Nhớ một thời kiên cường bám đảo

07/05/2015 18:09

Sự lớn mạnh và trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam suốt 60 năm qua có những đóng góp không nhỏ của những người lính Hải Dương kiên cường bám biển.



Chi bộ 152 trên đảo Bạch Long Vĩ


Trong ký ức của họ, những năm tháng lăn lộn với lửa đạn quân thù nơi đảo xa luôn là những kỷ niệm hào hùng nhất.

Thượng tá Nguyễn Khắc Hưởng, nguyên Thanh tra Quân chủng Hải quân nay ở khu 11, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) rất tự hào khi nói về truyền thống của lính hải quân. Ông đã kể cho chúng tôi nghe về những trận đánh của đơn vị ông ở đảo Bạch Long Vĩ trong những năm giặc  Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc: Ngày 26-3-1965, máy bay Mỹ bắt đầu oanh tạc đảo Bạch Long Vĩ. Bất kể là ngày hay đêm, lúc mưa, lúc nắng, địch đến là chúng tôi đánh. Đánh rất gần, đánh “thích đáng”. Chúng tôi tiết kiệm từng viên đạn, giọt dầu, hạn chế thương vong. Một người ngã xuống là hàng loạt tiếng hô trả thù vang lên.

Ngày 29-3-1965, tàu sân bay của Mỹ vào cách đảo vài cây số, tàu khu trục, trực thăng cảnh giới lượn quanh đảo. Các chủng loại máy bay liên tục cất cánh, thi nhau "giăng chỉ" trên bầu trời. Tên lửa, bom phá, bom bi, rốc két đổ xuống đảo suốt từ 11 giờ trưa đến hơn 17 giờ chiều. Biển sục sôi, mịt mù khói lửa, cát bụi  như cuồng phong, lốc xoáy. Hố bom chồng chất hố bom. Sau trận đánh này, xương rồng trên đảo cháy rụi khét lẹt. Nhìn từ trên cao xuống, đảo Bạch Long Vĩ như một công trường nham nhở, gạch đá ngổn ngang. Sau nhiều giờ chiến đấu quyết liệt, 5 máy bay địch đã bị chúng tôi bắn rơi.

Trận đánh đáng nhớ nhất với ông Hưởng là trận hạ máy bay A3J ngay giữa trưa mà chỉ tốn 8 phát đạn đại liên: Đó là một ngày tháng 10-1965, trời và biển một màu xanh khó phân biệt. Đúng 11 giờ 30, từ phía tây nam của đảo, một máy bay địch bay rất thấp lao vào trinh sát bến cảng. Tôi hô "chuẩn bị chiến đấu", khẩu lệnh vừa dứt thì cũng là lúc chiếc máy bay lao thẳng vào cảng Phù Thủy Châu. Chiến sĩ Vũ Xuân Mạnh nổ 8 phát đại liên. Chiếc máy bay trúng đạn lao thẳng vào tầng đá ngầm phía nam đảo. Một tiếng nổ dữ dội, cột nước và khói bốc lên ngút trời. Lính hải quân của ta reo hò vui sướng. Đảo phó đảo Bạch Long Vĩ Mai Vũ Trụ từ đài quan sát chạy xuống, anh bế tôi tung bổng lên. Mũ sắt của hai anh em chúng tôi va chạm liên tiếp vào nhau kêu côm cốp. Chúng tôi cười sung sướng đến rơi cả nước mắt.

Ông Hưởng kể, lính đảo còn có nhiều trận đánh đêm ngoạn mục. Đèn dù, pháo sáng địch thả trắng trời, tầng tầng, lớp lớp, anh em không bắn đèn dù mà cứ để vậy. Khi nào thấy chớp nhiều trên cánh máy bay địch thì dùng súng AK bắn 4 viên đạn nổ, 1 viên vạch đường bắn chỉ thị mục tiêu, nhả đạn theo. Máy bay cháy như những bó đuốc khổng lồ rơi xuống. Trong con mắt của Tổng thống Mỹ Giôn-xơn và Ních-xơn, đảo Bạch Long Vĩ là cái gai thép, là túi bom nhưng trong mắt của những người lính đảo khi đó, Bạch Long Vĩ là bản anh hùng ca, là tiền tiêu nghìn lần vững chắc, là chiến hạm không bao giờ đắm giữa Vịnh Bắc Bộ.

Đối với trung tá Mạc Anh Thực sinh năm 1944 ở khu 2, đường Hòa Bình, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương), niềm tự hào của lính đảo còn ở ý chí vượt khó, không ngại gian khổ hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương. Ông Thực được cử ra đảo Sơn Ca từ tháng 3-1976 và có hơn 10 năm là lính đảo, từng là Đảo trưởng đảo Nam Yết, Chỉ huy trưởng cụm phía bắc quần đảo Trường Sa.

Ông Thực kể: Tháng 5-1985, tôi được cử sang làm Đảo trưởng đảo Nam Yết. Xung quanh đảo, tàu thuyền của nước ngoài hoạt động rất gần. Tháng 10-1987, tàu Trung Quốc đến trinh sát tại đảo Ga Ven. Đêm 13-3-1988, chúng đổ bộ lên đảo. 12 giờ đêm ngày 13, tôi chỉ huy các chiến sĩ sử dụng tất cả các vũ khí trên đảo bắn 4 phía. Cứ như vậy, đến 5 giờ chiều ngày hôm sau mới ngừng. Ngay sau đó, tôi nhận được tin báo từ tàu vận tải 671 đang làm nhiệm vụ gần đảo Sinh Tồn báo về,  tàu 604 chở hơn 70 chiến sĩ của ta đi xây dựng công trình trên đảo Gạc Ma bị địch bắn chìm, hơn 60 chiến sĩ hy sinh. Chân tay tôi rụng rời nhưng lòng căm thù và ý chí chiến đấu lại mạnh mẽ gấp trăm lần. Nhiều lần, tàu chở lương thực ra cung cấp cho chiến sĩ bị địch bắn không cập được bờ nên toàn bộ hàng hóa phải thả nổi trên biển để các chiến sĩ ra trục vớt. Biết bao đói khổ, thiếu thốn nhưng những chiến sĩ hải quân vẫn kiên cường bám trụ, chắc tay súng để bảo vệ vùng biển đảo Tổ quốc.

Những người lính hải quân như ông Hưởng, ông Thực đã sống và đã dành tuổi xuân của họ một cách giản dị và thuần khiết như thế. Ông Hưởng viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi đang là học sinh Trường cấp 3 Hồng Quang và đã có 8 năm liền chiến đấu chống máy bay Mỹ ở đảo Bạch Long Vĩ. Đối mặt với cuộc chiến tàn khốc, ông vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng. Ông Thực từng chết hụt trong một lần bốc hàng từ tàu lên đảo Sơn Ca. Khi ấy xuồng bị chìm. Các anh em khác đã lên đảo an toàn, còn ông bị trôi trên biển. Suốt 8 tiếng lênh đênh trên quãng đường khoảng 60 hải lý, có những lúc tưởng chừng đã đuối sức, ông từng nghĩ mình sẽ nằm lại nơi biển cả mênh mông nhưng rồi may mắn được cứu. Gian khổ là thế, nhưng những người lính hải quân người Hải Dương chưa bao giờ chùn bước. Họ đã và vẫn tiếp nối truyền thống hào hùng của ông cha, luôn phát huy tinh thần Yết Kiêu ngày nào trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo quê hương.

LAN NGUYỄN


Ban liên lạc Bộ đội hải quân tỉnh Hải Dương được thành lập ngày 7-5- 1992, hiện có hơn 200 hội viên sinh hoạt ở 9 tổ. Hằng  năm, vào ngày 7-5, họ lại tổ chức gặp mặt để cùng nhau ôn lại truyền thống Hải quân Việt Nam nói chung và bộ đội hải quân Hải Dương nói riêng. Những người lính hải quân thường xuyên quan tâm, thăm hỏi và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.


(0) Bình luận
Nhớ một thời kiên cường bám đảo