Đã 73 năm trôi qua nhưng ký ức về ngày 2.9.1945 vẫn không thể nào quên với người dân Việt Nam.
Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong ngày trọng đại Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập 2.9.1945
Ông Hà Thế Đàm ở thôn La Khê, xã Ninh Thành (Ninh Giang) năm nay đã 88 tuổi nhưng vẫn nhớ mãi ngày độc lập đầu tiên ấy.
"Đó là một ngày thu không thể nào quên", ông Đàm xúc động nói. "Năm ấy tôi mới 15 tuổi, đang học năm thứ hai lớp đệ tứ Trường Bắc Sơn. Trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, tự tay tôi đã cắt vải đỏ, giấy vàng làm thành lá cờ Tổ quốc. Tôi mang theo lá cờ đỏ sao vàng, tập trung cùng người dân trong thôn, đi bộ từ trong làng ra đường cái (nay là quốc lộ 37) rồi hòa với đoàn người hướng về thị trấn Ninh Giang, vừa đi vừa hô vang: Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”.
Ông Đàm bảo: "Tôi thấy ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. Niềm vui lớn lắm, sung sướng vô cùng". Ngày đó, thông tin liên lạc không hiện đại như bây giờ, ông Đàm và những người dân quê chỉ biết qua lời người liên lạc thôn rằng ở Thủ đô, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Dù không thấy Bác, không được nghe giọng của Người, không rõ nội dung của bản Tuyên ngôn độc lập nhưng tinh thần và niềm phấn khởi của ông cùng những người dân quê không vơi bớt.
Ông Đàm tâm sự rất lâu sau ông mới có cơ hội xem những thước phim tư liệu trong ngày 2.9.1945, ghi lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài Quảng trường Ba Đình đọc Tuyên ngôn độc lập. Về sau, ông cũng được xem những thước phim này nhiều lần khác. Mỗi lần đều gợi cho ông những xúc động, bồi hồi.
Dù đã 88 tuổi nhưng ông Nguyễn Huy Khoát vẫn minh mẫn và dành thời gian làm việc với máy tính mỗi ngày
Cũng ở tuổi 88 nhưng ông Nguyễn Huy Khoát ở thôn Như Lâm, xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) vẫn giữ được sự minh mẫn, nhanh nhẹn hiếm có. Hằng ngày, ông vẫn làm việc với máy tính, viết sách và làm thơ. Ông bảo làm việc để luyện trí não được minh mẫn. Bằng giọng nói khoan thai, ông Khoát kể về không khí ngày độc lập đầu tiên: “Dân mình phấn khởi lắm, không có niềm vui nào hơn niềm vui đất nước được độc lập, nhân dân được làm chủ”.
Ông Khoát chậm rãi kể: Lúc bấy giờ, dân ta vừa mới trải qua nạn đói năm 1945, không làng xã nào không có người chết đói. Người chết nằm vạ vật bên đường không có chỗ chôn. Giặc ngông cuồng, coi mạng người như cỏ rác, nó thích đánh thì đánh, thích giết thì giết. Chiến tranh và nghèo đói khiến dân mình khổ quá. Càng khao khát tự do và độc lập thì niềm vui của ngày 2.9.1945 lại càng lớn vô cùng.
Hồi đó, ông Khoát là một trong số ít người được theo học trường kiêm bị Tứ Kỳ. Mỗi khi nhặt được truyền đơn của Việt Minh ông đều mang về đọc cho bà con nghe. "Dù không biết Việt Minh là ai nhưng tôi thích Việt Minh lắm, vì Việt Minh lãnh đạo nhân dân, đánh Pháp đuổi Nhật, đem lại tự do, độc lập cho nhân dân. Tôi kêu gọi mọi người ủng hộ Việt Minh". Hòa vào không khí cách mạng sôi sục của cả nước, ngày 18.8.1945, quê ông giành chính quyền thắng lợi. Ông kể hôm đó ông vẫn đến trường học nhưng thấy người dân gọi nhau Việt Minh cướp chính quyền rồi, lên huyện mà xem. Thế là cả lớp ông chẳng học nữa, chạy đi xem.
Ông Khoát, ông Đàm năm nay đều đã gần 70 năm tuổi Đảng. Ông Đàm có hơn 21 năm phục vụ trong quân đội, tham gia chiến đấu nhiều trận đánh ác liệt, nhận được nhiều huân chương, huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ông Khoát nguyên là Thư ký Công đoàn ngành giáo dục, Phó Trưởng Ty Giáo dục Hải Hưng thời kỳ 1974-1987. Cả hai ông đều trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, giữ nhiều cương vị khác nhau, từng chứng kiến nhiều thời khắc quan trọng của lịch sử nhưng hồi ức về Ngày Quốc khánh 2.9.1945 không thể phai mờ.
HÀ NGA