Hưởng ứng khẩu hiệu "Tất cả vì miền Nam, vì Phú Yên ruột thịt", hàng nghìn người con Hải Dương đã vào Phú Yên chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất của tỉnh kết nghĩa.
Ông Thùy (thứ nhất bên phải) và ông Giang kể lại những kỷ niệm chiến đấu với nhà báo Phạm Thị Minh Nguyệt, Phó Tổng Biên tập Báo Phú Yên
Thời gian chiến đấu tại chiến trường Khu 5 cách đây đã nửa thế kỷ nhưng ký ức của những người lính Trung đoàn Ngô Quyền năm xưa vẫn chưa phai mờ, nhất là những ngày sống, chiến đấu ở tỉnh kết nghĩa Phú Yên.
Những trận đánh ác liệt
Ông Vũ Văn Giang (sinh năm 1940) ở phố Trần Phú (TPHải Dương) vẫn nhớ trận đánh tại địa đạo Gò Thì Thùng thuộc xã An Xuân, huyện Tuy An (Phú Yên) vào mùa hè năm 1966. Đây là một trận đánh ác liệt mà Trung đoàn Ngô Quyền đã tạo nên tiếng vang.
Sáng 25.6.1966, quân Mỹ thực hiện cuộc phản công chiến lược, chúng đổ quân xuống các khu vực trọng yếu nhằm tiêu diệt lực lượng của ta. Quân Mỹ chia thành nhiều tốp đánh vào Gò Thì Thùng. Bọn chúng sử dụng 3 trận địa pháo, máy bay trút bom xuống trận địa của ta. Lực lượng của ta chặn đánh quyết liệt, diệt hàng chục tên địch.
Cứ mỗi đợt địch tập trung hỏa lực đánh phá thì quân ta rút vào địa đạo, chờ địch đến gần mới đồng loạt chui từ dưới địa đạo lên nổ súng. "Một số nơi, chiến sĩ ta dùng lưỡi lê đánh giáp lá cà, thực hiện chiến thuật “nắm lấy thắt lưng Mỹ mà đánh”, giành giật với chúng từng đoạn chiến hào.
Có những tên Mỹ thấy chiến sĩ ta từ địa đạo bất ngờ xông lên, đầu súng lưỡi lê sáng loáng, chúng kinh hoàng dùng hai tay che mặt trước khi bị lưỡi lê xuyên qua người", ông Giang kể. Theo tài liệu lịch sử, cuộc chiến trên Gò Thì Thùng diễn ra suốt 2 ngày đêm 25 và 26.6.1966, bộ đội chủ lực của ta đã diệt 1.030 tên Mỹ, bắn rơi và làm hỏng 9 máy bay…
Còn ông Nguyễn Văn Thùy (sinh năm 1944) ở đường Bạch Đằng (TP Hải Dương) nhớ nhất là trận đánh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Khi ấy, ông Thùy được biên chế trong Tiểu đoàn 12, Trung đoàn Ngô Quyền.
Ngày 26.1.1968, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đánh vào sân bay Khu Chiến, khu nhà 18 gian, giải phóng nhà lao, tiến vào ga Tuy Hòa, củng cố trận địa sẵn sàng đánh địch phản kích. Khoảng 21 giờ ngày 29.1 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân), ông Thùy cùng đồng đội được lệnh hành quân, mang vũ khí vào nơi tập kết, chuẩn bị phối hợp các đơn vị bạn thực hiện tấn công.
Sau 6 giờ hành quân, đến 3 giờ sáng 30.1, Tiểu đoàn 12 vào tuyến chiếm lĩnh trận địa; đến 3 giờ 30, chiếm tuyến xuất phát xung phong, nổ súng tiến công. Lúc này, Tiểu đoàn 12 của ông Thùy được chia thành nhiều mũi tấn công.
Mũi tấn công vào sân bay Khu Chiến, mũi tấn công khu nhà 18 gian, mũi tấn công chiếm khu xóm Đạo. “Lực lượng của ta nhanh chóng làm chủ trận đánh, tiêu diệt nhiều tên địch, làm chủ gần hết mục tiêu đảm nhiệm”, ông Thùy nhớ lại.
Khi trời sáng, yếu tố bí mật không còn, Tiểu đoàn thu đội hình về xóm Đạo và khu nhà 18 gian củng cố trận địa, xác định quyết tâm chiến đấu ban ngày. Địch phản công dữ dội, bọn chúng ném bom, bắn pháo, dội hỏa lực liên tục vào trận địa của ta. Khu xóm Đạo, nhà 18 gian trở thành đống đổ nát.
“Sinh lực của địch quá mạnh, trong khi các đơn vị tác chiến khác không thể cùng vào trận địa nên Tiểu đoàn 12 bị thiệt hại rất nặng nề, anh em hy sinh nhiều lắm. Vào trong trận địa không được tiếp tế, anh em chia nhau miếng lương khô, nắm gạo cố thủ trong các mục tiêu. Đói là thế, lại chứng kiến đồng đội hy sinh nên cán bộ, chiến sĩ trong tiểu đoàn càng quyết tâm tiến lên tiêu diệt kẻ thù”, ông Thùy xúc động kể. Đến 18 giờ cùng ngày, Tiểu đoàn 12 buộc phải rút lui sau một ngày kiên cường bám trụ, cố thủ trong lòng địch.
Tình nghĩa keo sơn
Trung đoàn Ngô Quyền là đơn vị chủ lực cùng Trung đoàn Hưng Đạo đã phối hợp với bộ đội địa phương chiến đấu tiêu diệt địch ở Phú Yên. Trong Trung đoàn Ngô Quyền năm ấy có tới 2/3 quân số là người Hải Dương. Khi nhận nhiệm vụ chiến đấu tại quê hương kết nghĩa, mỗi người lính Hải Dương luôn có một niềm tự hào và quyết tâm chiến đấu bảo vệ từng tấc đất với tinh thần "Tất cả vì miền Nam, vì Phú Yên ruột thịt".
"Những ngày chiến đấu ở Phú Yên, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Không chỉ các chiến sĩ, người dân cũng khổ. Nhưng điều làm tôi luôn nhớ mãi đó chính là tình cảm mỗi người dân dành cho người lính Cụ Hồ, đặc biệt là những chiến sĩ của Hải Dương. Các bà má Phú Yên luôn yêu thương, đùm bọc chiến sĩ", ông Thùy xúc động nói.
Để phối hợp tác chiến, các lực lượng tại chỗ đã chủ động phối hợp với các đơn vị bộ đội để khắc phục tình trạng lạc đường, thiếu vũ khí, đói lương thực của bộ đội chủ lực. Bộ đội địa phương Phú Yên đã cử nhiều cán bộ, chiến sĩ ưu tú sang quân chủ lực để làm nhiệm vụ trinh sát, dẫn đường và trực tiếp xin viện trợ từ nhân dân.
Kỷ luật chiến trường của bộ đội hết sức nghiêm minh, “không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân”, dù có đói đến đâu cũng không tham từng gốc mì, trái bắp của dân. Nhờ thế mà người dân những nơi bộ đội chủ lực đóng quân đã hiểu về bộ đội giải phóng quân. Cũng từ đó, các bà, các mẹ, các chị đã dành tình cảm đặc biệt cho bộ đội.
Họ dành dụm từ mớ rau, miếng bánh, nắm muối để nuôi bộ đội. Cuộc sống gắn bó, bên nhau trong lửa đạn chiến tranh nên tình cảm ngày càng trở nên keo sơn. Nhân dân địa phương đã không tiếc thứ gì, sẵn sàng hy sinh cả xương máu để bảo vệ, che giấu bộ đội.
"Mỗi lần nhắc tới Phú Yên, lòng tôi lại trào lên một cảm xúc rất đặc biệt. Chúng tôi cảm ơn sự đùm bọc, tình cảm yêu thương của nhân dân, của những bà má Phú Yên đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Dù đi đâu, làm gì, tình cảm với Phú Yên vẫn luôn còn mãi trong tim chúng tôi", ông Giang xúc động nói.
TÂM PHÚC