Nhớ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

06/01/2016 05:57

Ngày 6-1-1946, lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người dân, không phân biệt nam nữ, thành phần dân tộc, tôn giáo, hễ đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử Quốc hội.




Đồng chí Phạm Thế Duyệt luôn theo dõi tình hình quê hương qua từng số báo Hải Dương. Ảnh: Linh An


Ngày 6-1-1946 là một ngày đặc biệt với nhân dân quê tôi và với cả bọn trẻ biết chữ quốc ngữ chúng tôi. Từ sáng sớm, theo sự phân công từ trước của Đội Thiếu niên cứu quốc, chúng tôi đã ăn mặc chỉnh tề tập trung ở đình làng. Bà con nhân dân khắp xã đến rất đông, đủ cả già, trẻ, gái trai.

70 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức của một người con xứ Đông - ông Phạm Thế Duyệt vẫn in đậm không khí sôi nổi, hào hùng của sự kiện trọng đại này.

Khi đó tôi mới là một cậu bé 10 tuổi nhưng trong ký ức của tôi, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một ngày vui trọng đại.

Những ngày cuối năm 1945, không khí phấn chấn, hồ hởi của nhân dân sau Cách mạng Tháng Tám thành công đang lan rộng ở khắp trong làng, ngoài xã. Làng Vũ Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) quê tôi cũng như vừa đổi đời sau nạn đói kiệt cùng của năm 1945. Khắp làng quê, các đoàn thể, hội cứu quốc được thành lập. Lúc này, do đang được đi học ở Trường Sơ học yếu lược của xã nên tôi cũng đã được tham gia vào Đội Thiếu niên cứu quốc. Tôi còn nhớ, sau ngày khởi nghĩa, các đội thanh, thiếu niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc chỉ với những cây gậy gỗ, quả mìn giả mà đều hăng say luyện tập hàng ngũ, tập quân sự cả buổi tối ở khu vực đình làng, các sân bãi trống.

Gần đến ngày Tổng tuyển cử, khắp thôn xóm đâu đâu cũng trang hoàng cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, cổng chào. Các biểu ngữ, cổng chào đều dùng tạm bằng tre, lá dừa, cành cau... Các xóm trong xã được đổi các tên mới như xóm Tân Trào, xóm Diên Hồng... Ở cổng xóm Tân Trào có biển tên và 2 bên có bảng giải thích nghĩa của tên xóm. Tôi còn nhớ, hình như một bên tấm biển ghi: "Tân là mới, đời mới đang xây"; một bên ghi: "Trào là nước triều, nước triều đang tiến".

Sau cách mạng, giành được chính quyền, đời sống người dân ở quê tôi khác hẳn. Họ có ý thức hơn trong cư xử, ăn mặc. Nông dân hăng hái thi đua sản xuất, cấy cày, tăng gia, dọn vệ sinh, trang hoàng nhà cửa, cổng ngõ. Đội ngũ thanh, thiếu niên thức thời hơn nên nhanh chóng tham gia vào tuyên truyền tư tưởng của Đảng. Công tác tuyên truyền rất đơn giản bằng các bài thơ ca, hò vè để mọi người dễ thuộc vì làng tôi lúc đó có đến hơn 90% số dân không biết chữ. Từ những người dân bị chính quyền phong kiến áp bức, sau khởi nghĩa, người dân quê tôi ai cũng biết đến Việt Minh. Chúng tôi đến lớp được nghe các thầy giáo giảng về chế độ mới, có nghĩa là nước ta đã giành được độc lập, không còn bị các nước lớn đè nén, bóc lột; nhân dân ta không còn phải chịu cảnh "1 cổ 3 tròng". Ở trong làng, bọn trẻ chúng tôi được nghe người lớn nói rằng nước ta đã có độc lập nhưng chưa có Chính phủ chính thức mà mới chỉ có Chính phủ Lâm thời do Bác Hồ là Chủ tịch. Vì vậy, muốn có chính quyền chính thức thay thế hoàn toàn bộ máy phong kiến thì người dân phải tự tay đi bầu cử, cử ra chính quyền của nhân dân.

Ngày 6-1-1946 là một ngày đặc biệt với nhân dân quê tôi và với cả bọn trẻ biết chữ quốc ngữ chúng tôi. Từ sáng sớm, theo sự phân công từ trước của Đội Thiếu niên cứu quốc, chúng tôi đã ăn mặc chỉnh tề tập trung ở đình làng. Bà con nhân dân khắp xã đến rất đông, đủ cả già, trẻ, gái trai. Cờ đỏ sao vàng rợp sân đình. Đến giờ khai mạc, một phụ lão trong làng đánh trống đình để ra hiệu bắt đầu ngày Tổng tuyển cử. Tôi không nhớ chính xác là ai, nhưng có một vị cán bộ phát biểu rất ngắn gọn mà hào hùng. Đại khái là: "Hôm nay là ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tất cả mọi người đều có quyền bầu cử, từ nam phụ, lão, ấu...". Rồi người đó giới thiệu sơ lược về các ứng cử viên đại biểu Quốc hội.

Phụ nữ quê tôi là háo hức nhất vì đây là lần đầu tiên họ có quyền bình đẳng như nam giới. Tôi còn nhớ hòm phiếu dán giấy đỏ để trước sân đình. Lá phiếu bằng giấy, được cắt nhỏ khoảng bằng 3 ngón tay. Bọn trẻ chúng tôi thích thú nhất vì được người lớn nhờ viết hộ tên của những người được bầu cử. Chúng tôi ngồi sau một dãy bàn, ai không biết chữ thì đến nhờ chúng tôi viết hộ phiếu. Tôi không còn nhớ tên những vị ứng cử tại quê tôi nhưng tôi nhớ có rất đông người đến nhờ chúng tôi viết chữ. Khi chúng tôi viết xong, mọi người đều trân trọng gấp gọn lá phiếu, cầm trên tay và trật tự xếp hàng để bỏ vào hòm phiếu.

Chỉ sau ngày Tổng tuyển cử ít hôm, cũng ở ngay tại đình làng, chúng tôi được xem công bố tên những vị đại biểu Quốc hội khóa I vừa được nhân dân bầu ra. Từ đó, bọn trẻ chúng tôi được đi học, rồi lớn lên theo cách mạng. Suốt chặng đường đi theo cách mạng, công tác, đã từng được cử tri tin tưởng bầu là đại biểu 3 khóa Quốc hội VIII, X và XI, đến nay, tuy tuổi đã cao, tôi đã quên nhiều điều, nhưng không khí ngày Tổng tuyển cử đầu tiên ở quê tôi thì vẫn còn nhớ mãi.

TRUNG THU
(Ghi theo lời kể của đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam)

(0) Bình luận
Nhớ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên