Nguyên Sa là nhà thơ nổi tiếng và có vị trí rất đặc biệt trên thi đàn. Nhiều thi phẩm của ông đã được phổ thành các ca khúc bất hủ suốt hơn nửa thế kỷ qua như Tuổi mười ba, Áo lụa Hà Đông, Pari có gì lạ không em?... Thơ Nguyên Sa mê đắm, trẻ trung và tươi mát nên hấp dẫn nhiều thế hệ người đọc. Bài thơ Em gầy như liễu trong thơ cổ mang đậm dấu ấn riêng của tác giả từ ngôn ngữ, cách gieo vần cho đến giọng điệu, nhất là chất lãng mạn - trữ tình thấm đẫm "khúc tình si" của một thuở hoa niên.
Em gầy như liễu trong thơ cổ
Em ốm nghe trời lượng đã hao Em ngồi trong nắng mắt xanh xao Anh đi giữa một ngàn thu cũ Nhớ mãi mùa thu bẽn lẽn theo.
Anh nhớ em ngồi áo trắng thon Ngàn năm còn mãi lúc gần quen Em gầy như liễu trong thơ cổ Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường.
Anh nhớ sông có nguyệt lạ lùng Có trời lau lách chỗ hư không Em tìm âu yếm trong đôi mắt Thấy cả vô cùng dưới đáy sông.
Anh nắm tay cho chặt tiếng đàn Tiếng mềm hơi thở, tiếng thơm ngoan Khi nghe tiếng lạnh vào da thịt Nhớ tiếng thơ về có tiếng em.
NGUYÊN SA
|
|
Chúng ta đều biết dáng liễu là hình ảnh quen thuộc trong thơ ca cổ điển, nhất là thơ Đường ở Trung Quốc mà sau này thơ trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng khá sâu đậm. Vóc liễu mảnh mai, thanh nhẹ, có vẻ đẹp mềm mại như bóng dáng người thiếu nữ dịu dàng, kiêu sa đã làm xao động biết bao trái tim văn nhân, thi sĩ trên đời. Có lẽ vậy chăng mà Nguyên Sa đã bật thốt vô cùng ngẫu hứng một câu thơ để rồi trở thành nhan đề cho một bài thơ bất hủ: "Em gầy như liễu trong thơ cổ".
Để phát triển tứ thơ từ nhan đề, Nguyên Sa mở ra khổ thơ đầu đầy hữu ý. Cái hữu ý của "em gầy như liễu" đã được phác họa qua nét vẽ ngôn ngữ của thi nhân với bóng dáng một giai nhân cùng ánh mắt xanh xao đang ngồi trong nắng của mùa thu tỏa nhẹ. Đó là vẻ đẹp của thơ, của nhạc, của lượng trời xao xác gầy hao. Em ngồi đó mảnh mai và mềm yếu như bóng liễu buổi thu về đã khiến tác giả ngỡ mình đi giữa một ngàn thu cũ trong bâng khuâng, hoài niệm:
Em ốm nghe trời lượng đã hao/Em ngồi trong nắng mắt xanh xao/Anh đi giữa một ngàn thu cũ/Nhớ mãi mùa thu bẽn lẽn theo
Với Nguyên Sa, dường như cái gì mảnh mai, hư hao, gầy yếu dễ khiến tâm hồn nhà thơ rung động. Từ một ngàn thu cũ bâng khuâng của thời gian trong thơ cổ, nhà thơ vẫn nhớ mãi bóng hình một mùa thu em gầy hao bẽn lẽn theo cùng. Tôi nghĩ cái ngàn thu cũ là vẻ đẹp của thi ca cổ điển với bóng liễu buông mành thao thức trong vườn thơ xưa được gợi ra từ dáng em thanh mảnh, xanh xao. Còn "mùa thu bẽn lẽn theo" là vẻ đẹp ẩn dụ của hình bóng giai nhân thấp thoáng tan hòa vào ngàn năm thi ca bất tận. Em đã hóa thân thành dáng liễu gầy, thăng hoa cùng cái đẹp vĩnh hằng, bất tử. Do vậy, nếu khổ thơ đầu mở ra một không gian hư hao của lượng trời buổi em ốm dậy với màu xanh xao trên mắt thì ba khổ thơ sau là bóng dáng của mùa thu em bẽn lẽn theo cùng, ám dụ suốt một đời anh: Anh nhớ em ngồi áo trắng thon/Ngàn năm còn mãi lúc gần quen/Em gầy như liễu trong thơ cổ/Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường.
Hình ảnh người con gái với tà áo trắng trong thon thả, dịu hiền, đẹp một cách mê hoặc khiến nhà thơ ngất ngây lưu mãi bóng hình dấu yêu đến ngàn năm chưa dễ gì quên lãng. Vẻ đẹp dịu dàng và thanh khiết ấy được so sánh với hình ảnh dáng liễu gầy trong thơ cổ, chàng thi sĩ học trò kia sẵn sàng bỏ cả trường thi mà theo mãi bóng giai nhân.
Từ nỗi nhớ mùa thu với màu áo trắng nơi sân trường hoa mộng, tác giả tiếp tục mạch cảm xúc nhuốm màu sắc siêu thực. Giữa không gian trập trùng biến ảo, một dòng sông mang bóng nguyệt lạ lùng tuôn chảy, bầu trời chứa đầy lau lách nơi cùng thẳm hư không, đôi mắt em và cả biển trời ân ái cũng tan hòa dưới lớp lớp vô cùng sông nước: Anh nhớ sông có nguyệt lạ lùng/Có trời lau lách chỗ hư không/Em tìm âu yếm trong đôi mắt/Thấy cả vô cùng dưới đáy sông.
Tất cả đất trời sông nước đều nhập nhòa, hư thực đan xen khiến cho nhà thơ quên mất là mình đang rơi vào giấc mộng tình phiêu lãng. Người tình "gầy như liễu trong thơ cổ" kia cũng đang có những giây phút thăng hoa đến rợn ngợp. Dường như mọi thứ đều biến ảo dưới lòng sông của đáy mắt yêu thương. Và khi tình yêu ngự đỉnh trời cao rộng thì âm nhạc dần lan tỏa chất ngất: Anh nắm tay cho chặt tiếng đàn/Tiếng mềm hơi thở, tiếng thơm ngoan/Khi nghe tiếng lạnh vào da thịt/Nhớ tiếng thơ về có tiếng em.
Cái hay và độc đáo ở đây là khả năng liên tưởng nhảy vọt của tác giả. Nắm bàn tay của giai nhân mà nghe cả cung đàn say mê cất tiếng, dặt dìu và mê đắm. Nó không quá vồ vập, bản năng mà nó là đời sống đã được dựng dậy thành thơ, thành mộng, thành tình yêu khấp khởi nồng nàn. Cánh tay là xác thịt, tiếng đàn là thanh âm biểu trưng cho vẻ đẹp thanh cao, vậy mà bất chợt cả hai hòa vào nhau, tan loãng. Thần tiên và trần thế, xác thịt và tâm hồn đã dặt dìu, luyến láy để xây nên một cõi huyền hồ, thơ mộng, vừa hoan lạc trần thế, vừa tiêu dao đến chốn tiên bồng. Đọc đến đây, tôi bỗng nhớ đến bài thơ Nguyệt cầm của Xuân Diệu. Có điều tiếng đàn trong đêm lạnh của thi sĩ Xuân Diệu cô đơn và sầu não; tiếng đàn của Nguyên Sa lại hòa điệu ái ân trong một cuộc tình nồng, dù điều đó chỉ vang ngân trong cõi nhớ.
Bằng nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ tài hoa và đầy sáng tạo, cách gieo vần trại với chính âm mà vẫn lay động hồn người, bài thơ Em gầy như liễu trong thơ cổ là khúc ca tình ái tụng ca vẻ đẹp giai nhân thấp thoáng bóng thu buồn. Đó là vẻ đẹp của đất trời, tạo vật đã giấu cả mộng mơ, hao gầy trong dáng điệu mảnh mai trinh nữ. Hóa ra giai nhân mới là kết tụ của tinh hoa vạn vật để rồi làm nên một dáng liễu liêu trai bất tử ngàn năm trong những vần thơ xưa cũ. Điệu hồn ấy của thi sĩ Nguyên Sa cũng là thông điệp muôn đời cho những tâm hồn khao khát yêu thương cùng với bóng giai nhân đã thoáng qua và lưu dấu mãi trong đời.
LÊ THÀNH VĂN