Hàng trăm cán bộ, giáo viên và hàng nghìn học sinh ở 14 trong tổng số 30 trường mầm non phải giảng dạy, học tập tại các điểm lẻ với cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ...
25 trẻ ở điểm trường thôn Bích Cẩm, xã Quang Phục phải học trong căn nhà cấp 4 rộng chỉ 12 m2
Chưa xây dựng được điểm trường tập trung, hàng trăm cán bộ, giáo viên và hàng nghìn học sinh ở 14 trong tổng số 30 trường mầm non trên địa bàn huyện Tứ Kỳ vẫn phải giảng dạy, học tập tại các điểm lẻ với cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ, xuống cấp...
Năm 2008, xã Quang Phục quy hoạch khu đất nằm cạnh đường 391 rộng 6.700 m2 để xây dựng trường mầm non tập trung (MNTT). Theo quy hoạch chi tiết đã được UBND huyện phê duyệt, trường có 2 dãy nhà 2 tầng, 12 phòng học, nhà hiệu bộ, nhà ăn, khu sân chơi và các công trình phụ trợ khác, tổng kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã 9 năm trôi qua, dự án xây dựng trường MNTT của xã này vẫn chỉ nằm... trên giấy. Ông Phạm Khắc Lâm, Chủ tịch UBND xã Quang Phục cho biết: “Ngoài việc xin hỗ trợ từ cấp trên, xã dự kiến sẽ bán đấu giá khoảng 100 lô đất ở hai thôn Đồng Tràng và Thái An để lấy kinh phí xây dựng trường MNTT. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương gần như dậm chân tại chỗ nên không có kinh phí để triển khai thi công”.
Chưa có tiền xây dựng trường MNTT, cán bộ, giáo viên và gần 400 trẻ của Trường Mầm non Quang Phục hiện đang phải giảng dạy, học tập ở 5 điểm lẻ với cơ sở vật chất vừa thiếu, vừa yếu. Cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng nhà trường than vãn: “Chúng tôi có tới 10 trong tổng số 14 nhóm lớp phải đi học nhờ nhà văn hóa các thôn và Trạm Y tế xã, thiếu thốn đủ bề. Các nhóm lớp còn lại đều là nhà cấp 4 chật chội, dột nát, trong đó 2 nhóm lớp ở thôn Thái An do xuống cấp quá nghiêm trọng nên nhà trường đã phải đóng cửa".
Xã Nguyên Giáp cũng đã quy hoạch điểm trường mầm non tập trung từ cách đây 4 năm tại thôn An Quý trên diện tích 4.000m2. Tuy nhiên đến nay xã vẫn chưa thể triển khai được cũng vì "đói" vốn. Theo cô giáo Đỗ Thị Lý, Hiệu trưởng nhà trường, bao năm nay cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường phải dạy, học tại 6 điểm lẻ ở các thôn trong điều kiện cơ sở vật chất vừa chật chội, vừa xuống cấp. Mấy trận mưa vừa qua, lớp học tại điểm trường ở phố Quý Cao và thôn An Tân bị dột, nước ngập lênh láng khắp phòng. Do thiếu phòng học nên từ nhiều năm nay Trường Mầm non Nguyên Giáp phải mượn thêm nhà văn hóa của các thôn và nhà dân để làm phòng học, văn phòng làm việc. Hằng năm trường đều phải huy động các nguồn lực từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp các điểm trường, phòng học đi mượn. Ông Bùi Viết Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nguyên Giáp cho biết: Địa phương không biết xoay xở thế nào trong việc giải quyết những khó khăn liên quan đến cơ sở vật chất giáo dục. Cũng rất hiểu, thông cảm cho cô và trò trường mầm non nhưng quả thực ngân sách địa phương hạn hẹp, việc đề nghị cấp trên hỗ trợ cũng còn phải chờ. Ngoài trường mầm non, hiện tại 2 điểm trường tiểu học của xã cũng đang cần vốn để tu sửa. Trong khi dãy nhà lớp học của trường cấp 2 đã xây dựng từ năm 2012 mà đến nay vẫn còn dang dở vì không có vốn.
Nhiều xã ở huyện Tứ Kỳ hiện đã có mặt bằng để xây dựng trường MNTT nhưng lại bí vốn. Bên cạnh đó, một số địa phương dù đã “chọn” được địa điểm quy hoạch xây dựng trường MNTT nhưng cũng chưa có kinh phí giải phóng mặt bằng. Theo ông Phạm Xuân Ngải, Chủ tịch UBND xã Hà Thanh, địa phương dự kiến quy hoạch khu đất ruộng rộng 6.000m2 nằm phía trước UBND xã để xây dựng trường MNTT. Các hộ dân đều đồng tình với phương án giải phóng mặt bằng nhưng cái khó là hiện giờ xã không lấy đâu ra kinh phí để thực hiện.
Ông Trần Văn Khái, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ cho biết cơ sở vật chất giáo dục của địa phương đang thuộc diện yếu kém nhất tỉnh, đặc biệt là ở ngành học mầm non. Nhiều xã như Nguyên Giáp, Hưng Đạo, Dân Chủ, Quang Phục, Phượng Kỳ, Hà Thanh... do trường MNTT chưa được xây dựng nên cán bộ, giáo viên, học sinh phải giảng dạy, học tập phân tán. Nhiều trường phải mượn tạm nhà dân, nhà văn hóa, trạm y tế. Các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ không được bảo đảm do lớp học chật chội, dột nát, xuống cấp.
Cũng theo ông Khái, trong bối cảnh khó khăn như trên, việc xây dựng trường MNTT cần được triển khai ngay. Nhưng để xây dựng 14 trường mầm non còn lại theo quy mô tập trung cần nguồn kinh phí rất lớn. Thời gian tới, phòng sẽ tham mưu ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ xây dựng trường MNTT cho những xã đã có mặt bằng “sạch”. Đồng thời, đôn đốc ngành chuyên môn và các địa phương đẩy nhanh việc xử lý đất dôi dư, xen kẹp, đấu giá quyền sử dụng đất để lấy tiền xây dựng trường MNTT. “Các địa phương sẽ phải tích cực huy động mọi nguồn lực, nhưng nếu không có sự quan tâm đầu tư kịp thời của Nhà nước thì việc xây dựng các trường MNTT sẽ khó mà thực hiện được”, ông Khái nói.
BÌNH MINH