"Khoan cắt bê-tông", "hút bể phốt", "bán nhà"... là những gì dễ dàng bắt gặp trên các tờ, biển quảng cáo dán, gắn nhan nhản trên cột điện, hộp công-tơ... làm bộ mặt đô thị thành phố trở nên nhếch nhác.
Những quảng cáo bán đất, bán nhà, hút bể phốt dán chồng lên nhau trên những hộp
công- tơ điện trên phố Đồng Xuân trước trụ sở UBND TP Hải Dương
"Khoan cắt bê-tông", "hút bể phốt", "bán nhà"... là những gì dễ dàng bắt gặp trên các tờ, biển quảng cáo dán, gắn nhan nhản trên cột điện, hộp công-tơ điện, biển báo giao thông, ở gốc cây, bờ tường tại các đô thị. Chúng không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn vi phạm Pháp lệnh về quảng cáo. Đáng nói hơn là sau hàng loạt các cuộc ra quân của cơ quan chức năng nhằm xóa bỏ thì chỉ một thời gian ngắn tình trạng quảng cáo “bẩn” lại đâu đóng đấy.
Quảng cáo bôi “bẩn” đô thịĐi dọc tuyến phố Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), chúng tôi thấy nhiều chỗ, từ chân cột điện, gốc cây, hộp công-tơ điện, hộp dây cáp viễn thông, biển chỉ đường giao thông… đều nhan nhản các tờ quảng cáo, các số điện thoại khoan cắt bê-tông, hút bể phốt, gia sư… Có hộp chỗ các tờ quảng cáo dán chồng lên nhau hết lớp này đến lớp khác. Các chân cột điện được quét sơn trắng cũng trở thành nơi lý tưởng để các tờ quảng cáo, số điện thoại “ngự”. Đây là một trong những tuyến phố chính của TP Hải Dương được công nhận tuyến phố văn minh đô thị. Thế nhưng ngay dưới tấm biển “tuyến phố văn minh đô thị” là chi chít các tờ quảng cáo “bẩn”. Một người dân ở đây cho biết: "Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay. Mỗi ngày những tờ quảng cáo lại xuất hiện càng nhiều. Cả tuyến phố giờ đã bị những thứ này bôi bẩn".
Tại đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương), tuyến đường do thanh niên tự quản, tình trạng quảng cáo bẩn cũng nhức nhối không kém. Chân cột đèn giao thông ngã tư Ngô Quyền - Nguyễn Lương Bằng nơi thường xuyên có lực lượng công an giao thông đứng làm nhiệm vụ bị dán đầy các tờ quảng cáo. Ở mặt những hộp công-tơ điện và chân hai cột điện trước cửa Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, chúng tôi đếm được gần 20 tờ quảng cáo hút bể phốt, gia sư... Thậm chí, thùng rác đặt dưới hai chiếc cột này cũng có quảng cáo. Khi dạo qua các tuyến phố chính khác trong thành phố Hải Dương như đại lộ Hồ Chí Minh, đại lộ Trần Hưng Đạo, phố Quang Trung, đường Bạch Đằng… hay tại trung tâm các huyện, thị xã, chúng tôi cũng gặp tình trạng quảng cáo bẩn tràn lan như trên.
Không những được dán ở cột điện, gốc cây, biển chỉ đường giao thông, quảng cáo bẩn còn xuất hiện cả trên cửa, trên tường bao cơ quan, công sở và cả nhà dân. Khu vực tường bao mặt tiền của trụ sở Thị ủy Chí Linh vừa mới hoàn thành đã có ngay quảng cáo diệt mối, muỗi. Tường bao của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Bệnh viện Đa khoa thị xã cũng dày đặc các biển quảng cáo: cắt tóc, khoan cắt bê-tông, bán rau giống, chống thấm dột, nhận làm đồng phục… Khu vực Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên trên đường Đỗ Ngọc Du (TP Hải Dương) cũng loang lổ các số điện thoại được sơn phết lên tường. Pháp lệnh về quảng cáo nêu rõ: "Nghiêm cấm những hành vi quảng cáo làm ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị, cảnh quan, môi trường và trật tự an toàn giao thông". Thế nhưng bất chấp luật pháp, vì lợi ích cá nhân, quảng cáo bẩn vẫn nở rộ, trở thành vấn nạn, làm cho hình ảnh của đô thị trở nên nhếch nhác.
Tường bao của Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Chí Linh đầy các biển quảng cáo: cắt tóc,
khoan cắt bê-tông, bán rau giống, chống thấm dột, nhận làm đồng phục...
Giải pháp nào hữu hiệu?Từ lâu, đây đã là câu hỏi khiến các nhà quản lý đô thị đau đầu. Hàng loạt các biện pháp đã được triển khai tại tất cả các địa phương trong tỉnh song không hiệu quả. Ông Bùi Dương Nghĩa, Trưởng Phòng Văn hóa - thông tin TP Hải Dương cho biết: "Thành phố là nơi tình trạng quảng cáo bẩn nhức nhối nhất. Các đối tượng thường chọn thời gian buổi trưa hoặc tối vắng người để lén lút dán những loại quảng cáo rác này. Năm nào thành phố cùng phát động hàng loạt các cuộc ra quân tháo gỡ quảng cáo bẩn nhưng không xuể”. Tháng 3 năm nay, thành phố đã phát động tháng ra quân tình nguyện vì tuyến phố văn minh với sự tham gia của 629 cán bộ, công an, học sinh, sinh viên, gỡ bỏ trên 14.400 quảng cáo bẩn, sơn lại trên 500 cột điện và trên 400 gốc cây có quảng cáo rao vặt gây mất mỹ quan đô thị, thu giữ 174 biển quảng cáo trái phép, chép lại trên 500 số điện thoại. Phòng đã liên lạc với các số điện thoại trên quảng cáo rồi mật phục bắt giữ tang vật, xử phạt trên 50 đối tượng. Có phường như Thanh Bình bắt giữ tang vật, xử phạt trên 30 đối tượng. Tuy nhiên, sau đợt ra quân, tình trạng quảng cáo bẩn vẫn diễn ra. Cứ như những gì chúng tôi thấy thì tình trạng dán-bóc-dán... sẽ còn chưa chấm dứt.
Theo ông Nguyễn Hữu Đông, Chánh thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: Thực trạng quảng cáo bẩn tràn lan gây mất mỹ quan đô thị là điều không thể phủ nhận. Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này cần phải có những giải pháp đồng bộ, sự phối hợp từ nhiều phía. Trước hết, phải xử phạt nghiêm khắc những đối tượng vi phạm để cảnh cáo, răn đe. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng khu dân cư, đưa tiêu chí này vào bình xét khu dân cư văn hóa, khu dân cư tiên tiến, tuyến phố văn minh để mọi người cùng có trách nhiệm bảo vệ cảnh quan khu phố mình. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phối hợp với ngành văn hóa cắt những số điện thoại vi phạm thì tình trạng cũng sẽ được cải thiện (vì lợi ích kinh doanh, đến nay các doanh nghiệp này vẫn giữ thái độ bất hợp tác). Một giải pháp nữa là xây dựng các bảng tin tại các nơi công cộng để cho những người có nhu cầu quảng cáo được dán thông tin miễn phí, nhưng vấn đề khó khăn là kinh phí. TP Hải Dương đang có kế hoạch kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa thực hiện thí điểm việc này.
NGỌC HÙNG