Nhớ SEA Games 22 tại Hải Dương

04/05/2022 10:00

Gần 20 năm về trước, Hải Dương vinh dự được đăng cai tổ chức thi đấu môn bóng bàn SEA Games 22. Sự kiện này đã trở thành kỷ niệm không thể quên với nhiều người Hải Dương, nhất là với người trực tiếp làm nhiệm vụ tổ chức giải.


Quang cảnh lễ khai mạc SEA Games 22 năm 2003 tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hải Dương. Ảnh: PV

Cách đây 19 năm, lần đầu tiên trong lịch sử thể thao nước nhà, Việt Nam được đăng cai một kỳ Đại hội Thể dục thể thao Đông Nam Á - SEA Games 22 năm 2003. Vinh dự cho Hải Dương khi đó được đăng cai môn bóng bàn, được xem là môn thể thao "đặc sản" của tỉnh Đông. Giải chính thức diễn ra tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh từ ngày 6-12.12.2003. Giờ đây nhớ lại những tháng ngày sôi động ấy, tôi lại bồi hồi và tràn ngập niềm tự hào với nhiều ký ức, kỷ niệm đẹp đã trải qua gần 2 thập kỷ trước.

Lần đầu tiên đăng cai tổ chức môn bóng bàn trong chương trình SEA Games 22, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương vô cùng phấn khởi. Hải Dương đã tập trung chỉnh trang, đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường ở thành phố; đầu tư xây dựng nội, ngoại thất Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn ánh sáng, trang âm, truyền hình trực tiếp theo đúng điều lệ quy định quốc tế. Do là lần đầu tiên đăng cai tổ chức một giải đấu lớn nên công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang trí khánh tiết, hậu cần, kinh phí, tuyên truyền, giao thông, ăn nghỉ của Ban Tổ chức, trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên, tình nguyện viên đều còn ngỡ ngàng, lúng túng, hạn chế, song Hải Dương đã sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Ngày 31.3.2003, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Nhưng đã ký Quyết định số 323/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo SEA Games 22 do đồng chí Nguyễn Hữu Oanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Tôi khi đó là Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao làm Phó Trưởng ban Thường trực. Ngày 29.5.2003, UBND tỉnh tiếp tục ra quyết định thành lập Ban Tổ chức SEA Games 22 để trực tiếp chỉ đạo các Tiểu ban: Chuyên môn, trang trí khánh tiết, xây dựng cơ sở vật chất nội, ngoại thất nhà thi đấu; Tuyên truyền; Hậu cần; Tài chính và vận động tài trợ; Y tế, tình nguyện viên.

Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội với tinh thần trách nhiệm cao, phấn khởi, tự tin hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được phân công. Nhiều hạng mục xây dựng, sửa chữa nhà thi đấu đã hoàn thành, bảo đảm đúng, đủ, chính xác theo quy định của luật thi đấu bóng bàn quốc tế. Đặc biệt là độ sáng lux phục vụ môn bóng bàn, phòng làm việc của bộ phận tuyên truyền, báo chí, truyền hình trực tiếp cũng gấp rút hoàn thành. Ngoài ra, đã đầu tư xây dựng đường truyền dẫn các trận đấu về Ban Tổ chức SEA Games của Trung ương và truyền dẫn thông tin các trận đấu ra các nước Đông Nam Á.

Ngày ấy, khó khăn lớn nhất đối với Hải Dương là lực lượng hướng dẫn viên, vì đội ngũ này chưa có nghiệp vụ, hạn chế về ngoại ngữ, đặc biệt là giao tiếp bằng tiếng Anh. Khó khăn tiếp theo là sắp xếp nơi ăn, nghỉ cho các đoàn vận động viên. Ngày ấy khách sạn Nacimex chưa khánh thành. Rất may, hệ thống giao thông xung quanh nhà thi đấu, biển báo chỉ đường, chỉnh trang đường phố do UBND TP Hải Dương phụ trách đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Ngày 11.10.2003, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo tỉnh đã đón Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao quốc gia Nguyễn Danh Thái kiểm tra và nghe báo cáo đầy đủ, chi tiết, cụ thể kế hoạch chuẩn bị tổ chức môn bóng bàn. Đồng chí Bộ trưởng đánh giá cao việc nâng cấp, sửa chữa nhà thi đấu, công tác chỉnh trang đô thị xanh, sạch, đẹp, công tác an ninh, y tế, giao thông, các địa điểm ăn, nghỉ của Ban Tổ chức, trọng tài, trưởng đoàn, huấn luyện viên, vận động viên của các đoàn tham gia Đại hội. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp kiểm tra công tác rà phá bom mìn, chất cháy nổ, phòng chống biệt kích, bắt cóc con tin... Trước 10 ngày khai mạc Đại hội, Hải Dương đăng cai Giải Bóng bàn toàn quốc. Đây là dịp để Hải Dương thực tập tiền SEA Games 22.

Ngày 6.12, môn bóng bàn SEA Games 22 chính thức khai mạc tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao với 6 ngày thi đấu sôi nổi, khẩn trương, nghiêm túc, bảo đảm đúng tiến độ điều lệ quốc tế. Giải đã thu hút hàng chục nghìn khán giả đến cổ vũ. Ai cũng phấn khởi, tự hào xen lẫn niềm xúc động vì một tỉnh còn khó khăn như Hải Dương đã đăng cai tổ chức được một môn thi đấu của giải thể thao lớn nhất Đông Nam Á.

Nhà thi đấu trang hoàng cờ hoa, cổ vũ, động viên môn thể thao "đặc sản" của tỉnh Đông. Giải đã thành công tốt đẹp. Sáu bộ huy chương vàng, bạc, đồng đã có chủ. Tay vợt Trần Tuấn Quỳnh (đoàn Việt Nam) giành chức vô địch đơn nam. Đây là niềm vinh dự cho nền bóng bàn nước nhà. Hải Dương có 9 vận động viên tham dự SEA Games 22 , giành 11 huy chương các loại, trong đó có 3 huy chương vàng cá nhân, 5 huy chương vàng đồng đội, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng, góp phần cho đoàn thể thao Việt Nam giành giải nhất toàn đoàn ở ngay lần đầu tiên chúng ta đăng cai SEA Games.

Chỉ còn ít ngày nữa, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương lại một lần nữa được Trung ương tin tưởng giao nhiệm vụ đăng cai môn bóng bàn SEA Games 31. Với kinh nghiệm tổ chức thi đấu các giải quốc gia, quốc tế, con người xứ Đông giàu lòng mến khách và nhiệt tình cổ vũ, chắc chắn 2 đội tuyển bóng bàn Việt Nam, trong đó có 3 tay vợt chủ lực người Hải Dương gồm Đoàn Bá Tuấn Anh, Nguyễn Đức Tuân và Bùi Ngọc Lan sẽ giành được thành tích cao.

Gần 2 thập kỷ đã trôi qua, với bao sự kiện thể thao, song lần trực tiếp tham gia chỉ đạo tổ chức SEA Games 22 năm 2003 luôn là một kỷ niệm đẹp và tự hào trong sự nghiệp của tôi!

​TRỊNH CÔNG QUYỀN

Nguyên Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao Hải Dương

Điều ít biết về SEA Games

SEA Games có tên đầy đủ là Southeast Asian Games, dịch theo tiếng Việt là Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á. 

SEA Games đầu tiên được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 12 - 17.12.1959 với tên gọi là SEAP Games (tên gọi SEAP Games do ông Luang Sukhum Nayaoradit, người sau này là Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan đặt). Theo thỏa thuận ban đầu, tên các quốc gia sẽ được đăng cai dựa theo ký tự bảng chữ cái. Kỳ SEAP Games thứ 2 đã diễn ra tại Burma tức Myanmar ngày nay. Tuy nhiên ở kỳ SEAP Games lần thứ 3, nếu đúng theo quy định thì Campuchia sẽ là quốc gia đăng cai, nhưng nước này đã không đáp ứng đủ điều kiện và đành phải nhường cho nước tiếp theo là Lào. Nhưng rồi Lào cũng đành phải rút lui do thiếu hụt tài chính. Hơn nữa Campuchia và Thái Lan cũng đang xảy ra những xung đột chính trị, vì thế kỳ SEAP Games 1963 đã chính thức bị huỷ bỏ và chờ đến năm 1965. Đó cũng là lần đầu tiên Malaysia được đăng cai đại hội. Mọi thứ diễn ra theo đúng quy trình cho đến năm 1975, tình hình chính trị căng thẳng ở Đông Nam Á đã biến kỳ đại hội lần thứ 8 trong lịch sử chỉ quy tụ được vỏn vẹn 4 quốc gia, bao gồm chủ nhà Thái Lan, Singapore, Burma và Malaysia. Trước tình hình này, ban tổ chức đã đưa một thay đổi mang tính lịch sử, đó là kết nạp thêm 3 thành viên trong khu vực, bao gồm Indonesia, Philippines và Brunei. Và cũng kể từ năm 1977, cái tên SEA Games chính thức ra đời, thay thế cho SEAP Games. 

SEA Games 31 sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 5 năm nay với sự góp mặt của toàn bộ 11 quốc gia trong khu vực. Đây là kỳ đại hội đầu tiên được tổ chức trong năm chẵn do dịch Covid-19. Linh vật của kỳ đại hội được công bố là tác phẩm “Chú Sao La” của họa sĩ Ngô Xuân Khôi. Ca khúc chính thức được công bố là Hãy tỏa sáng (Let's shine) do nhạc sĩ Huy Tuấn sáng tác. Ngọn đuốc SEA Games sẽ được vận động viên bắn súng của đội tuyển Việt Nam, Hoàng Xuân Vinh thắp lên trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình vào ngày 12.5.2022. Bên cạnh thủ đô Hà Nội là điểm tổ chức chính với 25 môn thể thao, 11 tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội, trong đó Hải Dương sẽ đồng hành để mang đến một kỳ đại hội thành công với nhiều môn thể thao được đưa vào thi đấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ SEA Games 22 tại Hải Dương