Nhớ Hưng Yên

01/01/2022 11:06

Nhớ về Hưng Yên, tôi lại nhớ câu thơ năm ấy, cái giây phút chia tay các bạn ở trước sảnh nhà Tỉnh ủy Hải Hưng trên đường Trần Hưng Đạo sau mấy chục năm gắn bó một nhà.

“Bạn về lại quê cha, tiếng hát Lục Đầu lưu luyến Đa Hòa - Dạ Trạch/ Mình ở đây đất mẹ, câu thơ Vạn Kiếp bâng khuâng Phố Hiến-Triều Dương”.

Nhớ về Hưng Yên, tôi lại nhớ câu thơ năm ấy, cái giây phút chia tay các bạn ở trước sảnh nhà Tỉnh ủy Hải Hưng trên đường Trần Hưng Đạo sau mấy chục năm gắn bó một nhà. Ngày hợp nhất tỉnh (1968) tôi còn công tác ở một đơn vị chiếu bóng lưu động huyện… Ngày chia tay các bạn (1997), tôi đã về thị xã. Trước bậc thềm đặt hai chiếc micro đứng thẳng, xung quanh là các đại biểu Trung ương và lãnh đạo chủ chốt của hai tỉnh mới tái lập cùng nhiều cán bộ đến dự. Người dân đi trên đường Trần Hưng Đạo đều dừng lại, nhìn vào sảnh nhà Tỉnh ủy, sẻ chia tình cảm của mỗi người. 

Ngày ấy trụ sở Hội Văn nghệ tỉnh đang xây dở, tạm thời chuyển đến khu triển lãm tỉnh làm việc. Tôi phóng xe máy kịp thời chia tay bạn văn chương trở về đất nhãn. Nâng chén rượu Phú Lộc tiễn bạn bỗng nao nao nhớ câu thơ "Tống biệt hành" của Thâm Tâm...

Ngày còn chung một nhà Hải Hưng, mảnh đất Hưng Yên với tôi gần gũi, để lại nhiều kỷ niệm. Những tên đất, tên làng Dốc Lã, Thiện Phiến, Bô Thời, Chợ Gạo… đã hằn trong ký ức thời trai trẻ. Những tên tuổi bạn văn Hoàng Thế Dân, Ngô Hoàng Anh, Ngọc Tấn, Nguyễn Thành, Lương Minh Hinh… đã gắn bó với nhau trong ngôi nhà văn nghệ Hải Hưng gần ba chục năm, đến nay ra sao?   

Ngày xưa, có một thời gian dài nhắc tới tỉnh Đông người ta vẫn nghĩ đấy là Hưng Yên và Hải Dương, bởi hai tỉnh đều ở phía đông kinh thành, là đất văn hiến - khoa bảng. Ở vùng đồng bằng sông Hồng, Thăng Long có Văn miếu Quốc Tử Giám, Kinh Bắc có văn miếu Bắc Ninh. Hưng Yên lẫy lừng Văn miếu Xích Đằng và Hải Dương nổi tiếng Văn miếu Mao Điền, nơi thắp lửa luyện rèn sĩ tử. Tiếng là hai tỉnh nhưng không có sông núi phân chia địa giới. Con gà bên kia Quán Gỏi cất tiếng gáy thì bên này cũng râm ran tiếng gà, gọi ánh lửa hồng, báo hiệu một ngày mới. Người Hưng Yên lấy chồng Hải Dương, sinh sống đến 3 thế hệ bên con sông trước phố Bạch Đằng. 

Bẵng đi, năm 2017, Hải Dương tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh. Thật vinh dự tôi được giao viết một khúc ca cho các bạn nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hải Dương biểu diễn chào mừng. Cũng là vì được sống trong suốt tháng năm gian khổ chiến tranh đến ngày hòa bình thống nhất dựng xây, thấm đẫm những kỷ niệm vui buồn, chứng kiến nhiều sự kiện, nên dạt dào cảm xúc: "Bạn từ trở lại Hưng Yên/Hải Dương chan chứa nỗi niềm thân thương/Đã hơn hai chục năm trường/Đôi quê vững bước trên đường dựng xây".

Cứ theo mạch cảm xúc ấy, tôi mường tượng đất văn hiến anh hùng đang vươn lên: "Sen Phố Hiến, mênh mang câu hát/Nhãn Triều Dương dào dạt bầy ong/Cầu rộng dài nghiêng bóng dòng sông/Khu công nghiệp, chân mây hồng rực rỡ/Đường cao tốc, phương đông nắng mở/Những hoài niệm dội về: Hai quê, chỉ một tấm lòng...".

25 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, người Hưng Yên đã viết tiếp trang sử mới. Giống như một cơ thể đang vạm vỡ sức thanh xuân, họ đi về phía trời mọc. Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và có lời phát biểu chúc mừng "xây dựng Hưng Yên ngày càng hưng và ngày càng yên hơn nữa". 

Thật mừng, một tỉnh không có “biển bạc, rừng vàng” nhưng kinh tế liên tục tăng trưởng nhanh và đạt tốc độ bình quân 10,2%/năm trong giai đoạn 1997-2021; thu ngân sách tăng gấp 200 lần, đã trở thành một trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối được thu, chi. Hưng Yên tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố thông minh, là tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nhớ Hưng Yên