Năm nay, lễ ban ấn ở đền Kiếp Bạc không được tổ chức khiến nhiều người dân và du khách không khỏi bâng khuâng.
Người dân xếp hàng xin ấn đền Kiếp Bạc năm 2019
Thiêng liêng
Chúng tôi gặp bà Mai Thị Hà, 60 tuổi, ở Đống Đa (Hà Nội) tại đền Kiếp Bạc trước ngày tổ chức lễ kỷ niệm 720 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Bà Hà bảo mọi năm bà thường về đền vào ngày chính hội để xin ấn đền Kiếp Bạc lấy may cho cả gia đình. Năm nay không tổ chức lễ hội, bà tranh thủ về cửa đền sớm hơn. “Không tổ chức lễ ban ấn, chúng tôi cảm thấy thiếu, nhưng thời điểm này, tất cả phải ưu tiên cho công tác phòng chống dịch nên về được đến cửa đền thế này là tôi toại nguyện rồi”, bà Hà nói.
Đối với ông Nguyễn Quang Phục, 82 tuổi, ở xã Hưng Đạo (Chí Linh), một “pho sử sống” về lễ hội dân gian đền Kiếp Bạc thì lễ ban ấn gắn liền với miền ký ức về tuổi thơ. Ông kể, hồi còn bé ông hay theo ông nội trảy hội đền Kiếp Bạc. Gia đình ông còn lập hẳn một điện thờ Đức Thánh Trần nên đến kỳ lễ hội, sau khi tiến hành các nghi lễ khai ấn, ban ấn, bao giờ ông nội ông cũng mang một tờ ấn về để treo trong điện.
Theo ông Phục, ấn ngày xưa được đóng trên giấy màu vàng chứ không phải trên vải như bây giờ. Nghi thức khai ấn, phát ấn cũng đủ các lệ tục và được làm trang trọng, nghiêm cẩn như cúng Phật, Thánh, Hội đồng Trần triều, tịnh đền, các nhà sư làm lễ mật niệm, các vị chức sắc khai ấn và ban ấn cho những người tham dự. Phạm vi ban ấn không nhiều như bây giờ, chỉ dành cho những người có chức sắc, các thanh đồng, con nhang đệ tử…
Năm 2006, UBND tỉnh phê duyệt Đề án nâng cấp Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn 2006 - 2010, một loạt các nghi thức được phục dựng như Lễ tưởng niệm Đức Thánh Trần, Lễ rước bộ, Lễ hội quân trên sông Lục Đầu, diễn xướng hầu Thánh… Lễ khai ấn, ban ấn đền Kiếp Bạc cũng được kỳ công sưu tầm để phục dựng đúng theo trình tự cổ xưa.
Vinh dự là bậc cao tuổi của xã Hưng Đạo được lựa chọn tham gia lễ khai ấn, ban ấn lần đầu tiên ấy, ông Phục kể: Lễ khai ấn, ban ấn đêm 18.8 âm lịch năm 2006 được tổ chức rất trang nghiêm. Ngay từ chập tối, hàng nghìn người dân đã háo hức đến trước cửa đền thắp hương rồi lặng lẽ theo dõi các nghi lễ, thậm chí họ ngủ lại cửa đền, chờ đến nửa đêm để kịp xin ấn Thánh. “Nhìn nét mặt rạng rỡ của những người được nhận ấn, tôi thấy rõ sự tôn kính của họ với Đức Thánh Trần. Chẳng thế mà, từ đó đến nay năm nào cũng có hàng nghìn người về đền xin ấn lấy lộc, lấy may”, ông Phục nói.
Nét đẹp cần bảo tồn
Thực tế, nghi lễ khai ấn, ban ấn đền Kiếp Bạc đã gắn liền với đời sống tâm linh cộng đồng, bởi lẽ nó gắn với một triều đại rực rỡ của nhà Trần và tên tuổi Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Theo các nhà nghiên cứu, khác với ấn đền Trần (Nam Định) chỉ có 2 phù ấn, được phát vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng giêng hằng năm có ý nghĩa cầu mong cho thiên hạ thái bình, mọi nhà hưởng lộc, cầu may sang năm mới mạnh khỏe, lao động, sản xuất hăng say thì ấn đền Kiếp Bạc nghiêng về cầu công danh tài lộc, bình an về sức khỏe và trừ tà.
Hiện đền Kiếp Bạc có 4 ấn bằng đồng, lần lượt khắc các chữ “Trần triều Hưng Đạo vương chi ấn”; “Quốc pháp Đại vương”; “Vạn Dược linh phù”; “Phi thiên thần kiếm linh phù”. Trước đây, người dân quan niệm muốn cầu việc lớn về đường quan tước, công danh... thì xin phù ấn “Trần triều Hưng Đạo vương chi ấn” hoặc ấn “Quốc pháp Đại vương”. Cầu trường thọ, sinh con, tài lộc dồi dào thì xin phù ấn “Vạn Dược linh phù”. Cầu tránh tà ma, bệnh tật thì xin “Phi thiên thần kiếm linh phù”. Nhưng hiện nay, cả 4 ấn đều được in trên một tấm lụa màu vàng, khi in phù ấn vào tấm lụa, nhà đền thường in ấn “Phi thiên thần kiếm linh phù” 2 lần, ý tứ muốn tránh số 4 (sinh, lão, bệnh, tử). Thành thử, ấn đền Kiếp Bạc khi ban cho người dân sẽ được in 5 phù ấn, ngầm ý cầu mong cho mọi người được vinh hiển, sống lâu, giàu có, an lành...
Sau khi được phục dựng và tổ chức tới nay, một trong những điểm đáng ghi nhận ở lễ ban ấn đền Kiếp Bạc là không còn để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, góp phần tạo được ấn tượng tốt trong lòng người tham dự.
Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết bao năm qua lễ ban ấn tại đền Kiếp Bạc đáp ứng được lòng ngưỡng vọng của nhân dân đối với Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã có công giữ nước nên việc giữ gìn và tổ chức tốt nghi thức này luôn được Ban Quản lý di tích đặt lên hàng đầu. "Việc này không chỉ là một nét văn hóa tín ngưỡng ý nghĩa, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mà còn đóng vai trò lớn trong việc giáo dục truyền thống lịch sử đối với thế hệ trẻ…", ông Mạnh cho biết.
HUYỀN ANH - THÀNH CHUNG