<b>Trong đời mỗi người ai cũng trải qua thời học trò vô tư và sôi nổi.
Trong ký ức tôi luôn hiện về sắc màu rạo rực của chùm hoa phượng đỏ và
âm thanh náo nức của tiếng trống trường.</b><br>
Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra trồng cây phượng vĩ trước sân trường mà đến mùa hè phượng cháy đỏ như tán ô màu lửa. Có cảm giác cây phượng giống như một vận động viên thể thao cầm trên tay bó đuốc châm vào mùa hè để nở bung bao cảm xúc ùa đến trong cuộc chạy nước rút trên đường đua chạm tới đích cuối đó là mùa thi. Cây phượng giống như một chứng nhân của thời gian lặng lẽ mà âm thầm nuôi dưỡng, tích lũy, kết tụ, thu nhận bao âm thanh ríu rít của lứa tuổi học trò hồn nhiên, của bao trò chơi đuổi bắt rồng rắn, của giờ thể dục trong đồng phục tươi tắn... Từ li ti mắt lá phượng xanh ngỡ ngàng đến những búp phượng chúm chím như búp những ngón tay một sớm mai hào phóng nở rộ, nở tưng bừng, nở hết mình, nở kiêu hãnh, nửa như khoe sắc, nửa như níu giữ màu khăn quàng đỏ của gặp gỡ và chia tay ba tháng nghỉ hè. Phượng nở để sân trường bớt cô quạnh khi các dãy phòng học đã im ắng. Và trong ta vẫn âm vang nhịp trống trường như nhịp đập con tim.
Nhớ về cây phượng già, ta lại nhớ đến hình ảnh người đánh trống trường ân cần, niềm nở. Ông như một chiếc đồng hồ sống của thời gian, không lỡ nhịp, không lỡ hẹn bao giờ. Mặt trống căng bằng da trâu, thân trống căng bằng gỗ mít cứ thủng thẳng điểm nhịp cũng như cây phượng trầm tư mà tràn trề âm thầm nhựa sống. Đó cũng là chiếc đồng hồ kỳ diệu của thiên nhiên để báo hiệu hè sang khi phượng hồng khoe sắc. Cả hai bằng âm thanh và màu sắc đã làm sống dậy, trẻ trung, tươi mới cho những khuôn viên trường học. Và khi đông rét buốt về ta lại đón nhận những chiếc lá đỏ úa của cây bàng với những tầng lá xếp đặt từ rộng đến hẹp, từ thấp đến cao như tháp bút, như có một bàn tay tạo hóa kỳ diệu. Cây bàng và cây phượng hay được trồng ở sân trường như một đôi bạn tri kỷ, thắp lửa ấm bằng sắc đỏ diệp lục, hồi quang của mình. Có màu đỏ rực tràn trề của phượng, có màu đỏ sẫm thâm trầm của bàng. Cả hai sắc màu đều là sự dịch chuyển thời gian như một cuộc hành trình: bao lớp học trò lớn đi xa, bao lớp học trò nhỏ lại đến. Một chu kỳ tưởng như lặp lại mà luôn mới mẻ, mà luôn đồng hành. Màu hoa thì luôn tươi trẻ, tiếng trống trường không bao giờ già, chỉ màu tóc của thầy, của cô bạc thêm sương gió. Trang giáo án vẫn ngời mực xanh mà tấm bảng đen ngày càng mòn mỏng. Cánh cổng trường mở ra, khép lại như một trang sách. Mở ra quãng đường tương lai bao hứa hẹn, khép lại chuỗi ngày bao kỷ niệm…
Ngày tôi đi xa khi ngoái lại, trên bờ đê cây hoa gạo của thôn quê dân dã như có đàn chim lửa đậu xuống. Và xa kia, cây phượng già ở sân trường cũng như có chùm chim lửa bay lên như ngóng trông, như chờ đợi với màu đỏ cháy lòng. Phượng ơi! Người vẫn sống trong tôi, thắp lửa cho tôi: ngọn lửa của niềm tin yêu cuộc sống từ buổi đầu đời, từ mái trường thân yêu không thể nào quên ấy.
Tản văn của NGUYỄN NGỌC PHÚ