Họa sĩ Phạm Trí Tuệ, sinh năm 1942, ở thôn Vũ La, xã Nam Đồng (Nam Sách) nay là phường Nam Đồng (TP Hải Dương).
Chân dung tự họa bằng tranh sơn dầu (năm 2019) của họa sĩ Phạm Trí Tuệ
Khi còn sống, ông luôn kể việc mình đến với hội họa như một cơ duyên. Năm 1958, thôn Vũ La được đón đoàn văn nghệ sĩ từ Hà Nội về thực tế. Trong đoàn có nhà văn Đào Vũ, họa sĩ Sỹ Ngọc cùng nhiều văn nghệ sĩ khác. Thấy cậu bé Tuệ cứ mải mê xem vẽ, họa sĩ Sỹ Ngọc đưa giấy bút để ông vẽ thử. Qua nét vẽ, ông Sỹ Ngọc thấy ông có năng khiếu hội họa nên đã tận tình hướng dẫn, khuyên ông lên Hà Nội học. Không phụ tình cảm của người thầy đầu đời, ông đã miệt mài theo đuổi nghiệp vẽ đến tận khi trút hơi thở cuối cùng.
Tốt nghiệp hệ trung cấp mỹ thuật (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam) năm 1964, họa sĩ Phạm Trí Tuệ về công tác tại Công ty Mỹ thuật Hà Nội, rồi Ty Văn hóa Hải Hưng. Vừa hoạt động hội họa, vừa tiếp tục học tại chức đại học chuyên ngành mỹ thuật, họa sĩ Phạm Trí Tuệ trở thành lớp hội viên nòng cốt khi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương thành lập năm 1978. Ông cũng vinh dự được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1986. Năm 1994, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho đến khi nghỉ hưu năm 2001.
Ông được biết đến là họa sĩ thành danh với sáng tác tranh cổ động và nhãn hiệu hàng hóa. Nhìn lại chặng đường tranh cổ động từ thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông đã tạo được những dấu ấn, những nét riêng cho mình qua các tác phẩm như: “Giặc phá ta cứ đi” (năm 1968), “Thực hiện tốt quyền làm chủ” (năm 1976), “Khai thác nhiều nguồn phân để tăng năng suất lúa” (năm 1978), “Bầu cử Quốc hội khóa X” (năm 1997)...
Trong khoảng 20 năm ông cũng đã thiết kế nhãn hiệu bao bì, nhãn mác cho hàng trăm cơ sở doanh nghiệp để phát triển kinh tế tư nhân, để nay Hải Dương tự hào có các nhãn hiệu Bảo Hiên, Nguyên Hương, Tiên Dung, Bá Tiến, Nhân Hưng…
Với mảng tranh hội họa, phong cảnh thiên nhiên và con người được ông thể hiện trong tranh thân thuộc gần gũi. Đó là những thứ bình dị mà ông bắt gặp ngay tại mảnh đất đang sống hoặc những vùng miền ông đã đi qua, như các tác phẩm: “Chiều hậu phương” - sơn dầu, năm 1972; “Làng mới trên Tây Nguyên” - sơn khắc, năm 1980; “Sinh viên” - lụa, năm 1985; “Giếng làng xưa” - sơn dầu, năm 1997; “Mênh mông” - sơn dầu, năm 2002; “Mưa ngâu” - sơn dầu, năm 2005; “Bình minh Sùng Quang Tự” - sơn dầu, năm 2005; “Bờ ao” - sơn dầu, năm 2011...
Nghỉ hưu, ông vẫn say sưa vẽ cả khi tuổi cao, bệnh trọng. Ông đã nhờ người bạn đời đỡ để vẽ bức tranh cuối cùng trước khi rời xa "cõi tạm" ngày 14.5.2021.
Ông có nhiều tác phẩm được lưu giữ tại các Bảo tàng: Mỹ thuật Việt Nam, Hồ Chí Minh, Quân sự Việt Nam, Cách mạng Việt Nam và ở nhà tưởng niệm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, rồi các sưu tập cá nhân tại Việt Nam, Pháp, Anh, Nhật Bản...
Tổ chức triển lãm tưởng nhớ 1 năm ngày mất họa sĩ Phạm Trí Tuệ |
NGỌC HÙNG