Vừa qua, Tân Hoa xã cáo buộc Google đang tìm cách thâm nhập vào nền văn hóaTrung Quốc và các giá trị của người dân Trung Quốc, thậm chí đã "can thiệp vào côngviệc nội bộ của Trung Quốc".
Ngày 21-3 vừa qua, Tân Hoa xã - Hãng thông tấn chính thức của Nhà nước Trung Quốc (TQ) - phát đi một bài bình luận mà theo trích thuật của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã tố cáo Công ty Internet Google của Mỹ "hoàn toàn bị chính trị hóa" và đang hành xử như một công cụ của Chính phủ Mỹ khi đe dọa rời khỏi thị trường TQ.
Tân Hoa xã còn cáo buộc Google đang tìm cách thâm nhập vào nền văn hóa TQ và các giá trị của người dân TQ, thậm chí đã "can thiệp vào công việc nội bộ của TQ", đồng thời bác bỏ lời tố cáo của Google rằng chính quyền TQ hậu thuẫn các cuộc tấn công tin tặc, coi lời tố cáo này là "vô căn cứ".
Ngày hôm sau, 22/3, Google tuyên bố ngừng hoạt động công cụ tìm kiếm Internet của họ tại TQ và chuyển dịch vụ này sang Hongkong (tại địa chỉ google.com.hk). (Google chỉ đóng cửa công cụ tìm kiếm tại địa chỉ google.cn nhưng vẫn duy trì hệ thống kỹ thuật và các cơ sở kinh doanh quảng cáo của họ tại TQ cũng như các dịch vụ âm nhạc và bản đồ trên công cụ tìm kiếm google.cn).
Tuyên bố nói trên của Google không làm người ta ngạc nhiên, vì đó là kết cục tất yếu của "cuộc chiến tranh Internet" mà Google là người khai chiến. Đài RFI đêm 18-3 dẫn lại một bài báo đăng trên tờ Libération (Pháp) với lời tiên đoán "99% khả năng Google rời TQ", nói rằng ngày 13/1, Google tuyên bố ý định rút khỏi TQ với lý do, theo nguyên văn trích dẫn của RFI, "tập đoàn này là nạn nhân của các vụ tấn công tin học và bị đội ngũ công an cyber của TQ kiểm duyệt".
Như vậy, việc Google tuyên bố ngừng hoạt động công cụ tìm kiếm trên Internet của họ tại TQ chỉ là, như người ta thường nói, "giọt nước làm tràn ly nước".
Cái "ly nước" tượng trưng cho quan hệ giữa Google và TQ mà thực chất là giữa Mỹ và TQ không thể không "tràn" một khi không bên nào chịu bên nào trong cuộc khẩu chiến cáo buộc lẫn nhau suốt hơn hai tháng qua.
Đặc phái viên nhật báo La Repubblica (Italia) tại Bắc Kinh, theo trích thuật của TTXVN, đã nhận xét rằng: "Cuộc chiến tranh Internet đầu tiên giữa 2 siêu cường là Mỹ và TQ đã tạm kết thúc với tỉ số hòa". "Hòa" là vì, vẫn theo phái viên La Repubblica, Bắc Kinh một mặt không lùi bước trong chế độ kiểm duyệt của mình, mặt khác có thể hãnh diện nêu cao vai trò của mạng tìm kiếm Baidu, biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc Internet "made in China"; còn Washington thì vẫn duy trì được những quan điểm và chính sách của mình về tự do ngôn luận trong một thế giới toàn cầu, đồng thời, nhờ "sự lựa chọn hoàn hảo" của Google với việc chuyển hệ thống sang Hongkong, vẫn duy trì được sức mạnh của mình và buộc TQ phải lui vào thế "tự vệ trong bức tường điện tử của mình".
Dẫu là "hòa" theo quan điểm của tờ La Repubblica, nhưng đã là chiến tranh, dù là "chiến tranh trên các màn hình máy tính" như lời mô tả của báo Pháp Libération, thì các bên tham chiến đều bị thua thiệt.
Trong một bài bình luận phát đi đêm 24/3, Đài BBC cho rằng quyết định của Google là "cú giáng trời đánh đối với hình ảnh của TQ trên trường quốc tế". Điều này, theo giải thích của BBC, có nghĩa một trong các tập đoàn lớn nhất thế giới nay quay lưng lại với chính sách kiểm soát Internet của Chính phủ TQ.
Về phần mình, Google chắc chắn bị thiệt hại không nhỏ về kinh doanh, vì TQ là thị trường Internet lớn nhất thế giới với gần 400 triệu người dùng mà thị trường tìm kiếm trên mạng của TQ tăng trưởng tới 40%/năm. Thế là, sau hơn 4 năm rất vất vả đáp ứng các yêu cầu kiểm duyệt kể từ khi thâm nhập thị trường TQ năm 2006, gã khổng lồ tìm kiếm Google đành để tuột phần lớn thị trường cho đối thủ Baidu (công cụ tìm kiếm của TQ). Đau hơn, tham vọng toàn cầu hóa của Google đã bị chặn lại.
Dẫu biết là thiệt, nhưng cả hai bên đều không chịu lùi và quan hệ của họ đổ vỡ.
TQ kiên quyết bảo vệ luật chơi của mình mà suy cho cùng là để bảo đảm an ninh quốc gia. Theo "luật chơi" của TQ, công cụ tìm kiếm bằng tiếng Trung của Google (tại địa chỉ google.cn) buộc phải có chức năng tự kiểm duyệt để "lọc" những kết quả tìm kiếm được liệt vào loại "nhạy cảm".
Trong "đời sống số" hiện nay, người ta quá hiểu sự lợi hại của mạng thông tin toàn cầu Internet. Một vài mạng xã hội đã đóng vai trò hỗ trợ quan trọng như thế nào trong các cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức để phản đối kết quả bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi ở Iran năm ngoái. Không phải ngẫu nhiên mà đầu tháng 3 vừa rồi Mỹ quyết định nới lỏng trừng phạt thương mại với Iran, Cuba và Sudan, vốn bị Mỹ coi là thù địch, để các hãng công nghệ Mỹ được phép xuất khẩu sang 3 nước này các dịch vụ liên quan đến trình duyệt web, blog, e-mail, nhắn tin, chat, mạng xã hội... nhằm giúp "dịch vụ mạng và các nhóm đối lập" như tường trình của Đài BBC.
Nếu chỉ thuần túy vì mục đích kinh doanh, làm sao Google lại giãy nảy lên phản ứng trước việc e-mail của "các nhà hoạt động nhân quyền" tại TQ đã bị tấn công, xâm nhập và đánh cắp thông tin?
Đài BBC đêm 24/3 dẫn lời một quan chức TQ giấu tên phụ trách quản lý Internet nói với Tân Hoa xã: "Google đã vi phạm cam kết đưa ra khi bước vào thị trường TQ. Điều này hoàn toàn sai trái. Chúng tôi trước sau phản đối việc chính trị hóa lĩnh vực kinh doanh và bày tỏ sự bất bình trước các cáo buộc và hành vi của Google".
Chính nhật báo La Repubblica, vẫn theo trích thuật của TTXVN, phải thừa nhận rằng sự kiểm duyệt của TQ là "lựa chọn khôn ngoan". Báo này viết: "Không phải TQ mà là châu Âu và Mỹ phải thay đổi luật chơi để đạt được các lợi ích kinh tế và dân chủ. Cuộc đấu với người khổng lồ về kiểm duyệt châu Á đang trong một giai đoạn đầy rủi ro. Bắc Kinh không chỉ cho Washington thấy là họ có thể "sống khỏe" mà không cần Google, mà còn có thể phát triển phồn thịnh mà không cần đếm xỉa đến những nguyên tắc về dân chủ đã được đưa ra và ca ngợi trong hơn 2 thế kỷ qua".
TQ có lý của họ.
An ninh và chủ quyền quốc gia không phải là thứ có thể đem ra thương lượng.
(Theo TTXVN)