Đời sống văn hóa

Nhớ thương bếp rạ mưa phùn

TIẾN HUY 08/02/2024 10:37

Về quê bây giờ có lẽ rất hiếm hoi mới bắt gặp hình ảnh người bà, người mẹ lui cui bên bếp rạ. Nhưng với những thế hệ từ 8X trở về trước, bếp rạ và mùi khói bếp cay xè ấy luôn là cả một bầu trời ký ức thân thương.

z5145815376458_447859ee2fd9edeedc8077139601f21e(1).jpg
Những năm gần đây nhiều gia đình ở phố lại cùng nhau đụng lợn, gói bánh chưng, để con cháu biết được một phần hương vị Tết cổ truyền, để chúng được đắm mình trong làn khói cay xè, vương vấn. Trong ảnh: Cụ Chu Thị Lẩn (94 tuổi) ở phố Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) năm nào cũng gói bánh chưng để con cháu có cơ hội sum vầy. Ảnh: Trường Nguyễn

Hồi chất đốt còn khan hiếm thì rơm rạ ở quê được tích trữ để đun nấu quanh năm. Rơm thì thường được chất đống ở góc sân, góc vườn, còn rạ thì sau vụ mùa xén ra xếp hình chóp nón ngay trên mặt ruộng, đợi khô gánh về xếp gọn.

Đống rơm, đống rạ trong nhà quý lắm, trở thành hình ảnh không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà ở các vùng quê. Có những đống rơm tích trữ từ vụ này sang vụ khác, cao vượt cả nóc nhà. Thế nên có gia đình, gần Tết cháu nhỏ về chơi "tiện tay" đốt đống rơm của ông bà thì con như "mất Tết"...

Khói rạ khác hẳn khói rơm, nó đậm đặc và cay mắt. Gặp hôm mưa phùn, khói từ bếp rạ chỉ vương vấn trên mái tranh rồi sà xuống mặt sân trước nhà mà không bay lên được.

Trong gian bếp nhỏ liêu xiêu ấy là dáng bà, dáng mẹ lui cui nấu nướng. Cứ thấy mùi khói rạ là đoán hôm nay được ăn món gì, dù đơn sơ thôi nhưng ấm cúng và ngon miệng.

Nhớ hồi khốn khó, nhà tôi ở quê nhưng không có ruộng, vậy là ngoài quét lá, kiếm củi làm chất đốt thì còn phải đi xin, đi mót rơm rạ sau mỗi vụ gặt mang về. Phải hôm rạ ướt khó cháy, khói càng đậm đặc. Nấu xong một ấm nước cho bố tiếp khách thì đã giàn giụa nước mắt nước mũi.

Bếp rạ luôn là một phần quan trọng của mỗi gia đình. Thấy bếp rạ còn đỏ lửa là biết nhà này còn gạo, thấy mùi xào nấu bay ra từ căn bếp ấy là biết gia đình này khá giả. Nhất là vào vụ Tết, bếp rạ đỏ lửa suốt ngày. Đến nhà ai mà được kể mỗi ngày Tết tiếp khách hết 10 phích nước Rạng Đông, là biết gia đình đó được trọng vọng ở làng. Trước Tết, bếp rạ đã đỏ lửa với nồi bánh chưng sôi sùng sục. Trong gian bếp ấy còn là cái ổ rơm có mấy đứa cháu trông bánh chưng chờ trời sáng để được hít hà cái hương vị mỗi năm chỉ có một lần.

z5145789959656_9ea6ab32ba030731ce8183f376092626.jpg
Bếp rạ giờ mất dần, càng hiếm có cảnh lũ trẻ quây quần trông nồi bánh chưng sôi sùng sục.
Ảnh: Huyền Anh

Tinh mơ ngày mùng 1 Tết, tiếng pháo đã nổ lẹt đẹt khắp làng. Chui ra khỏi chăn ấm, đi qua khoảng sân đất dưới mưa phùn mù mịt là tới căn bếp ấm. Nơi ấy có mẹ đang xào nấu chuẩn bị mâm cỗ sáng ngày mùng 1. Chỉ có khoanh giò, cái bánh chưng cắt 8, bát miến nấu măng khô, đĩa gà luộc mang lên là Tết đã đủ đầy.

Bếp rạ giờ hiếm lắm, càng không có cảnh lũ trẻ quây quần trông nồi bánh chưng sôi sùng sục. Ở quê, rơm rạ đã được thay bằng bếp từ, bếp ga, bếp điện. Giá để một đứa trẻ ở quê bây giờ nấu nồi cơm bằng bếp rạ có lẽ cũng không biết canh lửa sao cho cơm chín. Rồi thực phẩm đã đủ đầy, phong phú hơn trước rất nhiều.

Trẻ con ở quê cũng chẳng tha thiết gì ăn uống, chẳng còn ước một bộ quần áo mới, vì thế Tết bây giờ không còn nhiều phong vị như Tết hồi xưa. Ở quê giờ cũng ngày càng nhiều gia đình không gói bánh chưng mà đặt sẵn, vì thế Tết với mỗi đứa trẻ cũng không đọng lại nhiều hình ảnh hay có cơ hội tìm hiểu về Tết cổ truyền.

Còn ở phố mấy năm nay, nhiều gia đình lại cùng nhau đụng lợn, gói bánh chưng, để con cháu biết được một phần hương vị Tết cổ truyền, để chúng được đắm mình trong làn khói cay xè, vương vấn.

Hôm rồi về quê, tôi dạo một vòng quanh xóm, tuyệt nhiên không còn bếp rạ nào. Thay vào mỗi căn bếp rạ liêu xiêu là những căn nhà ăn sáng choang, hiện đại. Nhưng ở góc khoảng sân đất kia, đâu đây vẫn là hình ảnh một căn bếp rạ ấm nồng ngọn lửa mùa đông, có khói sà xuống mặt sân dưới làn sương mù lắc rắc.

Tết về, lại nhớ - thương bếp rạ mưa phùn...

TIẾN HUY
(0) Bình luận
Nhớ thương bếp rạ mưa phùn