Nhiều vấn đề "nóng" của ngành xây dựng được chất vấn tại Quốc hội

05/06/2019 13:57

Sáng 5.6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng.


Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu chất vấn trong cuối buổi chiều 4.6, trong đó có vấn đề quá nhiều nhà cao tầng được xây dựng với mật độ rất cao tại các khu đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, gây nhiều hệ lụy cho xã hội, tình trạng lạm dụng, chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư; khu du lịch tâm linh, chùa chiền vài trăm hécta nhưng nhà đầu tư được cấp đến vài nghìn hécta...

Có hay không hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư

Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho biết theo điều 176 của Luật Nhà ở, thanh tra xây dựng có trách nhiệm thanh tra việc quản lý nhà ở, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về nhà ở.

Đại biểu nêu câu hỏi Bộ trưởng, cơ quan thanh tra xây dựng đã thanh tra và có phát hiện việc yêu cầu ký lại hợp đồng mua, bán tòa nhà chung cư, vì vốn dĩ hợp đồng này đã bị vô hiệu hóa do phần diện tích sử dụng chung vốn là của cư dân nhưng hiện nay chủ đầu tư đã chiếm hay không? Việc chuyển cho cơ quan điều tra hình sự xử lý về tội lạm dụng tín dụng quỹ bảo trì tòa chung cư như thế nào?

Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết trên thực tế, trong báo cáo năm 2018 và 5 tháng năm 2019, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra 92 dự án chung cư, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5,5 tỷ đồng và yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 20 chủ đầu tư có hành vi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1,3 tỷ đồng, yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả đối với 11 chủ đầu tư không bàn giao hoặc chậm, bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì 2% nhà chung cư cho Ban quản trị.

Hiện nay, theo thống kê của Bộ Xây dựng, chưa địa phương nào chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra hình sự về việc này.

Chưa hài lòng với câu trả lời trên, đại biểu Nguyễn Mai Bộ tranh luận lại, hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư đã cấu thành tội phạm.

"Việc thanh tra Bộ Xây dựng không phát hiện ra chứng tỏ, hoặc là năng lực pháp luật của thanh tra yếu, hoặc là không làm hết trách nhiệm. Do vậy, tôi đề nghị nếu thanh tra xây dựng không phát hiện được việc đó thì mời ít nhất ba đại biểu Quốc hội tham gia thanh tra cùng," đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói.

Đối với vấn đề tự ý chuyển đổi công năng, đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng, đây là câu chuyện hợp đồng vô hiệu theo Điều 126, 127 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, phần biến diện tích chung thành của mình là phần vô hiệu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nhìn nhận lại vấn đề này để bảo vệ quyền lợi cho người nghèo, chứ không phải là bảo vệ quyền lợi chủ đầu tư là người giàu.

"Dân chiếm đoạt 5 triệu đồng thì xử hình sự, chủ đầu tư hiện chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng một quỹ bảo trì ở chung cư thì không bị xử lý hình sự," đại biểu Nguyễn Mai Bộ nêu ý kiến.

Tính toán lại mật độ quy hoạch đô thị

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết theo báo cáo chuyên đề của Quốc hội về quy hoạch thì mật độ quy hoạch đô thị của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được điều chỉnh từ 24,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20,33 tầng lên đến 40 tầng, đã làm phá vỡ quy hoạch tổng thể của đô thị, gây quá tải cho quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu quan điểm của Bộ Xây dựng.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, hiện nay có hiện tượng nhà đầu tư bất động sản ở nước ngoài và người nước ngoài móc nối với một bộ phận người Việt Nam mua bán, chuyển nhượng bất động sản trái phép, tức là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bất động sản. Đại biểu đề cập đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong vấn đề này.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải điều chỉnh về chiều cao tầng và mật độ trong nội đô, tuân thủ quy hoạch chung xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong trường hợp do đòi hỏi thực tiễn địa phương cần điều chỉnh thì phải lập hồ sơ điều chỉnh theo đúng quy định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đầu tư tập trung đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông, để đáp ứng yêu cầu và tránh quá tải về hạ tầng.

Nêu quan điểm đối với vấn đề người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết pháp luật đã có quy định về việc cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã có hướng dẫn quy định về khu vực cần bảo đảm an ninh quốc phòng để quản lý về vấn đề này, trong đó có khu vực được phép sở hữu đối với người nước ngoài.

Quy định pháp luật hiện hành không cho phép người Việt Nam đứng tên thay người nước ngoài sở hữu nhà ở. Theo đánh giá của Bộ Công an, trên thực tế có có hiện tượng này nhưng chưa nắm được số lượng và danh tính cụ thể.

Về giải pháp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các địa phương làm rõ tình hình và đề xuất hướng xử lý, trước mắt đề nghị các địa phương tăng cường quản lý, nắm chắc tình hình giao dịch bất động sản, tình hình cư trú của người nước ngoài tại địa phương và có giải pháp phù hợp.

Chấn chỉnh việc quy hoạch các khu du lịch tâm linh

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nêu chất vấn rất nhiều cử tri quan tâm và nhiều báo đã viết về tình trạng khu du lịch tâm linh, chùa chiền vài trăm hécta nhưng nhà đầu tư được cấp đến vài nghìn hécta, có những trường hợp được cấp chục nghìn hécta, có sự nhập nhằng giữa công và tư.

Có ý kiến cho rằng nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư, nhưng Nhà nước bỏ ra chục ngàn hécta đất đai rừng biển là có sự đầu tư lớn tài sản công ở đây, và sau đó thuộc quyền kiểm soát của nhà đầu tư tư nhân.

Đại biểu đưa ra câu hỏi: “Thứ nhất, vấn đề quy hoạch những khu du lịch tâm linh với diện tích lớn vậy chúng ta có kiểm soát được không? Thứ hai, việc khai thác có công bằng hợp lý không và đúng pháp luật hay không?”

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay, việc đầu tư xây dựng khu du lịch, trong đó có khu du lịch tâm linh được điều chỉnh ở các văn bản pháp luật về đất đai, tín ngưỡng tôn giáo, di sản văn hóa, xây dựng đầu tư, Luật Quy hoạch, pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển rừng.

Nhieu van de 'nong' cua nganh xay dung duoc chat van tai Quoc hoi hinh anh 2
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Có một số công cụ quản lý, kiểm soát là Luật Du lịch có quy định phải lập quy hoạch khu du lịch tại địa phương. Luật Đất đai quy định UBND cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt để quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng quy định việc cải tạo nâng cấp xây dựng mới cơ sở tôn giáo, công trình tín ngưỡng được quy định theo pháp luật về xây dựng. Trong pháp luật về xây dựng có quy định về khu chức năng, trong đó có khu du lịch phải lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết với các khu có diện tích từ 500 ha trở lên. Công trình tôn giáo thuộc loại công trình được cấp phép xây dựng.

Trong hồ sơ cấp phép xây dựng phải có bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của đất đai, bản sao giấy tờ quy hoạch dự án, quyết định đầu tư của người quyết định đầu tư theo thẩm quyền, văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở địa phương.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định nếu các địa phương thực hiện đúng, đủ các quy định trên thì sẽ kiểm soát được việc đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh, tránh được các hiện tượng như đại biểu nêu. Bộ Xây dựng sẽ bổ sung quy định để đảm bảo sử dụng đất hợp lý trong quy hoạch các khu du lịch.

Tranh luận lại với trả lời của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết cử tri và nhiều báo chí nêu có sự nhập nhằng giữa các dự án tâm linh và dự án du lịch. Có những bài báo rút tít "dân nghèo không có tiền thì không đi chùa được, vì rất nhiều khâu dịch vụ phải đóng tiền."

Theo đại biểu, trong quản lý về phân bổ tài nguyên đất đai, Điều 30 Luật Đầu tư công quy định: đất đai, rừng phòng hộ 50 ha trở lên, rừng sản xuất 1.000 ha trở lên, việc di dân 20.000 người trở lên được siết rất chặt.

Đại biểu băn khoăn "vậy thì đầu tư tư nhân có kiểm soát chặt như vậy hay không, và việc phân bổ hàng chục nghìn ha của các dự án này có hợp lý hay không, chưa kể những đầu tư khác như điện, đường mà Nhà nước đã đầu tư vào khu vực này"./.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều vấn đề "nóng" của ngành xây dựng được chất vấn tại Quốc hội