nào, ai cũng có nguy cơ nhiễm bệnh như nhau, nhưng khi bị nhiễm thì người lớn tuổi, người có thêm bệnh nền có thể có triệu chứng nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. Vì thế, những người có sẵn bệnh nền điều quan trọng là tuân thủ các chỉ định điều trị của thầy thuốc. "Đơn cử, với bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp thì việc tuân thủ chỉ định bác sĩ cũng như kiểm soát các chỉ số ổn định đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các biến chứng hoặc bệnh lý có thể gây ra" - một bác sĩ cho biết.
Người có bệnh mãn tính có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng khi mắc Covid-19
Ngoài ra, người mắc bệnh tim mạch là đối tượng được Covid-19 nhắm đến. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, nguy cơ tử vong do Covid-19 ở người mắc tim mạch là cao nhất và cao gấp 10 lần người bình thường. Cùng đó, người có hệ thống miễn dịch kém khó có khả năng chống lại được sự tấn công của Covid-19 như những người khác. Những trường hợp thuộc đối tượng này phải kể đến như: người nhiễm HIV, bệnh nhân trải qua hóa trị và xạ trị ung thư, người ghép tạng, người bị suy giảm miễn dịch nguyên phát. Cơ thể những đối tượng này không có các phản ứng miễn dịch cần thiết để chống lại sự xâm nhập của SARS-CoV-2 trong giai đoạn đầu. Khả năng tạo kháng thể từ đó cũng bị hạn chế, hệ miễn dịch có thể không loại bỏ được virus nếu chẳng may khi bị nhiễm…
Các bác sĩ cũng lưu ý, người mắc bệnh gan mãn tính, suy giảm chức năng gan do bệnh lý, đặc biệt là xơ gan có xu hướng diễn tiến nặng khi mắc Covid-19, thậm chí nhanh chóng suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2. "Virus này có thể làm phức tạp bệnh gan có sẵn ở một số người, gây tăng men gan làm bệnh nặng hơn. Một điều đáng lo ngại nữa là thuốc kháng sinh, thuốc chống virus và steroid dùng trong điều trị Covid-19 cũng gây hại cho tế bào gan. Do đó, người có bệnh lý ở gan hoặc chức năng gan yếu, tăng men gan… có thể dùng các sản phẩm thuốc bổ gan hoặc thực phẩm chức năng để hỗ trợ cho gan nhưng phải có sự tư vấn của thầy thuốc" - bác sĩ lưu ý.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc giữ sức khỏe trong đại dịch rất quan trọng. Ngoài những biện pháp phòng ngừa Covid-19 hằng ngày, những đối tượng có nguy cơ cao cần phải kiểm soát các bệnh lý nền, tình trạng bệnh mãn tính của mình. Bên cạnh các thuốc điều trị hằng ngày, có thể sử dụng thêm các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, vitamin tổng hợp, thuốc bổ gan… theo hướng dẫn. Thực hiện nguyên tắc 5K và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi có cơ hội để hạn chế tình trạng xấu đi trong trường hợp mắc Covid-19.
"Khi sức đề kháng bị suy yếu thì hệ thống miễn dịch cũng bị suy giảm, do đó tăng cường hệ miễn dịch chính là tăng cường sức đề kháng để chống lại dịch bệnh, trong đó có Covid-19" - một chuyên gia khuyến cáo.
Theo Người lao động