Nhìn bằng… trái tim

30/11/2015 07:42

Hẳn nhiều người khi nhắc đến trẻ em khiếm thị sẽ nghĩ các em chỉ mãi quẩn quanh với bóng tối nhưng tiếp xúc, trò chuyện với các em, có lẽ suy nghĩ sẽ thay đổi.




Những trẻ em khiếm thị cố gắng phấn đấu, nỗ lực vượt lên chính mình
để xóa bỏ tự ti, mặc cảm, sống hòa nhập với cộng đồng


Khi nhắc đến trẻ em khiếm thị, hẳn nhiều người sẽ nghĩ cuộc đời của các em chỉ mãi quẩn quanh với bóng tối, với sự tuyệt vọng, chán nản nhưng nếu được tiếp xúc, trò chuyện với các em, có lẽ suy nghĩ của họ sẽ thay đổi.

Những mảnh đời khác nhau...

“Hôm trước, em mơ thấy đôi mắt mình nhìn rõ ánh sáng, từng màu của lá cây, màu của bầu trời đấy! Lúc đó, em hạnh phúc lắm, khi tỉnh dậy cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ!”.

Em Nguyễn Đức Thuấn 11 tuổi ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) có 4 anh chị em thì 3 người không nhìn thấy ánh sáng. Tuổi thơ của Thuấn là những tháng ngày theo cha mẹ ngược xuôi khắp các bệnh viện với hy vọng đôi mắt có thể nhìn thấy. Mọi nỗ lực, cố gắng dường như thất bại cho đến khi em được phẫu thuật thay thủy tinh thể trên Hà Nội. Tuy vậy, cuộc phẫu thuật ấy cũng chỉ giúp Thuấn phân biệt được những khoảng sáng, tối. Biết hoàn cảnh của Thuấn, các cán bộ của Hội Người mù TP Hải Dương đã vận động gia đình cho em đến sinh hoạt và học tập tại Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục dạy nghề và tạo việc làm cho người mù (Hội Người mù tỉnh). Ban đầu, bố mẹ Thuấn không đồng ý vì không nỡ rời xa đứa con bé bỏng nhưng nhờ sự kiên trì của các cán bộ hội, nên cuối cùng gia đình em cũng chấp thuận. 6 tuổi, Thuấn rời vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ để đến với một môi trường hoàn toàn mới.

Ngay từ khi lọt lòng, em Nguyễn Thị Thu Hương 15 tuổi ở phường Cộng Hòa (Chí Linh) đã không thể nhìn thấy ánh sáng. Cũng giống như Thuấn, ấn tượng về năm tháng tuổi thơ của Hương là những chuyến đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác với hy vọng mong manh của bố mẹ em rằng sẽ có một phép nhiệm màu nào đó đến với cô con gái bé bỏng của mình. Phép nhiệm màu đã không xảy ra, mọi sự nỗ lực, cố gắng của bố mẹ Hương không thể thay đổi được sự thật nghiệt ngã. Dù xung quanh chỉ là những khoảng tối nhưng chưa bao giờ cô bé Hương tỏ ra sợ hãi. Em thường tự mình bước đi. Có những lúc ngã dúi dụi nhưng em không hề khóc mà đứng lên bước tiếp. Gia đình Hương cũng mong mỏi tìm cho em một ngôi trường phù hợp để em có thể đi học như bao bạn bè cùng trang lứa. Vì thế, khi các cán bộ Hội Người mù thị xã Chí Linh đến vận động, gia đình Hương đã đồng ý vì cha mẹ em đều tin rằng con gái mình sẽ sớm tự lập và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Chung một mái nhà

Những ngày tháng đầu tiên sinh hoạt và học tập ở Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục dạy nghề và tạo việc làm cho người mù, dù được ở cùng phòng với anh trai nhưng nỗi nhớ nhà của cậu bé Thuấn không hề vơi bớt. Nhiều khi giữa đêm, em thảng thốt giật mình nhớ vòng tay của mẹ. Nỗi nhớ nhà ùa về khiến cho có lúc em chỉ muốn rời trung tâm để về với gia đình. Còn với Hương, thời gian đầu mỗi khi bố mẹ gọi điện là em lại khóc, tiếng nói ấm áp, thân thương của bố mẹ theo em cả vào trong giấc ngủ. Nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ người thân chỉ là khởi đầu của những khó khăn mà những đứa trẻ ở đây phải trải qua.

Tuy được các cán bộ quản sinh chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, nhưng khi bước chân vào trung tâm các em cũng phải học dần tính tự lập. Tại lớp học tiền hòa nhập, các em sẽ được học các kỹ năng cơ bản như việc xác định phương hướng đi lại, tự gấp quần áo, tự cầm đũa, cầm thìa ăn cơm... Những bậc cầu thang, những cánh cửa và nhiều chướng ngại vật khiến các em không ít lần vấp ngã. Nhưng sau mỗi cú ngã ấy, các em không nản chí mà tự mình đứng lên, tự bước đi mà không cần ai chỉ lối, đưa đường. Nhiều người thán phục khi thấy bước chân các em thoăn thoắt trên những bậc cầu thang, khéo léo tránh chướng ngại vật, nhưng họ đâu biết rằng sau mỗi bước đi ấy là cả một hành trình của sự nỗ lực, kiên trì không ngừng nghỉ. Đến giờ ăn, các em đều ngoan ngoãn tự cầm thìa xúc ăn, không có cảnh hờn dỗi, nũng nịu như nhiều bạn cùng trang lứa.

Sau khi học ở lớp tiền hòa nhập, trẻ em khiếm thị bắt đầu được học chữ nổi Braille. Những ngày đầu chấm những chấm nhỏ theo nét, Thuấn thường xuyên làm rách giấy, nhưng khi được hỏi lúc ấy có bao giờ em thấy chán nản không, Thuấn nhoẻn miệng cười: “Chưa bao giờ em thấy chán nản, mỗi khi khó khăn quá, em lại nhớ đến lời động viên của bố mẹ. Em nghĩ bố mẹ vất vả thì mình càng phải cố gắng”. Còn với Hương, hiện nay em đang học lớp 8 cùng với các bạn ở Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Hải Dương). Khi học hòa nhập, Hương cũng như những học sinh khiếm thị khác chủ yếu học bằng... tai. Các em tập trung cao độ lắng nghe những lời giảng của giáo viên trên lớp và thường xuyên nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các bạn. Khó khăn nhất đối với học sinh khiếm thị chính là những bộ môn thuộc khối tự nhiên như toán, vật lý, hóa học bởi những môn học này đòi hỏi sự tư duy trừu tượng, hoặc trí tưởng tượng về các hình vẽ… Biết được điểm yếu này nên trên lớp mỗi khi có chỗ nào chưa hiểu, Hương đều hỏi ngay thầy cô. 6 năm liền, Hương đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh tiên tiến. Với các giáo viên, niềm vui khi dạy học sinh khiếm thị không phải là bảng thành tích học tập tốt mà đôi khi chỉ mong các em xóa được sự tự ti, mặc cảm, sống hòa nhập với cộng đồng.

Dưới mái nhà của trung tâm, 60 em nhỏ khiếm thị gắn bó với nhau như anh em trong gia đình. Có dịp về nhà, các em lại mang theo những món quà quê dân dã để chia sẻ cùng nhau. Những em nhỏ ngồi đọc cho nhau nghe câu chuyện cổ tích, những em lớn hơn kể cho nhau nghe tâm sự, hoài bão và ước mơ. Có lần tôi đã được dự lễ khai giảng của trung tâm và thực sự xúc động khi thấy những đôi bàn tay bé nhỏ của các em run rẩy nắm chặt lấy nhau như để tìm sự quyết tâm, cất cao từng lời ca, tiếng hát. Để có giây phút ấy, các em đã phải tự mình trải qua hành trình đầy gian khó, vượt qua chính mình, xóa bỏ mặc cảm. Cuộc sống của các em vẫn tràn ngập những âm thanh sôi động và đầy đủ sắc màu trong chính tưởng tượng của các em. Em Hương vui vẻ khoe với tôi: “Hôm trước, em mơ thấy đôi mắt mình nhìn rõ ánh sáng, từng màu của lá cây, màu của bầu trời đấy! Lúc đó, em hạnh phúc lắm, khi tỉnh dậy cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ!”. Còn Thuấn thì bảo sau này em muốn trở thành giáo viên dạy chuyên biệt như những thầy cô ở trung tâm.

Có lẽ với trẻ em khiếm thị, những ước mơ được nhìn thấy cuộc sống ngoài kia, được thấy gương mặt của những người thân thương là ước mơ chưa bao giờ cũ. Các em lắng nghe từng thanh âm của cuộc sống, cảm nhận bằng đôi tai và đôi tay. Tuy không nhìn thấy nhưng tôi tin thế giới của các em cũng phong phú, ngập tràn ước mơ như những em nhỏ khác, khi các em đang nhìn cuộc sống bằng chính… trái tim mình.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nhìn bằng… trái tim