Nhiều ý kiến phản biện xác đáng

20/06/2018 10:10

Các đồng chí Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh, thành viên các Hội đồng tư vấn của tỉnh… đã thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến tham gia vào dự thảo 4 tờ trình.


Ông Hoàng Điển Phan, Chủ tịch danh dự Hội Nghề nghiệp y tế tư nhân tỉnh góp ý kiến vào việc hỗ trợ kinh phí hỏa táng


Ngày 18.6, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện về 4 dự thảo tờ trình dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XVI sắp tới. 
Tại hội nghị, các đồng chí Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh, thành viên các Hội đồng tư vấn của tỉnh, chuyên gia ở một số lĩnh vực… đã thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến tham gia vào dự thảo 4 tờ trình.

Hỗ trợ chi phí thực hiện hỏa táng

Về dự thảo tờ trình “Hỗ trợ chi phí thực hiện hỏa táng trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, các ý kiến cho rằng 2 mức hỗ trợ gồm 2 triệu đồng và 4 triệu đồng áp dụng cho từng nhóm đối tượng còn thấp, chưa cụ thể. Cần bổ sung thêm một số đối tượng như hộ nghèo, hộ cận nghèo, người sống đơn thân không nơi nương tựa, gia đình cùng lúc có nhiều người chết do tai nạn… Cần chia nhỏ từng đối tượng, quy định rõ mức hỗ trợ, phấn đấu ít nhất bằng mức hỗ trợ mà tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện (6,5 triệu đồng/trường hợp). “Sau khi HĐND tỉnh có nghị quyết phải nhanh chóng có văn bản hướng dẫn thực hiện và làm thế nào để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống vì thời gian thực hiện hỗ trợ chỉ kéo dài 2năm 2019-2020”, ông Phạm Trung Thanh, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh nói.

Một số ý kiến cho rằng trong hỗ trợ chi phí thực hiện hỏa táng cần đơn giản thủ tục hành chính. Đài hóa thân hoàn vũ Hải Dương phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi đã thực hiện hỏa táng thì không nên quy hoạch, mở rộng thêm nghĩa trang ở các địa phương mà cần nghiên cứu xây dựng tháp đựng tro cốt của người dân để bảo đảm tiết kiệm, văn minh. “Nếu đã hỏa táng thì không có chuyện chôn, không nên tốn thêm diện tích”, ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến.

Quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế

Về dự thảo tờ trình “Quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với các đối tượng tham gia BHYT, bảo hiểm xã hội tự nguyện được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, các ý kiến đều cơ bản đồng tình việc ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ BHYT đối với 3 nhóm đối tượng là: người thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác và người thuộc hộ cận nghèo theo Quyết định số 797 của Chính phủ được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp mức sống trung bình được hỗ trợ 50%.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng băn khoăn một số vấn đề như tại sao việc hỗ trợ trên chỉ kéo dài đến năm 2020? Tờ trình vẫn chưa quy định cụ thể các đối tượng khi chuyển từ nhóm này sang nhóm kia? Người cao tuổi từ 60-80 muốn được hỗ trợ tham gia BHYT thì giải quyết thế nào?... Ông Nguyễn Văn Thu, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đặt câu hỏi: “Người thuộc hộ nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình liệu có áp dụng được không? Đã có cơ quan nào thống kê số lượng những hộ này chưa? Lấy tiêu chí nào xác định gia đình sản xuất nông nghiệp có thu nhập trung bình?”…

Trả lời những băn khoăn trên, đại diện Sở Tài chính cho biết từ năm2017 tỉnh ta tự cân đối ngân sách. Sở đã phải cân nhắc rất thận trọng việc đề xuất thời gian hỗ trợ để ổn định ngân sách giai đoạn từ nay đến năm 2020. Bước vào giai đoạn 2020-2025, căn cứ vào tình hình thực tế ngành tài chính sẽ tiếp tục đề xuất thời gian hỗ trợ. Việc luân chuyển các nhóm đối tượng sẽ không gặp khó khăn vì đã có quy định cụ thể; về xác định mức sống của các hộ nông, lâm, ngư nghiệp căn cứ theo Thông tư số 02 năm 2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như các văn bản nhà nước có liên quan. Việc nâng mức hỗ trợ tăng thêm mức đóng BHYT cho hộ nông, lâm, ngư nghiệp phải rất thận trọng vì nhóm đối tượng này ở tỉnh ta hiện khá đông. Nếu bây giờ hỗ trợ ở mức cao thì sau này giảm sẽ rất khó…

Nhân rộng mô hình giảm nghèo

Tờ trình về “Quyết định mức hỗ trợ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo và hỗ trợ công tác quản lý về giảm nghèo ở cấp xã giai đoạn 2018 – 2020 trên địa bàn tỉnh” cũng nhận được nhiều ý kiến tại hội nghị phản biện. Theo nội dung tờ trình, mỗi mô hình, dự án khi thực hiện sẽ được hỗ trợ trung bình 300 triệu đồng; mỗi hộ nghèo và hộ cận nghèo hoặc hộ mới thoát nghèo tham gia dự án được hỗ trợ lần lượt là 7 triệu đồng và 5 triệu đồng/hộ. 

Các ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo tờ trình, song đề nghị làm rõ những cơ sở để đưa ra định mức hỗ trợ, quy trình thủ tục thực hiện mô hình, dự án; đánh giá về những mô hình đã và đang thực hiện để nhìn rõ được những tác động đối với xã hội, từ đó có cách tính toán mức hỗ trợ kinh phí cho phù hợp. Khi triển khai các mô hình, dự án cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng trục lợi, huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức, đơn vị… 

Bên cạnh 3 nội dung nêu trên, tờ trình về “Chương trình phát triển nhà ở Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” cũng nhận được sự quan tâm của một số chuyên gia.

Trên cơ sở ý kiến tham gia, đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị các cơ quan tham mưu xây dựng tờ trình cần tiếp thu, chỉnh sửa cho phù hợp. MTTQ tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến tham gia của các đại biểu để báo cáo lãnh đạo tỉnh.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều ý kiến phản biện xác đáng