Trong ký ức của nhiều người, hình ảnh con trâu thời HTX của những năm tháng bao cấp khó khăn vẫn còn vẹn nguyên...
Con trâu từng là tài sản lớn của các HTX thời bao cấp
Từ luân phiên chăm sóc...
Nghe tôi hỏi về ký ức con trâu thời HTX bao cấp, ông Vũ Xuân Thu, 85 tuổi, từng là Đội trưởng Đội sản xuất, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Cập Nhất, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) những năm 1969 – 1987 lục tìm trong túi giấy tờ mà ông còn lưu giữ, rồi đưa cho tôi xem tập giấy A4 được đóng thành quyển. Ông bảo đây là tập tư liệu ông ghi chép cách đây gần chục năm về quá trình thành lập và hoạt động của HTX Cập Nhất những năm bao cấp khó khăn.
Năm 1959, ông Thu làm Phó Chủ nhiệm HTX Cập Nhất, phụ trách sản xuất. Những năm đầu, cả HTX có khoảng hai chục con trâu, được phân cho các đội sản xuất. Các đội lựa chọn gia đình đông người, đông con ở độ tuổi thiếu niên để giao chăm sóc trâu. Thường thì 2 - 3 nhà được phân công luân phiên chăm sóc một con trâu. Đến mùa vụ, đội sản xuất sẽ thông báo đến từng gia đình nuôi trâu, người cày bừa, lịch làm đất cụ thể để họ chủ động đưa trâu ra đồng. Mọi việc điều hành sản xuất đều do HTX phân công. Những năm 1968 – 1975, mỗi ngày công chăn trâu được tính 10 điểm, tương đương 3 lạng thóc. Đội trưởng đội sản xuất theo dõi ghi công điểm cho từng người, hết vụ sẽ cộng lại và chia thóc. Nhà ông Thu những năm ấy khó khăn triền miên. Gia đình có 7 người con, ông chung với một nhà nữa nhận một con trâu để các con chăn. Chăm sóc nửa con trâu ngày đó, tính ra cả vụ gia đình ông cũng chỉ được chia vài chục cân thóc. Ông Thu nhớ có lần người con trai cả đi chăn trâu do mải chơi để trâu lội sông sang cánh đồng xã bên mãi đến tối vẫn chưa về, cả HTX phải đốt đuốc đi tìm. Con trai ông đã òa khóc nức nở vì sợ bị HTX phạt.
Ông Hà Năng Liệt, 85 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, nguyên Chủ nhiệm HTX La Tiến (xã Ninh Thành cũ, nay là xã Tân Hương, Ninh Giang) cho biết con trâu là sức kéo chính và cũng là tài sản lớn của mỗi HTX. Việc chăm sóc, nuôi trâu, bố trí phân công cày bừa đều được HTX giám sát rất chặt chẽ. Những năm 1970 - 1971, HTX La Tiến có 20 con trâu được chia cho 4 đội sản xuất (mỗi xóm 1 đội). Mỗi đội đều có một khu đất làm chuồng, nuôi khoảng 5 - 6 con. Hằng ngày đến giờ HTX đánh kẻng, người nuôi lại đưa trâu ra đồng chăn thả, hết buổi đưa trâu về. Một ngày chăn trâu được tính là một công. Chăn mỗi con trâu 1 vụ cũng chỉ được khoảng 50 kg thóc. Một con trâu từ 3 - 4 nhà nhận nuôi, tính ra mỗi nhà chỉ được hơn 10 kg thóc/vụ.
Bà Phạm Thị Lỗi năm nay 85 tuổi, là xã viên HTX Nông nghiệp Kiến Quốc (Ninh Giang). Bà nhớ lại những năm 1975 - 1980, cả HTX có chưa đến 30 con trâu nhưng rất nhiều gia đình muốn nhận nuôi để tăng công điểm, buộc HTX phải bình xét. Gia đình đông người, bà lại ở trong tổ gánh phân của HTX nên được “ưu tiên” cho nhận nuôi ½ con trâu. Thời đó, trâu ít nhưng cỏ lại không nhiều, nhất là vào những tháng cuối năm trời rét, hanh khô thì cỏ càng hiếm. HTX đã phát động phong trào cắt cỏ nuôi trâu trong toàn thôn. Hằng ngày, xã viên đi cắt cỏ, cuối giờ sẽ tập trung về khu chuồng nuôi trâu để cân, cứ 40 kg cỏ được tính bằng nửa công, tương đương 1 - 2 lạng thóc. Con trâu gia đình bà Lỗi nuôi mau lớn, lại cày khỏe, đến mùa làm đất, các thợ cày của đội sản xuất đều tranh nhau nhận. “Dù là HTX làm việc theo cơ chế bao cấp nhưng nếu được phân công vào những con trâu yếu, trâu già thì thợ cày ai cũng ngại. Chính vì vậy, cứ đến vụ HTX đưa ra bình xét chọn thợ cày. Ai cày tốt, cày khỏe sẽ được giao trâu tốt”, bà Lỗi kể.
...đến phong trào nuôi trâu tốt
Để "đầu cơ nghiệp" phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, các HTX nông nghiệp thời đó đã có phong trào "chăm trâu tốt", "nuôi trâu khỏe". Ông Nguyễn Văn Bích, nguyên Chủ nhiệm HTX Tiền Tiến (TP Hải Dương) giai đoạn 1976 - 1980 nhớ lại: Sau mỗi vụ cày bừa, trâu thường mất sức, nhiều con già yếu nếu không được chăm sóc, bảo vệ sẽ nhanh gầy ốm, thậm chí chết... nên HTX khi đó đã phát động phong trào "Cắt cỏ khao trâu, đỡ đầu bê nghé". Phong trào được phát động tại các Chi đoàn Thanh niên nhằm huy động thanh thiếu niên tham gia cắt cỏ khao trâu sau mỗi ngày cày bừa. Khi trâu đẻ, các cháu thiếu niên sẽ đảm nhận “đỡ đầu” cắt cỏ non để chăm nghé. Cháu nào cắt được nhiều cỏ sẽ được đội sản xuất theo dõi, ghi tên. Vào dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, các cháu có thành tích được biểu dương, khen thưởng. Phần thưởng khi đó chỉ là gói kẹo hay cái bút chì nhưng đã tạo khí thế thi đua trong chăn nuôi, sản xuất.
Đặc biệt, HTX Tiền Tiến còn tổ chức cuộc thi “nuôi trâu tốt”. Cuộc thi được tổ chức vào dịp tháng 1 âm lịch hằng năm. Trâu được tập trung về sân kho của các đội sản xuất. Ban tổ chức cuộc thi đến từng đội đánh giá, chấm điểm. Ai đạt danh hiệu “nuôi trâu tốt” sẽ được thưởng 30 công/con (khoảng 10 kg thóc). Ngược lại, nhà nào để trâu gầy yếu hoặc chết sẽ bị trừ công và không cho nhận nuôi tiếp.
Phong trào “nuôi trâu tốt” khi ấy cũng được HTX La Tiến triển khai rộng khắp đến các đội sản xuất. Mỗi năm sau 2 vụ làm đất, HTX sẽ họp bình xét trâu tốt, trâu khỏe để khen thưởng. Những năm đầu thì thưởng mỗi người nuôi trâu tốt một chiếc khăn tay, mảnh vải, cái nón lá, sau này thì tính thành công điểm rồi quy ra thóc.
Tuy trâu được khoán cho xã viên nhận chăn nuôi, nhưng cơ chế tập trung quan liêu vẫn tồn tại. Tư tưởng "cha chung không ai khóc" khiến việc chăm trâu nhiều khi được chăng hay chớ nên mùa đông năm nào cũng có trâu chết...
TRƯƠNG HÀ