Những "Mạnh Thường Quân" của nông dân nghèo

17/10/2011 07:28

Nhờ sự giúp đỡ của họ mà không ít gia đình đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.


Anh Thiện (trái) thường xuyên tạo việc làm cho 8 - 10 lao động ở xưởng cơ khí của mình


Trong những năm qua, bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, nhiều nông dân trong tỉnh còn tích cực giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Nhờ sự giúp đỡ đó, không ít gia đình đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Là con út trong gia đình đông anh em, từ nhỏ, anh Ngô Văn Thiện ở khu 7, phường Việt Hòa (TP Hải Dương) đã thấu hiểu nỗi vất vả của những người nghèo. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh quyết tâm học nghề cơ khí. Sau một thời gian làm công nhân cho một xưởng cơ khí ở TP Hải Dương, đầu năm 2001, anh mạnh dạn đầu tư mở xưởng sản xuất. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, vốn ít nên hiệu quả không cao. Thời gian sau, với số vốn tích góp được cùng sự giúp đỡ của người thân, anh Thiện đầu tư hơn 800 triệu đồng mở rộng quy mô xưởng, thuê 6 người làm. Từ năm 2008 đến nay, xưởng có khí của anh thường xuyên tạo việc làm cho 8 - 10 lao động, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như trường hợp của các anh Lê Văn Thường, Đinh Thế Quyền. Trước đây, anh Thường từng làm nghề mộc ở tỉnh Cao Bằng, cuộc sống gặp không ít khó khăn. Năm 2005, anh Thường được anh Thiện nhận vào làm tại xưởng cơ khí, với mức thu nhập khá. Tháng 8 - 2010, vợ anh Thường đi xuất khẩu lao động được anh Thiện cho vay 20 triệu đồng không lấy lãi. Còn anh Đinh Thế Quyền, bố mất sớm, 3 mẹ con quanh năm chỉ trông vào 3 sào ruộng khoán, trong khi mẹ anh thường xuyên đau yếu. Là lao động chính trong gia đình, năm 2008, sau khi học xong lớp nghề cơ khí, anh Quyền được nhận vào làm việc ở xưởng của anh Thiện với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. Tương tự hoàn cảnh của anh Quyền, anh Bùi Văn Quyên, bố mất sớm cũng được nhận vào làm ở xưởng cơ khí này với mức lương khá...

Năm 1975, ông Phạm Khắc Tỉnh, ở xã Hưng Đạo (Chí Linh) xuất ngũ về địa phương. Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ông lập vườn trồng cây ăn quả và cây cảnh. Qua gần 20 năm gắn bó với cây cảnh, đến nay ông Tỉnh đã sở hữu trên 500 chậu cây cảnh các loại, trong đó nhiều cây có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh nghề trồng cây cảnh, ông còn được nhiều người biết đến là thầy thuốc tận tâm, hết lòng vì người bệnh. Ông luôn tâm niệm "làm nghề phải có chữ tâm", nhiều bệnh nhân không có tiền thanh toán tiền thuốc vẫn được ông hết lòng cứu chữa. Hằng năm, ông đứng ra nhận giúp đỡ hàng chục hộ nông dân nghèo phát triển kinh tế. Điển hình như hộ bà Phạm Thị Nề ở cùng thôn có hoàn cảnh khó khăn. Ông Tỉnh đã cho bà Nề vay 50 triệu đồng không lấy lãi để mua cá giống, xây bờ ao thả cá. Sau 1 năm, bà Nề đã vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trở về quê hương là thương binh 4/4, cuộc sống gia đình ông Nguyễn Đức Nga cũng ở xã Hưng Đạo gặp nhiều khó khăn. Ngôi nhà của ông dột nát lâu ngày nhưng không có tiền để sửa. Đầu năm 2001, ông Tỉnh đã tự nguyện cho ông Nga vay 10 triệu đồng không lấy lãi để sửa nhà. Ngoài ra, ông Tỉnh còn thuê ông Nga chăm sóc vườn cây cảnh, với thu nhập mỗi tháng từ 2,5 - 3 triệu đồng. Hiện nay, ông Tỉnh tạo việc làm cho gần 10 người có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài xã với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Từ năm 2008 đến nay, ông Tỉnh đã cho gần 30 hộ nghèo vay gần 400 triệu đồng không lấy lãi để phát triển kinh tế. Có 5 hộ thoát nghèo và hàng chục hộ kinh tế phát triển.

Với mô hình nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy, mỗi năm ông Nguyễn Văn Tuệ ở xã Thanh Quang (Nam Sách) thu lãi gần 4 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động với mức thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết người được anh thuê đều có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình chị Nguyễn Thị Chung, ở xã Quốc Tuấn, gia đình anh Nguyễn Văn Tĩnh, ở cùng xã là những gia đình điển hình được ông Tuệ giúp thoát nghèo. Ngoài ra, ông Tuệ cũng tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện như: ủng hộ bà Trương Thị Tuyển ở thôn Tông Phố, xã Thanh Quang 30 triệu đồng xây nhà; phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện ủng hộ 40 triệu đồng xây nhà cho bà Trần Thị Thanh ở cùng xã.

Trên đây chỉ là 3 trong số hàng nghìn hộ nông dân tiêu biểu giúp đỡ nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua, phong trào giúp nông dân nghèo phát triển kinh tế được đông đảo cán bộ, hội viên, đặc biệt là những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nhiệt tình hưởng ứng. Hằng năm, hội nông dân các cấp khảo sát đối tượng nghèo, phát động hội viên nhận giúp đỡ. Từ năm 2008 đến nay, có hơn 27 nghìn lượt cán bộ hội, chi hội và hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nhận giúp đỡ gần 30 nghìn lượt hộ nghèo. Có hơn 21% số hộ được nhận giúp đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, huyện.

MINH MẪN

(0) Bình luận
Những "Mạnh Thường Quân" của nông dân nghèo