Các vận động viên nỗ lực vượt qua những khiếm khuyết của cơ thể, tích cực tập luyện để đem về thành tích cao cho thể thao tỉnh nhà.
Đội tuyển bơi người khuyết tật (NKT) của tỉnh được thành lập năm 2006, gồm các vận động viên (VĐV) khiếm thị. Những năm qua, các VĐV đã nỗ lực khắc phục khó khăn của bản thân, điều kiện, chế độ luyện tập để đem về thành tích cao cho thể thao tỉnh nhà.
VĐV Tân Văn Trung (sinh năm 1985, ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân, Nam Sách), sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng khi 2 tuổi, đôi mắt của Trung mờ dần. Đủ tuổi đi học, Trung được gia đình cho đến trường như các bạn cùng trang lứa. Nhưng do mắt ngày càng yếu, Trung phải học 2 năm mới qua được lớp 1 và đành nghỉ học khi đang ở lớp 2. Hiện nay, đôi mắt của Trung chỉ còn chút phản xạ với ánh sáng, bóng người qua lại. Năm 2005, Trung vào Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề (Hội Người mù tỉnh). Tại đây, Trung được chăm sóc sức khỏe, học chữ nổi và nghề tẩm quất. Năm 2006, Trung được Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước tỉnh tuyển vào đội bơi NKT. Trong thời gian luyện tập, Trung luôn nỗ lực hết mình, với mong muốn được chinh phục thử thách. Khó khăn đầu tiên Trung phải vượt qua, đó là quãng đường dài gần 1 km từ chỗ ở ra bể bơi Yết Kiêu (TP Hải Dương). Không có người đưa đón, Trung phải bám vào vai VĐV mắt sáng để đi theo. Nhưng thử thách thật sự đối với Trung, đó là các bài tập kỹ thuật, thể lực nặng nhọc. VĐV Trung kể: "Những ngày đầu làm quen với các kỹ thuật bơi rất vất vả. Chúng em phải tập thể lực bằng hình thức tập tạ, xà đơn, xà kép, chạy bộ quanh hồ Bạch Đằng, trung bình 9 km/buổi và tập các kỹ thuật bơi trên cạn bằng dây cao su. Sau mỗi buổi tập, toàn thân đau nhừ”...
Không chỉ bơi giỏi, vận động viên Tân Văn Trung rất khéo chăm sóc con
Phạm Văn Tú (sinh năm 1990 ở thôn An Định, xã An Thanh, Tứ Kỳ) cũng bị mù từ nhỏ. Tú sinh ra trong gia đình có bố, chị gái và anh trai đều bị mù. Khi đang học lớp 6, Tú không hiểu sao đôi mắt của mình cứ bị mờ dần. Vài tháng sau, Tú buộc phải nghỉ học vì mắt gần như không còn nhìn thấy. Mất nhiều tháng sống trong sự đau khổ, thất vọng, nhưng được sự động viên của người thân, bạn bè, Tú nguôi ngoai dần và từng bước tìm lại nguồn vui sống. Ở nhà mấy năm, Tú được gia đình đưa lên Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề tỉnh. Tại đây, Tú không chỉ được học nghề tẩm quất mà còn tiếp tục được học văn hóa. Năm 2012, Tú đã hoàn thành chương trình THPT và định thi vào đại học nhưng do điều kiện khó khăn nên đành thôi. Đầu năm 2007, Tú được tuyển vào đội bơi NKT của tỉnh. Tập bơi, khó khăn, thử thách lớn nhất đối với Tú là giai đoạn xuống nước. Tú cho biết: "Thời gian đầu, lúc xuống bể, em phải lần từng bước và rất sợ do người thấp, bể lại sâu. Nhưng việc khó nhất là làm cách nào để định hướng được đường bơi cho thẳng. Khi bắt đầu bơi, chưa có phao chia đường bơi nên em không xác định được phương hướng và liên tục lao vào thành bể, nhiều lần bị bươu trán, sưng đầu. Nhưng cũng từ những lần bị như thế, khả năng định hướng, cảm giác đường bơi của em ngày một tốt hơn. Hiện nay, có khi bơi hết cự ly 100 m em không chạm vào phao lần nào".
Những lúc rảnh rỗi, vận động viên Phạm Văn Tú thường xuyên đọc sách báo
nhằm nâng cao hiểu biết
Ở Hội Người mù tỉnh ai cũng biết em Phạm Thị Hường (sinh năm 1998, ở thôn Tiên Lữ, xã Ngô Quyền, Thanh Miện) có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng luôn sống nghị lực, vui tươi và bơi giỏi. Hường bị mù bẩm sinh giống bố và anh trai. Khi gần 3 tuổi, Hường phải gánh chịu thêm một mất mát lớn nữa là bố em không may qua đời. Hiện nay, mắt phải của Hường còn nhìn khá rõ nhưng mắt trái gần như không nhìn thấy. Hường một mình ở lại Hải Dương, còn mẹ, anh trai lên Lai Châu sinh sống, làm ăn. Đầu năm 2012, Hường bắt đầu vào tập luyện ở đội tuyển bơi NKT của tỉnh. Hường chia sẻ: "Trước đây, em chưa biết bơi, việc tập luyện, thi đấu ra sao, nhưng vì tò mò, muốn thử sức mình xem thế nào và đây là cơ hội tốt để nâng cao sức khỏe nên em tham gia đội tuyển bơi NKT của tỉnh. Thời gian luyện tập ở đội, các động tác khác em không ngại vất vả để thực hiện bằng được nhưng đối với động tác nhảy cầu khi xuất phát, em đã tập nhiều lần nhưng đến nay vẫn thiếu tự tin vì sợ độ cao, độ sâu của bể".
Vận động viên Phạm Thị Hường thường xuyên lên mạng tra cứu tài liệu phục vụ cho việc học
Với những cố gắng không biết mệt mỏi, thời gian qua, các VĐV khuyết tật mang về nhiều thành tích cao cho thể thao Hải Dương. Năm 2012, đánh dấu sự thành công vượt bậc của đội bơi khi tại giải thể thao NKT toàn quốc, tỉnh ta có 4 VĐV tham dự là: Tân Văn Trung, Phạm Văn Tú, Phạm Thị Hường, Nguyễn Thị Dự, mỗi VĐV đều giành được 3 huy chương vàng. Trong đó, Trung và Tú tham gia giải từ năm 2007 đến nay, mỗi giải đều giành 2 - 3 huy chương vàng. Hường sau khi tập luyện được khoảng 10 tháng, trong lần thi đấu đầu tiên xuất sắc giành 3 huy chương vàng. Huấn luyện viên Đinh Thị Tới cho biết: "Hiện nay, đội tuyển bơi NKT của tỉnh có 3 VĐV chính thức là: Tân Văn Trung, Phạm Văn Tú và Phạm Thị Hường. Con đường đến với môn bơi của các VĐV khiếm thị vô cùng gian khổ, chỉ có bằng nỗ lực bản thân, kiên trì, ý chí quyết tâm cao mới làm được. Nhận thức được những thử thách đó, vào đội tuyển, các em hăng say, nỗ lực luyện tập và mong muốn được khẳng định mình. Qua tập luyện, thi đấu, các em đã chứng tỏ được mình tàn nhưng không phế".
DANH TRUNG