Nhớ... đàn khỉ vàng

09/02/2016 10:19

Mấy chục năm trước, những dãy núi đá vôi ở huyện Kinh Môn vốn là nơi sinh sống của nhiều đàn khỉ lông vàng.


Do việc khai thác đá và nạn săn bắn trái phép, số lượng khỉ còn sót lại ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay.




Một con khỉ vàng đang được nuôi dưỡng trong chùa Thánh Quang

Thời hoang sơ

Nhìn lên những ngọn núi mịt mờ lấp sau màn sương dày đặc của buổi sớm mai, ông Vũ Văn Hùng, Bí thư Chi bộ 7, thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) lại nhớ về một thời chưa xa. Ngày đó, từng đàn khỉ vàng trên núi kéo xuống vườn ổi dưới chân núi hái quả. Khi ấy, những dãy núi đá vôi còn trập trùng bao quanh thôn Tử Lạc. Người dân sống dựa vào núi, núi và người gắn bó như máu thịt. Sung, vả, cây thuốc, rồi cây đa, cây đề mọc trên núi đã trở thành nguồn thức ăn vô tận của lũ khỉ. Những hang hốc trên núi đá là nơi trú ngụ an toàn, kín đáo cho lũ khỉ mỗi khi đêm về.

Trong ký ức của người dân, Tử Lạc trước kia đẹp lắm. Núi non nhấp nhô giữa cánh đồng ngập nước như bức tranh thủy mặc với các thung, các áng mà chỉ nhắc tới thôi đã khiến người dân bùi ngùi nuối tiếc. Những Áng Bát, Áng Chuối, Áng Rong, Áng Sấu, Áng Thơ, Áng Thuyền, Áng Cả, Áng Pheo rồi núi Voi, núi Gấu, hang Làng, Năm Cửa... từng là nơi sinh sống lý tưởng của hàng chục đàn khỉ đông đúc.

Theo nhà nghiên cứu sinh học Nguyễn Văn Khang, khoảng 20 năm trước, khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Điều tra thành phần động vật vùng đá vôi Kinh Môn”, ông đã vào tận các khe núi có đàn khỉ sinh sống... Khi đó, Áng Bát còn nguyên vẹn như “cái bát”, muốn vào được phải trèo đèo, vượt núi rất vất vả. Đây là khu vực đàn khỉ thường về kiếm ăn và nghỉ ngơi. Thời điểm đó, cả vùng vẫn còn từ 5 - 7 đàn khỉ, có đàn lên tới vài chục con. Hệ sinh thái núi đá vôi Kinh Môn có tuổi đời tương đương hệ thống núi đá vôi ở vịnh Hạ Long. Hang động dày đặc cùng nguồn thức ăn phong phú rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của đàn khỉ vàng nơi đây.

Không chỉ thôn Tử Lạc mới có khỉ vàng, trên núi đá vôi ở Phú Thứ, Duy Tân, Tân Dân trước kia cũng có rất nhiều khỉ sinh sống. Trong hồi ức của mình, sư thầy Thích Diệu Mơ, trụ trì chùa Thánh Quang (xã Duy Tân) vẫn nhớ như in thời kỳ khu vực núi Nhẫm Dương còn hoang vu, cây cối um tùm, khỉ vàng sống thành từng bầy vài chục con trên núi. Thời đó cũng chưa xa, chỉ cách nay vài chục năm, núi Nhẫm Dương chưa bị phá, trên núi cây cối um tùm. Đàn khỉ đông và rất dạn người. Chúng thường xuyên mò xuống chân núi ăn trộm lúa, khoai, sắn của người dân. Thấy có người thì chúng lại chạy lên núi, không có người chúng lại kéo xuống kiếm thức ăn. Mặc dù thường xuyên bị đàn khỉ trêu đùa, chọc phá, nhưng người dân lại luôn coi chúng là bạn bởi tiếng nô đùa của khỉ đã làm vơi bớt cái hoang lạnh của núi rừng.

Ước mơ phục hồi đàn khỉ

Chẳng biết từ bao giờ, người ta đồn rằng thịt khỉ, xương khỉ rất bổ, có tác dụng chữa bệnh. Thế là đổ xô săn bắt, đặt bẫy tiêu diệt đàn khỉ. Theo anh Đào Văn Mạnh, Trưởng khu Tử Lạc 1 (thị trấn Minh Tân), một nhóm thợ săn bên huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) thường xuyên mò sang dùng súng săn, bẫy kiềng, bả độc đã tiêu diệt gần hết đàn khỉ ở đây. Rồi việc đánh mìn khai thác đá nung vôi, đá làm xi măng cũng khiến môi trường sống của đàn khỉ bị thu hẹp. Bây giờ, Áng Dâu, Áng Chuối, Áng Rong, Áng Pheo, Áng Cả... đã bị san phẳng. Nghe nói còn vài con khỉ đang ẩn náu trong Áng Bát, Áng Chuối do nơi này được sử dụng làm kho chứa mìn nên còn tương đối nguyên vẹn. Trước kia, cứ mỗi khi trời hửng nắng là đàn khỉ lại kéo ra sưởi ấm, nhưng nay do tiếng mìn phá đá nổ ì ầm suốt ngày cộng với nòng súng của đám thợ săn trực chờ nên đàn khỉ trốn biệt tăm.



Sư thầy Thích Diệu Mơ trụ trì chùa Thánh Quang tích cực gây dựng lại đàn khỉ

Đối với sư thầy Thích Diệu Mơ, không gì đau lòng hơn là môi trường sống của đàn khỉ cũng là khu vực bảo vệ của di tích lịch sử chùa Thánh Quang bị gặm nhấm từng ngày. Mấy năm trước, cây cối trên núi bị người dân chặt làm củi đun. Nổ mìn phá đá khiến dãy núi phía sau chùa bị biến dạng. Môi trường sống của đàn khỉ không còn. Rồi thợ săn ở nơi khác đổ về săn bắn khiến đàn khỉ hao hụt nhanh chóng. Không còn nơi để sống, khỉ bỏ đi gần hết. Có những đêm trăng sáng, sư thầy chứng kiến đàn khỉ dẫn nhau bỏ sang quả núi khác mà bất lực. Đàn khỉ tự nhiên cuối cùng trên núi Nhẫm Dương nay chỉ còn lại duy nhất 1 con. Con khỉ này hiện vẫn quanh quẩn trên núi Nhẫm Dương. Nó rất tinh khôn và cảnh giác. Lựa lúc thật vắng vẻ nó mới mò ra. Nó không bao giờ ăn thức ăn trong bẫy. Cứ thấy bóng người là nó chui tọt vào hang, nên đám thợ săn cũng phải bó tay. Để cứu chùa và giữ lại nơi sinh sống cho đàn khỉ, sư thầy mất rất nhiều công sức đi kêu cứu khắp nơi thì nửa còn lại của núi Nhẫm Dương mới được khoanh vùng bảo vệ. Sư thầy Thích Diệu Mơ luôn mong ước phục hồi cảnh quan nguyên sơ cho chùa Thánh Quang để đàn khỉ vàng có nơi trú ngụ, sinh sống. Mấy năm trước, bà cùng các phật tử bỏ công sức mua cây, thuê người trong xóm trồng trên núi, trên đồi nên bây giờ núi đồi đã xanh trở lại. Không chỉ cố gắng bảo vệ cảnh quan núi Nhẫm Dương, sư thầy Thích Diệu Mơ còn tích cực gây dựng lại đàn khỉ bằng cách bỏ tiền mua những con khỉ bị cánh thợ săn bắt được để nuôi dưỡng rồi thả lên núi với hy vọng có ngày đàn khỉ vàng sẽ quay trở lại.

Theo nhà nghiên cứu sinh học Nguyễn Văn Khang, vẫn còn cơ hội khôi phục đàn khỉ vàng trên núi Nhẫm Dương. Trước kia, đàn khỉ sống được là nhờ di chuyển trên vài chục ha của khu vực núi đá vôi đa dạng cây cỏ. Nay bị dồn vào trong khuôn khổ một áng với diện tích chỉ từ 1 - 2 ha, chúng sẽ lâm vào tình cảnh thiếu thức ăn nghiêm trọng. Cần thả chúng về với tự nhiên và cung cấp thêm thức ăn bằng cách bổ sung khoai, sắn, ngô và các loại hoa quả khác; vận động người dân trồng cây trên núi để khỉ có nguồn thức ăn và nơi trú ngụ.

LÃ VỌNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ... đàn khỉ vàng