Cuộc bầu cử Quốc hội khóa I ngày 6.1.1946 tại đơn vị bầu cử tỉnh Hải Dương đã có 98% số cử tri đi bầu, lựa chọn được 12 đại biểu, trong đó có ông Ngô Xuân Diệu (nhà thơ Xuân Diệu).
Nhà thơ Xuân Diệu
Sau Cách mạng Tháng Tám và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, nhà hoạt động cách mạng - nhà thơ Huy Cận tham gia thành viên Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào ngày 2.9.1945 tại quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội), còn nhà thơ Xuân Diệu là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I.
Quê quán ở Can Lộc (Hà Tĩnh) nhưng “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu lại có duyên với mảnh đất Hải Dương. Ông là ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa I trên vùng đất xứ Đông văn hiến khi chưa đầy 29 tuổi.
Sinh ngày 2.2.1917 trên mảnh đất quê mẹ xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước (Bình Định), lớn lên ở vùng biển Quy Nhơn, Xuân Diệu tốt nghiệp tú tài, đi dạy học tư và làm viên chức. Sau đó, ông ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn. Ông từng là thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn những năm 30-40 của thế kỷ trước. Ông viết báo, làm thơ, rất được bạn đọc trẻ tuổi mến yêu, được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, cũng được coi là một trong những chủ soái của phong trào Thơ mới (1932-1945).
Hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió được giới văn học xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu, ca ngợi sự sống, niềm vui và đam mê sống. Với bút pháp tài hoa, Xuân Diệu ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân, thiên nhiên là cái nôi của tình yêu. Ông cảm nhận sâu sắc đến đau đớn sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu... Tất cả đã được diễn tả bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh. Thơ ông đã gây tiếng vang trong giới văn chương và công chúng Bắc Nam.
Trong sách Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân đánh giá: "Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới...(với Xuân Diệu) người khen hết sức, người chê, chê không tiếc lời".
Nhà thơ Vũ Quần Phương đã từng phát hiện chất lãng mạn trong thơ Xuân Diệu thật tinh tế. Ông viết: "Lãng mạn Thế Lữ là lãng mạn tiên cảnh kiêng khem và vô trùng. Lãng mạn Xuân Diệu nồng ấm da thịt trần gian đa sự, giàu sức sống. Xuân Diệu bám lấy trần gian rồi kỳ ảo hóa nó, tạo nên một trần gian kỳ ảo. Kỳ ảo mà đậm vị trần gian. Thơ Việt Nam trước Xuân Diệu chưa có không gian ấy”.
Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh với một niềm háo hức của một thanh niên trí thức trước vận mệnh mới của dân tộc, rồi gia nhập Đảng Cộng sản. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc, Hội Văn nghệ Việt Nam. Xuân Diệu đã “lột xác”, từ một nhà thơ lãng mạn trở thành nhà thơ tiên phong trong Thơ mới, biểu hiện ở cảm nhận hết sức mới mẻ về cuộc đời và làm thơ ca cách mạng, phục vụ cách mạng. Với những cảm xúc mạnh mẽ trước hiện thực cuộc sống, cùng trách nhiệm cùa một công dân, Xuân Diệu hào hứng, sôi nổi đón chào cách mạng bằng những vần thơ yêu đời trong sáng. Lần đầu tiên viết về cách mạng, đã thành công ở tác phẩm Ngọn quốc kì (1945) và Hội nghị non sông (1946). Ông viết thơ, bút ký, tiểu luận, phê bình văn học. Giọng thơ trầm hùng, tráng ca, cũng giàu tự sự trữ tình. Ông từng được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật Đức năm 1983.
Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu có nhiều dịp về Hải Dương, nơi mình từng ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I, đi nói chuyện thơ với các bạn yêu thơ, học sinh và các nhà trường, cơ quan, xí nghiệp… Với tài năng đặc biệt, Xuân Diệu bình thơ rất có duyên, “nhập thần” hấp dẫn người nghe, công chúng yêu thích.
Xuân Diệu mất ngày 18.12.1985 tại Hà Nội. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (năm 1996). Tên ông được đặt tên đường phố ở Quảng Bình và Hà Nội.
Hơn 75 năm trôi qua kể từ Tổng tuyển cử mùa xuân năm Bính Tuất, đất nước ta đã 14 lần bầu cử Quốc hội và chuẩn bị bước sang lần bầu cử thứ 15. Giữa những ngày vui này, bỗng nhớ tới nhà thơ Xuân Diệu - người đại biểu cho nhân dân Hải Dương từ khoá I, trong những năm đầu giành độc lập.
KHÚC GIA TRANG