Tin tức

Nhìn lại tuần đầu tiên của Quốc hội: Nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật

Theo VOV 29/10/2023 17:30

Quốc hội đã kết thúc tuần làm việc bận rộn đầu tiên với nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó, đáng chú ý: Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Quốc hội cũng đã nghe các báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách năm 2023 và các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2021-2025. Các phiên thảo luận sôi nổi ở tổ và bên hành lang Quốc hội, các đại biểu bày tỏ lo lắng khi nghịch lý "nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn". Đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển của kinh tế - xã hội.

nhin lai tuan dau tien cua quoc hoi nghiem tuc, dung quy dinh cua phap luat hinh anh 1

Quang cảnh phiên họp

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi bấp bênh do gặp những "cơn gió ngược", kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Mức tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng vẫn là khá cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị tiếp tục được hoàn thiện; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tích cực hơn. Tuy nhiên, có 5/15 chỉ tiêu không đạt, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt ở năm thứ 3 liên tiếp. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phân tích, để hoàn thành là 10/15 chỉ tiêu theo Nghị quyết 68 của Quốc hội thì 5 chỉ tiêu chúng ta khó và chưa đạt được, liên quan đến chất lượng tăng trưởng. Vấn đề về năng suất lao động thì việc liên kết kết nối giữa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cải thiện thì mới tăng được. Ứng dụng khoa học công nghệ cũng còn hạn chế. Đây là vấn đề mà có lẽ là rất quan tâm để xử lý trong thời gian tới.

Quốc hội thảo luận với quyết tâm rất cao nhưng triển khai thì rất chậm

Tại các tổ thảo luận, hay bên hành lang Quốc hội, các đại biểu bày tỏ "sốt ruột" khi chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19, dù kỳ vọng rất lớn, được Quốc hội thảo luận với quyết tâm rất cao nhưng triển khai thì rất chậm. Đầu tư công tưởng chừng khó không có tiền để chi tiêu, nhưng có tiền rồi vẫn không giải ngân được. Tình trạng nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.

Nhìn nhận trách nhiệm, thảo luận tại tổ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thẳng thắn chỉ rõ: dường như cán bộ của ta luôn "nắm quy định của các văn bản pháp luật không rõ", dẫn đến "sợ trách nhiệm".

Chủ tịch nước khẳng định: "Không truy tới nơi khó chỗ nào? khó làm sao? gỡ như thế nào? Chuyên viên mới khó; Trưởng phòng nói khó; Phó Giám đốc Sở nói khó, cuối cùng tới Giám đốc Sở cũng nói khó; Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Ủy ban cũng nói khó theo. Cuối cùng mọi chuyện nằm tại chỗ, không giải quyết. Chủ tịch nước nghĩ rằng, trước hết từng địa phương phải thực sự làm. Đến những diễn đàn như thế này mà chúng ta vẫn còn than khó, than vướng, than chậm, tháo gỡ không được thì bây giờ người dân biết kêu ai?"

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng phiếu kín đối với 44 chức danh

Nội dung đặc biệt quan trọng trong tuần làm việc đầu tiên, đó là Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng phiếu kín đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm dựa trên những đánh giá toàn diện và thấu đáo của đại biểu quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm. Các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ở khối Quốc hội đều đạt tỷ lệ tín nhiệm cao, điều này cho thấy những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, hiệu quả của Quốc hội thời gian qua. Những ngành, lĩnh vực trực tiếp tác động đến đời sống của người dân, doanh nghiệp như khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, công thương... có số phiếu "tín nhiệm thấp" cao cho thấy đây là những lĩnh vực người dân và các đại biểu Quốc hội đòi hỏi các bộ trưởng, trưởng ngành phải nỗ lực và quyết tâm cao hơn nữa để khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.

nhin lai tuan dau tien cua quoc hoi nghiem tuc, dung quy dinh cua phap luat hinh anh 2

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, đoàn Tây Ninh khẳng định, tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp không quá cao so với tổng số phiếu lấy. Tuy nhiên, đây cũng là những ngành còn khá nhiều vấn đề và Bộ trưởng phải là những người đứng mũi chịu sào và cần phải đề ra các giải pháp hiệu quả hơn. Chính vì vậy, thể hiện việc đánh giá và sự kỳ vọng nhiều hơn, cao hơn đối với các vị Bộ trưởng này trong việc khắc phục những hạn chế của ngành mình, lĩnh vực mình".

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên tin vào bản lĩnh của các Bộ trưởng, cũng như tin vào cách đánh giá công tâm của các đại biểu, cũng như cách nhìn nhận của cả hệ thống chính trị. Đấy là sự nhìn nhận để bước tiếp, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri, của nhân dân và đại biểu. Cuộc bỏ phiếu này chỉ có ý nghĩa khi sau bỏ phiếu đất nước ta tiếp tục phát triển, thúc đẩy. Với Bộ trưởng dày dạn kinh nghiệm được Đảng giao trọng trách, nhân dân tin cậy, đấy là động lực để bước tiếp, bước vững và không phải bước một mình, không đơn độc. Bởi vì nếu làm tốt sẽ được ghi nhận".

Cử tri và nhân dân tin tưởng kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ tác động lan tỏa tới công tác chỉ đạo, điều hành của các thành viên Chính phủ cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt là khả năng điều hành của các "tư lệnh ngành" từ nay đến hết nhiệm kỳ.

Luật Nhà ở (sửa đổi) được quan tâm đặc biệt

Trong tuần đầu tiên các phiên thảo luận ở Hội trường cũng rất sôi nổi khi cho ý kiến vào 6 dự thảo Luật được Quốc hội tiếp thu để thông qua tại Kỳ họp này. Trong đó, đáng chú ý là dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Quy định chặt chẽ hơn việc phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân, nhất là các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, phòng cháy, chữa cháy là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Đặc biệt, ngày 22/10 vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có công điện số 991 về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, đoàn Hải Dương và Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai đề nghị: Trong nhà nhiều căn hộ, nhiều tầng thì phải đảm bảo quy định về pháp luật xây dựng, đảm bảo về mặt thiết kế, tiêu chuẩn về kỹ thuật, đặc biệt pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cấp giấy phép cho các căn hộ này thì phải áp dụng theo pháp luật về đất đai. Chúng ta cần phải quy định chặt chẽ, quản lý đối với loại căn nhà riêng lẻ. Vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân vừa rồi cho thấy rằng khâu quản lý, kiểm tra, giám sát còn yếu mới có những vi phạm kéo dài như vậy. Tôi chưa nói đến việc có tiêu cực hay không, nhưng rõ ràng là phải siết lại khâu quản lý. Phải được kiểm tra và đánh giá sát sao về phòng cháy, chữa cháy về an toàn kỹ thuật".

nhin lai tuan dau tien cua quoc hoi nghiem tuc, dung quy dinh cua phap luat hinh anh 3

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, đoàn Hải Dương

Trong tuần làm việc, Chính phủ cũng đã kiến nghị Quốc hội cho kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết năm 2024. Đồng thời, kiến nghị tổng mức đầu tư Dự án điều chỉnh là 19 nghìn 200 tỷ đồng; lũy kế giải ngân đến thời điểm hiện nay là gần 17 nghìn tỷ đồng. Nhu cầu vốn để tiếp tục thực hiện, hoàn thành Dự án là 2 nghìn 500 tỷ đồng.

Ngày mai (30/10), Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ 2 với nhiều nội dung quan trọng được phát thanh- truyền hình trực tiếp được cử tri và Nhân dân theo dõi. Trong đó, Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Quốc hội dành 2 ngày thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách 2023 và dự năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách giai đoạn 2021-2025. Cũng trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo VOV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn lại tuần đầu tiên của Quốc hội: Nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật