Vì nhiều lý do, không ít cặp vợ chồng phải mỏi mòn trông đợi và chỉ đến khi pháp luật cho phép người mang thai hộ, niềm vui mới đến với họ.
|
Việc pháp luật cho phép mang thai hộ đã giúp nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn được toại nguyện. Trong ảnh: Tư vấn cho người mắc bệnh hiếm muộn tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh |
Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28-1-2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo đã mang lại niềm vui lớn cho những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Ước mơ thành hiện thựcĐã hơn 1 tháng, chị Nguyễn Thị T. ở xã Cộng Hoà (Kim Thành) vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì mình đã có 2 đứa con xinh xắn, đáng yêu. Đó là niềm vui lớn lao mà trước đây trong mơ vợ chồng chị cũng không dám nghĩ đến.
Chị T. kết hôn đến nay đã được 9 năm. Do bản thân chị không thể mang thai nên cuộc hôn nhân đầu tiên gặp nhiều trắc trở. Lần kết hôn thứ 2, có được sự yêu thương, san sẻ từ chồng nên cuộc sống của chị có phần nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, vợ chồng chị T. không khỏi sốt ruột vì sau nhiều năm chị vẫn không thể mang thai bởi chị mắc bệnh đa nang buồng trứng. Ngày pháp luật cho phép MTH cũng là ngày vợ chồng chị T. oà khóc vì vui mừng, hạnh phúc. Vợ chồng chị T. đã nhờ em dâu MTH. Gia đình chị T. phải động viên, làm công tác tư tưởng một thời gian dài em trai, em dâu mới đồng ý. Hai chị em đưa nhau đi khám, tư vấn tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Cuối năm 2015, em dâu chị T. xin nghỉ làm ở công ty để có thời gian chăm sóc sức khoẻ trước khi mang thai. Do người MTH là em dâu, mối quan hệ thân thiết nên trong quá trình đăng ký thủ tục, gia đình chị T. không gặp khó khăn gì.
Để thực hiện việc MTH, bệnh viện đã lấy noãn của chị T. và tinh trùng của chồng chị T. thụ tinh, phát triển thành phôi trong ống nghiệm. Bác sĩ đã cấy 4 phôi vào dạ con của em dâu chị T. được thai đôi. Các cụ có câu "chửa là cửa mả", biết em dâu mang song thai, vợ chồng chị T. vừa mừng vừa lo. Vì thế, chị T. luôn ở bên cạnh quan tâm, chăm sóc, đưa em dâu đi kiểm tra sức khoẻ, thai nhi thường xuyên. Đầu tháng 7 vừa qua, em dâu chị T. đã thực hiện ca sinh đôi an toàn. Chị T. chia sẻ: "Khi sinh con ra, em tôi rất mừng vì đã giúp anh chị được một việc quan trọng. Theo Luật Bảo hiểm xã hội, tôi vẫn được hưởng chế độ thai sản 7 tháng do sinh đôi".
Có con bằng biện pháp MTH không chỉ là niềm hạnh phúc đối với những cặp vợ chồng vô sinh mà còn đem lại hy vọng đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn. Chị Vũ Thị L. ở phường Cộng Hòa (Chí Linh) kết hôn cách đây 15 năm và đã sinh được một con trai. Từ lâu chị L. rất muốn sinh thêm con vì gia đình nhà chồng chị ít người. Tuy nhiên, sau sinh lần đầu đến nay chị L. không thể mang thai. Mặc dù vợ chồng chị đã đi khám chữa nhiều nơi nhưng chưa rõ nguyên nhân tại sao chị không sinh được nữa. Chị L. cho biết: "Chỉ vì mãi không sinh thêm con nên vợ chồng tôi nhiều lúc bất hòa. Tôi rất mong có ai thân thiết để nhờ MTH nhưng việc này rất khó".
Hiện nay, toàn quốc mới chỉ có 3 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật MTH vì mục đích nhân đạo gồm: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Tại Hải Dương, các cơ quan chức năng chưa có số liệu thống kê cụ thể về các trường hợp sinh con bằng biện pháp MTH.
Cần thận trọng“Trong thời gian chăm sóc em dâu ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tôi thấy nhiều sản phụ hiếm muộn phải thuê người MTH mất 300-400 triệu đồng”
|
|
Không phải ai cũng may mắn thuyết phục được người thân đứng ra nhận MTH. Trường hợp của vợ chồng anh K. ở khu 11, phường Tân Bình (TP Hải Dương) là một ví dụ. Lấy nhau đã hơn 10 năm nhưng vợ anh K. không thể sinh con. Năm 2015, sau khi pháp luật cho phép, dù đã tìm ngược tìm xuôi nhưng không ai chịu MTH, lại lo nhờ người MTH sẽ nảy sinh những phức tạp khó lường, vợ chồng anh K. đành thuê người ở tận TP Hồ Chí Minh MTH với kinh phí 300 triệu đồng.
Chị T. cũng tiết lộ: "Trong thời gian chăm sóc em dâu ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tôi thấy nhiều sản phụ hiếm muộn phải thuê người MTH mất 300-400 triệu đồng". Hiện những thông tin về MTH cũng tràn lan trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo... Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã nhờ mạng xã hội đăng thông tin tìm người MTH và cũng có nhiều trường hợp rao nhận MTH. Họ đưa luôn mức giá lên mạng để dễ dàng thỏa thuận. Tuy nhiên, việc nhờ người lạ MTH tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Phúc Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh cho biết: Việc pháp luật cho phép MTH có ý nghĩa rất nhân văn với nhiều gia đình nhưng nếu không được thực hiện chặt chẽ, đúng pháp luật thì việc MTH có thể gây ra những hệ lụy, rủi ro. Bởi trong quá trình thai nghén, người cho "mượn bụng" có thể mắc nhiều loại cúm, tiểu đường, nhiễm Rubella... thì đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng. Đứa trẻ sinh ra có thể bị dị tật, người nhờ MTH sẽ không chấp nhận con; hoặc khi sinh con ra, người MTH có thể tranh giành quyền nuôi con... Vì thế, khi thực hiện kỹ thuật MTH, các bên phải bảo đảm theo quy định pháp luật. Văn bản thỏa thuận về MTH phải được công chứng để tránh phiền luỵ sau khi sinh con. Các quy trình phải được bệnh viện trung ương hướng dẫn, tư vấn và cho phép thực hiện. Người đồng ý MTH phải dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không phải bằng hình thức thương mại hóa.
MINH NGUYÊN
Hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật MTH gồm: Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật MTH; cam kết tự nguyện MTH vì mục đích nhân đạo; cam đoan của người đồng ý MTH là chưa MTH lần nào; xác nhận của UBND cấp xã nơi cặp vợ chồng nhờ MTH thường trú về tình trạng chưa có con chung. Ngoài ra cần có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai, sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người MTH về khả năng mang thai...
|