Bình sinh, giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học vẫn tâm niệm một câu châm ngôn được bà nội truyền cho: "Ở đời không nên mượn hơi ai mà thở”…
GS Văn Tạo là người không né tránh những vấn đề lịch sử nhạy cảm, phức tạp
Suốt từ tuổi trưởng thành đến nay, ông đã sống và cống hiến bằng chính hơi thở của mình. Ngày 10.4.2017, ở tuổi 92, ông đã trút hơi thở cuối cùng. Ngòi bút “Tư Mã” đã nằm yên trên “Trường sử”.
Ông tên khai sinh là Nguyễn Xuân Đào, tuổi Bính Dần (1926), sinh ra tại làng La Tỉnh (huyện Tứ Kỳ). Văn Tạo sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1947, ông tham gia phong trào Việt Minh. Năm 1951, ông lên Việt Bắc tham gia công tác Đoàn Thanh niên Cứu quốc, rồi chuyển sang công tác tại Ban Nghiên cứu lịch sử, địa lý trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương. Từ đấy Văn Tạo gắn bó với lịch sử Việt Nam.
Đến nay, ông đã viết riêng hơn một chục cuốn sách, khoảng 100 cuốn với cương vị chủ biên hay đồng tác giả và hàng nghìn trang viết trên các báo, tạp chí về các vấn đề lịch sử và thời cuộc. Đó là chưa kể gần 100 văn bản kiến nghị về các chủ trương, chính sách, đường lối… gửi tới các cơ quan, các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Vừa làm công tác quản lý, ông còn hướng dẫn, phản biện cho 80 luận án tiến sĩ, góp phần đào tạo những trí thức, nhà khoa học cho đất nước.
Trong "gia tài" nghiên cứu của ông, công trình khoa học “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử” do ông và giáo sư (GS) Furuta Mooto (người Nhật) đồng chủ biên đã gây xúc động với bạn bè quốc tế và vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2010. Khi chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ VI, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã giao cho ông nghiên cứu đề tài với chủ đề "Di sản lịch sử và xuất phát điểm khi đi lên chủ nghĩa xã hội”. Đề tài có giá trị lớn trong lý luận và thực tiễn "nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, tôn trọng quy luật khách quan"...
GS Văn Tạo được mệnh danh là “người đi giải oan cho các nhân vật trong lịch sử”.
|
|
Trong giới sử học Việt Nam, GS Văn Tạo được mệnh danh là “người đi giải oan cho các nhân vật trong lịch sử”. Có những vấn đề lịch sử nhạy cảm, nhiều người né tránh, nhưng GS Văn Tạo lại thẳng thắn trình bày quan điểm, chính kiến của mình. Năm 1996, ông là người khởi xướng luận thuyết “Công minh lịch sử và công bằng xã hội”. Ông đã góp phần nhìn nhận lại một số vấn đề lịch sử như nhận thức lại về họ Khúc, về nhà Mạc và nhà Trịnh, hay nhận thức lại về các nhân vật như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh… Đồng thời nhận thức lại về một số sự kiện lịch sử như quan hệ giữa hai nhân vật Phạm Bình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu ở Hải Dương, phong trào Tự lực Văn đoàn… Những nghiên cứu của ông đã góp phần đưa ra nhiều nhận thức mới trong nghiên cứu lịch sử. Từ quan điểm này, ông đã minh oan hoặc trả lại giá trị đích thực cho những nhân vật lịch sử, những sự kiện lịch sử vốn chưa được đánh giá công bằng. Trong bài "Phạm Quỳnh - chủ bút báo Nam Phong", đăng trên tạp chí Khoa học, Công nghệ và Môi trường Hải Dương số tháng 2.2005, ông viết: "Phạm Quỳnh không có hành vi nào tàn ác với nhân dân, không đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân như nhiều quan lại thời Nguyễn (…) Nhưng mặt khác ông lại có công chuyển tải văn hoá Đông - Tây trên văn đàn, báo giới Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm cho ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Việt Nam thời đầu thế kỷ XX, công lao đó đáng được ghi nhận".
Trong 5 năm từ 2009 đến 2013, ông đã bỏ thời gian tự ghi được 118 băng ghi âm, kể lại lịch sử Việt Nam với tiêu đề "Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”. Ông đã dành 8.000 phút nói chuyện một mình, mặt đối mặt với chiếc máy ghi âm. Ông đã tặng số băng ấy cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam nhận định: “Đó là cách giữ gìn ký ức bằng cách tự ghi âm lưu lại cho đời sau, một hình thức thích hợp với những nhà khoa học cao tuổi mà việc viết lách đã trở nên khó khăn. Đây là một sáng kiến tuyệt vời mà nhà sử học Văn Tạo đã mở đường, để có thể áp dụng rộng rãi với các nhà khoa học khác".
Từng có nhiều dịp được gặp gỡ, làm việc với ông, tôi càng kính phục ông bởi đằng sau vẻ giản dị, tính cách bình dân, dễ hòa nhập là một kho trí tuệ. Đối với những người đi sau, giáo sư bao giờ cũng khích lệ, động viên một cách chân thành… Tuổi tác ông đáng vào hàng cha chú nhưng tôi thường gọi ông là thầy. Đã mấy lần thầy Văn Tạo thủng thẳng bảo tôi: “Anh thì danh bé, tiếng nhỏ, nhưng làm được nhiều việc lớn”. Lại một lần giáo sư dự lễ khánh thành đền thờ Khúc Thừa Dụ, nghe xong bài văn tế “Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ” do tôi phụng thảo, ông bảo: “Thế là súc tích rồi, còn phải gì nữa…”.
Xa quê từ năm 27 tuổi, phần lớn thời gian ông làm việc và sinh sống ở Hà Nội nhưng GS Văn Tạo luôn dành tình cảm đặc biệt với quê hương. Dường như những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử quan trọng ở Hải Dương đều có tiếng nói của giáo sư tham gia, làm cho vấn đề thêm minh triết. Ví như: Tọa đàm về học giả Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong, về Bổi Lạng đất Tứ Kỳ…
Ông từng cộng tác báo Hải Dương trong những năm còn khỏe. Ông viết ngắn gọn, đánh giá các sự kiện mạch lạc bằng tư duy và văn phong của một nhà sử học. Tòa soạn gửi báo biếu đều đặn. Mỗi lần nhận được, ông đều chu đáo hồi âm…
GS Văn Tạo là người có tâm hồn nghệ sĩ. Ông thích hát ca trù. Dịp 85 tuổi, ông đã sáng tác bài ca trù tự sự, gửi gắm nỗi lòng mình:
Bút “Tư Mã” vẫn ruổi rong “Trường sử”
Tuổi “Trời cho” mà cũng tuổi “Đời cho”.Nhưng bây giờ ngòi bút “Tư Mã” đã nằm yên trên “Trường sử” rồi. Nghĩ tới đây tôi thấy rưng rưng…
KHÚC HÀ LINH
GS Văn Tạo đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất (năm 1984), Huân chương Lao động hạng nhất (năm 1997), Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000 với cụm công trình: “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam” và “Chúng ta kế thừa di sản nào”, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2005 với công trình khoa học “ATLAS Quốc gia Việt Nam” do Cục Đo đạc bản đồ Nhà nước xuất bản năm 1996, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2010 với công trình khoa học “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử”.
|
Nhớ một ngày mưa
Tưởng nhớ GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, nhiều năm cộng tác với báo Hải Dương
Tôi giật mình Đọc tin ông mất Ở tuổi 92 - tuổi trời!
Lòng buồn Nhớ ông khôn nguôi Nhớ những lần ông về chơi Và bao năm viết bài cho báo Nhớ lần cùng ông đi Cẩm Giàng Thăm cố trạch Tự lực Văn đoàn Giữa ngày mưa tầm tã Không gặp người xưa Chỉ gặp phố mới Con phố nghèo, đường chưa mở Nhưng ông rất mừng Có biển đề tên phố: Thạch Lam Mặc cho nước mưa chảy tràn Cứ lấp lánh tấm biển đề tên phố...
Ông kể về những ngày gian khổ Ốm đau, thiếu đói Và những việc ông làm Chữ viết đã mấy nghìn trang Cả nạn đói năm 45 Hơn hai triệu dân mình chết thảm (*) Ông còn bảo Nhớ nhất câu bà nội ông thường dạy Luôn khắc trong tâm khảm: "Mình phải tự thở bằng hơi thở của mình Không mượn ai thở được"...
Bây giờ đã xa Tôi vẫn như thấy ông Với gương mặt thật vui Xen lẫn bùi ngùi Khi về thăm Tự lực Văn đoàn Giữa ngày mưa ròng ròng Năm ấy!
11 giờ 12.4.2017 Đọc tin buồn trên báo Nhân Dân
-------------------- (*) Công trình nghiên cứu "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử"
HÀ CỪ
|