Nếu nhiều năm trở về trước, sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức “in và bán lậu,” thì nay các đơn vị xuất bản còn phải đối phó với các hình thức lan truyền sách giả trên môi trường mạng.
Đông đảo phụ huynh, học sinh thành phố tham quan tại Hội sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Sách giả, sách lậu nhiều năm nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản. Giai đoạn dịch bệnh hoành hành khiến việc mua bán sách thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội trở nên phát triển.
Bên cạnh yếu tố thuận tiện, nhanh chóng thì việc giao dịch online lại vô tình tạo “đất sống” cho sách giả. Vàng thau lẫn lộn, không ít độc giả bị thu hút bởi những lời quảng cáo như “xả kho sách giá rẻ,” “trọn bộ Harry Potter tồn kho”… để rồi “ôm cục tức” khi nhận được những cuốn sách kém chất lượng.
Mê trận sách giả trên mạng
Thị trường sách trên mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ. Những kẻ kinh doanh sách lậu cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế để thay đổi hình thức tiếp cận người đọc. Thay vì bày tràn lan các vỉa hè hay len lỏi vào các cửa hàng sách như trước đây, sách lậu đang được chào bán trên mạng, với hình ảnh quảng cáo là những bộ sách thật.
Đó là thông tin ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News (Trí Việt) cung cấp cho phóng viên VietnamPlus khi đề cập đến vấn đề sách lậu. Ông khẳng định sách giả, sách lậu đang lan truyền trên không gian mạng nhanh, mạnh và nhiều không kém gì con virus nguy hiểm đã tấn công loài người hai năm qua.
“Việc buôn bán sách giả trên mạng đang cực kỳ khó kiểm soát. Các đối tượng đăng ảnh sách thật, quảng cáo hấp dẫn, giảm giá 50-70% để thu hút độc giả sau đó ‘ship’ đến những cuốn sách đầy lỗi chính tả, in ấn kém chất lượng,” ông Phước cho biết.
Các đầu sách của First News bị làm giả. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Giám đốc Công ty First News cho biết trước đây mọi người thường hay nói đến khái niệm “sách in lậu” nhưng hiện nay, bên cạnh sách in thì audio book (sách nói) và e-book (sách điện tử) cũng dễ dàng bị sao chép, do đó chúng ta cần tiếp nhận khái niệm mới là “sách giả” để có thể nhận thức toàn diện mối nguy hại và từ đó tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình mới.
Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch-Bản quyền của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cũng đồng tình với quan điểm đó và cho rằng tình trạng sách lậu đã trở thành thực trạng khiến các đơn vị phát hành sách “đau đầu” nhiều năm nay.
“Tình trạng buôn bán sách lậu không những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng bùng nổ, được rao bán ngày một công khai trên các trang mạng xã hội và thậm chí cả trên các sàn thương mại điện tử lớn,” ông Minh nói.
Không chỉ có các đầu sách bán chạy của Nhã Nam được “điểm mặt gọi tên” trên thị trường sách lậu, những tựa sách đã ngừng xuất bản, được nhiều bạn đọc yêu thích tìm kiếm, sưu tập cũng bị làm giả ngang nhiên và bị rao bán với giá trên trời như: “Thiên táng,” “Mật mã Tây Tạng,” “Ma thổi đèn”…
Nếu nhiều năm trở về trước sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức “in và bán lậu” thì nay Nhã Nam còn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc nhiều cá nhân tự ý sao chép và lưu hành e-book. Ông Minh cho rằng công nghệ hiện đại khiến cho việc lưu hành e-book thậm chí còn nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với in lậu.
Hình sự hóa trách nhiệm
Trước thực trạng đó, các đơn vị phát hành sách đã chủ động dùng nhiều biện pháp để đối phó với nạn sách giả, sách lậu.
Với mong muốn nâng cao ý thức và nhận thức của bạn đọc về việc tiêu thụ các sản phẩm vi phạm bản quyền, Công ty Nhã Nam đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông, nổi bật là việc lan tỏa thông điệp “Mua bán sách giả là giết chết sách thật.”
Một cán bộ thu giữ sách giả ở Hà Đông. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đơn vị này gắn logo Nhã Nam kèm thông điệp lên mỗi cuốn sách, hướng dẫn độc giả cách phân biệt sách thật-sách giả, công bố các địa chỉ đảm bảo để độc giả có thể tìm mua sách thật. Bên cạnh đó, Nhã Nam duy trì hoạt động của nhóm Facebook “Nhã Nam reading club” để hình thành một cộng đồng thông thái, nơi độc giả tự chia sẻ kinh nghiệm mua sách, không tiếp tay cho nạn sách lậu và sách giả.
Song song với nỗ lực tuyên truyền, các đơn vị xuất bản cùng chung mong muốn các cấp cơ quan quản lý nhà nước có những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn để răn đe các cá nhân và tập thể có hành vi vi phạm luật bản quyền, không để tình trạng buôn bán tràn lan kéo dài thêm nữa.
“Dù rất muốn nhanh chóng có phương cách đối phó với nạn sách giả, sách lậu nhưng các đơn vị phát hành như Nhã Nam lại không có đủ quyền hạn để có thể can thiệp vào hành vi sản xuất và tiêu thụ sách lậu. Hơn thế nữa, với tình trạng sách lậu bày bán công khai và tràn lan như hiện nay, chắc chắn cần những chế tài xử phạt và sự can thiệp từ các cơ quan quản lý,” ông Minh nói.
Các đơn vị khác như First News, Alpha Books, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Giáo dục cũng rất tích cực trong công tác tuyên truyền, giúp độc giả phân biệt sách giả-sách thật. First News và Alpha Books còn phối hợp để thường xuyên cập nhật các trang Fanpage, các tài khoản Facebook rao bán sách giả để người đọc không bị mua nhầm.
Giám đốc Công ty First News cho hay chính ông đã tự đặt mua sách trên Lazada để xác minh thông tin phản hồi của bạn đọc rằng trang thương mại điện tử này bán sách giả.
“Năm 2019, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề sách kém chất lượng, in sai sót được mua từ các gian hàng trên Lazada, trong đó, có nhiều đầu sách mà First News là đơn vị duy nhất giữ bản quyền xuất bản và in ấn tại thị trường Việt Nam,” ông Phước cho biết.
Quả nhiên, những cuốn sách được gửi tới là sách giả, sao chép bản in của First News. Đơn vị này đã liên hệ với Lazada nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào. First News sau đó đã lập vi bằng, gửi đơn kiện lên Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đã 2 năm qua, vụ việc vẫn chưa được xử lý.
Họa sỹ Tùng Lâm ký tặng độc giả trong tọa đàm về bìa sách, do Nhã Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Phước cho rằng việc sản xuất, in ấn và tiêu thụ sách giả không chỉ vi phạm Luật Bản quyền, Công ước Berne, Luật Xuất bản Việt Nam mà còn vi phạm quy định của Luật hình sự về tội sản xuất, tiêu thụ hàng giả, tuy nhiên hiện nay, chế tài xử lý vi phạm còn nương nhẹ, chưa đủ sức răn đe, đa số vẫn chỉ dừng lại ở phạt vi phạm hành chính.
“Từ sự việc Lazada, chúng tôi cho rằng cần các cơ quan quản lý cần xem lại khâu pháp chế. Đối với hàng nhái, hàng giả, phải hình sự hóa trách nhiệm, xử lý thật mạnh mới mong lập lại trật tự,” ông Phước kiến nghị.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ông Nguyễn Nguyên cũng thừa nhận rằng công tác phòng, chống in lậu mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song tình trạng tiêu cực vẫn còn rất phổ biến, thậm chí xảy ra ngay trong cả doanh nghiệp, cơ sở in.
“Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đã trực tiếp chỉ đạo các ban ngành phải tập trung hơn về quy định, đảm bảo chính sách rõ ràng, bám sát điều kiện thực hiện của cơ sở, doanh nghiệp in. Thời gian tới, các đơn vị sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra điều luật liên quan in lậu. Không chỉ riêng luật về bản quyền mà nhiều vấn đề khác cũng sẽ được xem xét, bổ sung,” ông Nguyên cho biết.
Theo báo cáo tổng kết năm 2021, Đoàn liên ngành và các Đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 722 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, phát hành, photocopy và ban hành 32 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 800 triệu đồng, tịch thu, tiêu hủy hơn 145.000 xuất bản phẩm. |
Theo Vietnam+