Đường ngang dân sinh mở trái phép là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt thời gian qua trên địa bàn tỉnh...
Công an huyện Kim Thành vận động người dân ký cam kết bảo vệ an toàn đường sắt
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt, làm 6 người chết và 9 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do mất an toàn ở những đường ngang dân sinh tự phát.
Huyện Kim Thành là một điểm nóng về vi phạm an toàn đường sắt. Huyện có nhiều đường ngang dân sinh, người dân xây dựng nhà, trồng cây vi phạm hành lang an toàn đường dây thông tin, che khuất tầm nhìn các đường ngang, vì vậy tai nạn xảy ra nhiều. Chỉ tính riêng cung đường Phú Thái, đoạn từ km 75+100 thuộc xã Kim Xuyên đến km 83 thuộc xã Kim Lương đã có 78 đường ngang dân sinh trái phép. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã Kim Lương đã xảy ra 5 vụ TNGT đường sắt. Hầu hết các vụ TNGT đường sắt đều xảy ra với những người địa phương khác, do không đề phòng, đi vào những đường dân sinh trái phép nên đã xảy ra tai nạn thương tâm. Gần đây nhất, ngày 28-6, tại km 81+270, tàu 418T1 đã va vào các anh Đỗ Văn Lợi (sinh năm 1994) và Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1992), cùng trú tại xã Kim Khê (Kim Thành) đang điều khiển xe máy 34K-3731 khiến cả 2 đều bị thương. Trước đó, ngày 23-6, tại km81+500, tàu LP3 va vào chị Trần Thị Huế (sinh năm 1971), ở Nam Hồng (Nam Sách) đang đi bộ khiến nạn nhân chết tại chỗ. Ông Vũ Kim Tuyền, Phó Giám đốc Xí nghiệp Vận tải đường sắt Hà Hải cho biết: "Tình trạng đường ngang trái phép tại xã Kim Lương đã tồn tại nhiều năm nay do ý thức chủ quan, không chấp hành các quy định an toàn giao thông đường sắt của người dân và công tác quản lý của chính quyền địa phương còn nhiều bất cập. Mặc dù cấp đất dọc đường sắt nhưng lại không quy hoạch đường gom nên người dân tự ý mở đường ngang để đi lại, rất dễ va chạm với các tàu".
Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), ngoài điểm nóng Kim Thành thì trên địa bàn tỉnh còn một số điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt khác. Đó là, tại km 39+670, đoạn qua xã Kim Giang (Cẩm Giàng) thường xuyên xảy ra tình trạng người dân họp chợ tại đường ngang dân sinh, ngay trên lòng đường sắt. Tại km 63+812 (trong ga Tiền Trung, xã Ái Quốc, TP Hải Dương) đường ngang có độ dốc lớn, đi qua 3 đường sắt và thường xuyên có nhiều phương tiện qua lại. Tại km 8+263, đoạn vào khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc (Chí Linh) đường ngang cũng có độ dốc lớn nên che khuất tầm nhìn của các phương tiện qua lại.
Ông Uông Đình Hùng, Phó Trưởng ban Thanh tra đường sắt 1 (Cục Đường sắt Việt Nam) cho biết: "Hải Dương là một trong những địa phương có tình trạng vi phạm an toàn đường sắt khá phổ biến. Để không phát sinh thêm những vi phạm mới, các ngành chức năng và các địa phương có đường sắt đi qua cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, vận động, thuyết phục người dân xóa các đường dân sinh tự phát. Đây không phải việc dễ làm, nhưng đó là cách duy nhất để xóa bỏ các điểm đen về TNGT đường sắt. Đặc biệt, trong quy hoạch sử dụng đất phải quan tâm đến hành lang an toàn đường sắt, khu dân sinh phải bố trí đường gom, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân".
Ngoài sự mất an toàn tại các đường ngang trái phép thì trên những đường ngang được phép mở và có biển báo cố định cũng vẫn xảy ra tai nạn do người và phương tiện tham gia giao thông bị che khuất tầm nhìn, không nghe rõ còi tàu... Vì vậy, tại các khu vực đông dân cư, ngành đường sắt cần bố trí thêm những biển cảnh báo tự động, biển kéo còi... để hạn chế tối đa tai nạn, bảo vệ sự an toàn về tính mạng, tài sản của người dân.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng qua địa bàn tỉnh ta có chiều dài 46,3 km thì có tới 208 đường ngang. Trong đó, 11 đường ngang có người gác, 3 đường ngang có cảnh báo di động, 19 đường ngang được phép mở và có biển báo cố định, còn lại 175 đường ngang do người dân tự ý mở. Trên tuyến đường sắt Kép - Hạ Long cũng có 46 đường ngang dân sinh trái phép. |
HOÀNG BIÊN