Mỗi lần nhìn xuống đầm bãi, sông nước trước nhà tồn lại nhớ về con rươi, con cáy, nhớ những kỷ niệm của một thời xa lơ xa lắc.
Tiếng hát ru trên cánh võng quê bên hè ngày ấy của mẹ tôi cứ thi thoảng trở về trong đêm, âm vang mãi bên tai: "À ơi.../Hỡi cô bắt cáy bờ ngòi/Có sang anh bắc cành sòi cho sang".
Rồi: "Làng Vàng vác vịt đi mò/Bắt được giỏ cáy lại bò sang Côm...". Khi ngồi trên khung dệt vải mẹ lại hát: "Đừng quên con cáy tháng ba/Nhớ bát canh cải cà ra tháng mười/Thương nhau nửa bát mắm rươi/Lưng bát mắm cáy với mươi quả cà...".
Quê tôi mùa nào cũng sẵn cáy, nhưng phải "cáy tháng ba, cà ra tháng mười" mới chắc mảy. Ngày ấy, khi nghe tiếng chim bìm bịp bên ghềnh gọi con nước triều lên, cha tôi bấm đốt ngón tay bảo "Tháng ba gà đẻ bãi". Mùa này cáy thập thò cửa lỗ bên bờ sông, bờ đầm, trên vườn cau, vườn chuối. Sau những trận mưa rào đầu mùa, cáy ra khắp mặt bờ kiếm ăn. Cáy xồm màu đất, lông chân xù xì. Cáy mật đỏ hồng màu ớt chín, chúng khoe hai cái càng, đầy răng sắc nhọn gắp mồi đưa vào miệng và khi áp sát kẻ thù trở thành vũ khí. Hai chiếc càng lợi hại kẹp chặt lấy miệng ếch, miệng rắn mỗi khi toan há mồm nuốt cáy, nghiến chặt bàn tay người xòe ra bắt cáy. Cáy tự rời càng bỏ chạy, còn hai cái càng kia, kẻ thù gỡ mãi không ra. Chỉ nửa tháng sau, hai cái càng cáy mới lại mọc trở lại. Thế mới biết, con cáy tuy nhỏ nhoi nhưng chớ coi thường.
Cáy bò ngang như cua nhưng nhanh hơn cua nhiều. Ra khỏi lỗ, đôi mắt giương cao cảnh giác từng tiếng động nhỏ của chiếc lá rơi để nhanh về lỗ, "nhát như cáy" mà. Bấy giờ tôi còn nhỏ, cha làm cho mấy chiếc cần câu cáy. Cây trúc nhỏ, dài chừng hai ba sải tay, ngọn không cần mềm như cần câu cá. Cáy cắp mồi chỉ nhấc lên chứ không giật như câu cá. Mẹ tôi làm vải xe cho sợi dây cần bằng chỉ đậu mười, lại giấp vào nước nâu cho săn bền mà màu dây che được mắt cáy. Mồi câu cáy cũng đơn giản, tốt nhất là con sâu khoai xanh lè, không thì ruột con ốc vặn, mẩu hoa mướp. Cha tôi lại dặn: "Đứng yên một chỗ buông cần, dưới rãnh sâu thì buông dây dài, cáy trong bụi rậm thì cuộn dây ngắn lại. Khi cáy cắp mồi nhớ nhấc nhanh để cáy rời mặt đất bám chặt mồi, đưa con cáy lên ngang tầm, xòe cả bàn tay nắm toàn thân cáy, nếu chỉ túm một phần lập tức cáy thừa cơ dùng gọng cắp liền, rồi rời thân khỏi gọng chạy mất". Đứng một chỗ câu được vài chục con, một chốc sáng, chốc chiều đã được cả một nồi cáy lớn. Còn chị tôi mùa này thì dùng thuổng đi dọc bờ ngòi, bờ đầm mà đào. Đi một đoạn bờ đã đầy một giỏ.
Tháng năm, tháng sáu là mùa sinh sản của cáy. Cáy cái đầy bụng trứng, thường bám vào bè cỏ, mô rạ, trú ngụ trên các bãi cói. Mùa này bắt cáy bằng giậm. Giậm cáy không đan mau như giậm tép, nan to khỏe, thoáng, để khi nhấc giậm chóng thoát nước.
Chọn các bờ cỏ mà đánh, đặt miệng giậm cách bờ nước trên một bước chân, dùng mõ lừa dần vào miệng giậm rồi nhấc nhanh và lắc mạnh cho cáy dồn vào lòng giậm nghiêng miệng đổ vào giỏ. Có mẻ vài bát cáy. Chỉ cần một vài đoạn bờ ngắn đã đầy giỏ. Mùa trăng tháng sáu, đêm xuống nước lớn, cáy to tìm vào bờ cỏ mát bên đồng, chỉ đi hết một bờ đã đầy giỏ, toàn cáy bự.
Thích nhất là đặt giậm lừa cáy trên các bãi cói, lác hoang bên bờ sông, bờ ngòi, nước ngang cổ chân. Đó là nơi trú ngụ của cáy. Chọn chỗ thấp nhất của bãi cỏ, khoét đất sâu đặt giậm, be đất hai bên miệng, che giậm để cáy thấy tối bò vào. Dùng mõ giậm đạp chân quanh bãi lừa dần cáy đến miệng giậm. Cáy nhiều chỉ cần vài bước đã thấy chúng dồn vào kín mặt cỏ. Mẻ giậm lừa trên bãi cỏ như thế thường 1-2 cân là xoàng. Nếu gặp bãi cỏ nước chỉ còn vũng thì dùng que mềm thay mõ giậm mà đập lên cỏ dồn dần cáy vào giậm. Mùa này khuân cáy về như khuân đất. Ruộng rạ tháng mười là nơi cáy dồn về trú ngụ.
Quê tôi nhà nào cũng có phương tiện bắt cáy, câu cáy. Hàng chục người chuyên nghề bắt cáy, hàng chục người chuyên nghiệp buôn cáy. Cáy bán chợ làng, cáy bán chợ huyện. Cáy đem bán đựng bằng giành.
Cáy là món thực phẩm vừa mát lại bổ. Canh cáy, riêu cáy, chiên trứng cáy, cáy om, cáy nộm rau chuối... Nhưng quý hơn là mắm cáy, thứ ăn quanh năm, bữa nào cũng mắm. Mắm cáy có nhiều loại. Cáy xay giã, cáy muối, mắm đặc, mắm trong, mắm nấu... Mỗi khi mẹ tôi ngồi bên chiếc cối đá bì bọp giã cáy làm mắm lại bảo: “Làm mắm phải nhớ ba điều sạch, sạch cáy, sạch chày cối, chum lọ, tay sạch. Nặng tay muối, mắm chát đắng, nuốt miếng rau cháy cổ, nhẹ tay muối thối lùm. Mẹ lại hát: "Dễ làm mà tính chẳng ra/Vừa một bát muối với ba bát còng/Khó gì chàng tính chẳng thông/Một chén rượu nồng vực bát thính rang".
Đến giờ, các bà làm mắm làng tôi vẫn nhớ câu ấy. Vật mắm ban đêm để tránh ruồi nhặng, lại đem giấy bản phết vôi ướt bưng miệng hũ mắm dăm bảy lượt, dùng gáo dừa, niêu đất úp lên miệng hũ để vào chỗ khô ráo. Mẹ tôi lại dặn: "Đừng bảo cua một nháy, cáy ba ngay" đã ăn được đâu nhá, phải sáu tháng trở ra đấy". Mắm đặc vắt chanh ớt, sổi bọt, đỏ au như "son Tầu", thơm mũi, ngọt miệng. Rau muống ao sau trận mưa rào non chớt, ngọt như ngọn đòng đòng, thêm quả cà muối nổ giòn trong miệng, cơm gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu, có mà hết cả nồi lẫn vung. Còn như mắm cáy trong thì muối cả con chắt lấy nước chấm thịt lợn ba chỉ, cá rô rán giòn, ngon cháy miệng, ngọt miếng cơm...
Bữa cơm trưa hè nóng bức có bát canh cáy, riêu cáy điểm cà muối, dọc khoai muối, cơm không biết no. Ngày xưa là vậy, bây giờ thì cáy lại là đặc sản mất rồi.
Nhớ về mùa cáy mà lòng cứ nao nao, nhớ cha mẹ, bạn bè những người đã khuất, những người đi xa, nhớ nhiều lắm mùa con cáy con còng ngày xưa.