Như nhịp sóng sông quê

09/10/2022 07:31

Giá mà thời gian cho chúng ta được quay trở về ngày xưa, dẫu chỉ là một giờ, một phút cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Nhưng với một thi nhân tâm hồn đầy ắp kỷ niệm như nhà thơ Hữu Thỉnh thì phải mượn mùa thu lâu lâu để mà hoài niệm.

Mượn mùa thu một buổi

Mượn mùa thu một buổi
Ta về thăm cỏ đồi
Tháng năm ai mài nhẵn
Mòn sỏi trẻ con chơi.

Ai treo diều lưng trâu
Hái chiều vài lá thắm
Ai cấy men sứ sành
Trong bập bùng lửa đượm.

Ai mải đuôi cá cờ
Bỏ quên chiều dải quạt
Ai chơi ô ăn quan
Giờ cười rung tóc bạc.

Ra giêng ai lấy chồng
Làm ngẩn ngơ tre trúc
Đình xưa mơ bóng hạc
Sóng còn lưu luyến sông.

1-1999

HỮU THỈNH

Giá mà thời gian cho chúng ta được quay trở về ngày xưa, dẫu chỉ là một giờ, một phút cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Nhưng với một thi nhân tâm hồn đầy ắp kỷ niệm như nhà thơ Hữu Thỉnh thì phải mượn mùa thu lâu lâu để mà hoài niệm. Bởi thế, “Mượn mùa thu một buổi” có biết bao điều để nói. Bài thơ có tất cả 4 khổ thì có đến 3 khổ dành để ngụp lặn vào ký ức tuổi thơ:

Mượn mùa thu một buổi
Ta về thăm cỏ đồi
Tháng năm ai mài nhẵn
Mòn sỏi trẻ con chơi.

Thú thật, nếu được trẻ dù chỉ trong tâm tưởng thì ai cũng nhớ về những gì lấm lem, mộc mạc nhất nhưng đã làm nên ấu thơ của mình. Ai từng chăn trâu, lấy củi, lấy rau mà chẳng nhớ phút lăn lê với cỏ đồi, nhớ những hòn sỏi ô ăn quan mê đắm. Thế mà, khi thấy thời gian mài nhẵn những viên sỏi trần gian, khiến ta phải suy tư về một quy luật nghiệt ngã bào mòn tất cả. Nhưng, đâu đã hết những điều tưởng quen mà hóa ra lạ:

Ai treo diều lưng trâu
Hái chiều vài lá thắm
Ai cấy men sứ sành
Trong bập bùng lửa đượm.

Đọc 4 câu thơ này mới thấy thời gian tạo cho chúng ta một góc nhìn khác về tuổi thơ. Những trò đùa nghịch của trẻ con, những dấu ấn bàn tay lao động được nhìn bằng sự huyền diệu của mùa màng, của lửa, của men sứ sành. Những câu hỏi mơ hồ, những đại từ nhân xưng phiếm chỉ: “Ai treo diều lưng trâu”; “Ai cấy men sứ sành” đủ để tạo ra sự man mác, bâng khuâng như vừa mới hôm qua mà giờ đây càng hoài niệm, càng xa xôi, càng quý giá. Đến khổ thơ thứ ba, những hoài niệm đã nhuốm màu tâm trạng hơn:

Ai mải đuôi cá cờ
Bỏ quên chiều dải quạt
Ai chơi ô ăn quan
Giờ cười rung tóc bạc

Vẫn là cuộc kiếm tìm bóng dáng bạn bè, bóng dáng mình trong các trò chơi tuổi thơ như mải mê đuổi bắt chiếc đuôi cờ, mải chơi ô ăn quan. Nhưng bất chợt, nụ cười tự ngày xưa làm rung mái tóc bạc màu sương gió hôm nay. Một điểm nhấn bất ngờ, đau đáu làm mạch thơ chững lại, như trầm xuống. Người đọc phải lặng im suy cảm. Vì lẽ đó mà khổ thơ cuối cùng vừa man mác buồn, vừa bâng khuâng:

Ra giêng ai lấy chồng
Làm ngẩn ngơ tre trúc
Đình xưa mơ bóng hạc
Sóng còn lưu luyến sông.

Trong cuộc đời của một người con trai, bao giờ cũng ẩn giấu một nỗi buồn sâu kín, ấy là khi đánh mất người mình yêu, người từng cùng mình đinh ninh thề hẹn. Người đã xa, chỉ còn lối về của tre, của trúc, giờ chỉ còn lại làng quê cổ kính, trầm mặc như găm lại bên dòng thời gian mải miết: 

Đình xưa mơ bóng hạc
Sóng còn lưu luyến sông.

Hai câu thơ cuối cùng tưởng như già nua, lạc nhịp với cả một bài thơ hoài niệm trẻ trung nhưng thật ra đó là điều suy ngẫm lắng sâu nhất, đắt giá nhất. Làm sao có thể níu giữ được thời gian, làm sao có thể trở về mùa thu cũ. Chỉ còn những dư âm còn đọng lại thì mãi tha thiết trong tâm hồn ta như nhịp sóng sông quê. 

VIỆT PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Như nhịp sóng sông quê