Cuối buổi sáng 5.12, Hội nghị lần thứ 11 (lần 1) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI chia 4 tổ thảo luận.
Đã có 34 lượt ý kiến phát biểu phân tích, làm rõ thêm nội dung các tờ trình, báo cáo tại hội nghị.
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Chung
Sản xuất nông nghiệp gặp bất lợi
Một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm về tình hình sản xuất nông nghiệp không đạt kế hoạch đề ra do yếu tố thời tiết, giá cả ngành chăn nuôi thủy sản xuống thấp, vải thiều mất mùa, năng suất vụ mùa đạt thấp... Có ý kiến đề nghị cần đánh giá cụ thể để hỗ trợ kịp thời. Có ý kiến nhận định giá trị thực của nông nghiệp giảm sâu, trồng trọt và chăn nuôi đều giảm, giảm kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Một số ý kiến cho rằng đề án tái cơ cấu nông nghiệp rất đúng, trúng và được sự đồng thuận của nhân dân nhưng cơ chế đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng, chưa kịp thời để tạo ra động lực để phát triển.
Có ý kiến cho rằng hiện nay chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, cần tổ chức các hội chợ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu để giới thiệu, quảng bá sản phẩm; quan tâm đến công tác kết nối thông tin mới đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Cần đánh giá sâu hơn về kết quả và khó khăn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, đề nghị cần phải bổ sung thêm vốn hỗ trợ, nếu chỉ có 5 tỷ đồng/xã thì những xã nghèo còn rất khó khăn khi hoàn thành các tiêu chí.
Tỉnh cần có quan điểm cụ thể như: sản xuất nông nghiệp sạch cần phải có diện tích lớn, sản xuất phải ổn định về sản lượng; sản xuất tập trung cùng chủng loại ở 1 huyện. Một số ý kiến đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đến cơ cấu giống, cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp sang mô hình trồng cây ăn quả (như cam, bưởi da xanh) do hệ số sử dụng đất, sản lượng đã cơ bản đến ngưỡng. Tuy nhiên trước khi đưa các giống mới đề nghị các địa phương phải quan tâm đến vấn đề sâu bệnh, năng suất. Có ý kiến cho rằng cần có quy hoạch các điểm rau, thịt, hoa... cụ thể trong quy hoạch ngành nông nghiệp đến năm 2030 vì theo dự báo, xu hướng sử dụng tinh bột sẽ giảm trong thời gian tới.
Việc hỗ trợ cho nhân dân trong triển khai thực hiện các mô hình sản xuất công nghệ cao cần được khuyến khích và mở rộng hơn, nếu chỉ hỗ trợ 6.000 m2 cho cả tỉnh trong triển khai mô hình sản xuất nhà màng, nhà lưới là quá thấp; phải gắn với cơ chế chính sách cụ thể và có định hướng để triển khai thực hiện. Đề nghị tỉnh rà soát lại việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong Đề án sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung để bố trí kinh phí hỗ trợ cho thị xã Chí Linh.
Về xây dựng nông thôn mới, năm 2018 có 38 xã đăng ký, tuy nhiên có xã tính khả thi rất thấp (phải đầu tư khoảng trên 30 tỷ đồng), đề nghị các huyện tiếp tục rà soát lại các xã đăng ký để có thể hoàn thành. Vấn đề môi trường nông thôn cũng còn nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp rác hiện đang gây ô nhiễm hơn, đề nghị tỉnh hỗ trợ mỗi huyện có 1 nhà máy xử lý rác thải ở nông thôn. Đề nghị ngoài 5 tỷ đồng hỗ trợ, nếu xây trụ sở thì hỗ trợ thêm 1 tỷ, những xã quá khó khăn đề nghị rà soát và cần phải đầu tư thêm, đồng thời đề nghị tỉnh sớm cấp kinh phí hỗ trợ cho địa phương để chủ động triển khai thực hiện. Đối với các đơn vị đã về đích, đề nghị tỉnh cần quan tâm kiểm tra, giám sát để bảo đảm hiệu quả bền vững, đặc biệt đối với một số tiêu chí không bền vững (môi trường, nâng cao thu nhập). Về giao thông nông thôn, năm 2017 tỉnh không hỗ trợ xi măng; có địa phương đã chuẩn bị đường, đắp lề xong, đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ vốn mồi từ 10-15% để nhân dân tiếp tục thục hiện.
Về lĩnh vực tài nguyên môi trường, một số ý kiến cho rằng nguồn nước các sông nội đồng đang bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Các bãi chôn lấp rác thải nông thôn quá tải, mưa xuống gây ô nhiễm và tràn ra ngoài, việc thu gom xử lý rác thải còn khó khăn, khó bố trí địa điểm đặt nhà máy xử lý. Đề nghị việc chấp thuận đầu tư các dự án phải có quy định thu gom, xử lý nước thải trước khi cho thoát ra hệ thống chung, sớm bố trí các nhà máy xử lý rác cho khu vực nông thôn.
Có ý kiến làm rõ dự án đường 62m hiện còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khoảng 1 km qua xã Liên Hồng (Gia Lộc) do người dân thắc mắc 2 chế độ bồi thường khác nhau trên cùng tuyến đường. Việc đấu giá quyền sử dụng đất có vi phạm trong việc chậm nộp tiền sau khi đấu giá đất. Việc xử lý đất dôi dư xen kẹp vẫn còn vướng mắc về giá, nhất là các vị trí trong khu dân cư, nhân dân không đồng tình vì còn cao, do đó đề nghị các ngành của tỉnh có hướng tháo gỡ.
Đối với các khu cụm công nghiệp cần tập trung quản lý môi trường, đề nghị tỉnh bỏ kinh phí đầu tư điểm xử lý nước thải tập trung để tránh ô nhiễm cho khu vực xung quanh đối với các cụm công nghiệp.
Có ý kiến nhận định công tác tuyển sinh đào tạo dạy nghề còn rất hạn chế nhất là ở khu vực nông thôn, đề nghị các địa phương quan tâm tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo dạy nghề, đề nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến chỉ tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo dạy nghề, gắn đào tạo với các trường đại học, trung cấp đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp. Đối với xuất khẩu lao động, hiện nay số lao động Hải Dương sau khi hết hợp đồng ở lại nước ngoài rất đông, đề nghị các địa phương phối hợp với gia đình vận động số lao động thực hiện đúng hợp đồng về nước tránh để mất thị trường lao động truyền thống đối với tỉnh. Có ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá về công tác quản lý lao động nước ngoài, quản lý lao động trong các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Về phân bổ ngân sách 2018, đề nghị tỉnh bố trí nguồn vốn để đầu tư cho các dự án mới. Quan tâm bố trí kinh phí đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển, nâng cấp đô thị (TP Hải Dương lên đô thị loại 1, thị xã Chí Linh lên thành phố, huyện Kinh Môn lên thị xã).
Ngành xây dựng đề nghị quan tâm đến dự án ký túc xá Chí Linh còn thiếu khoảng 30 tỷ (hiện đã đầu tư hơn 80 tỷ, nguồn trái phiếu chính phủ đã cấp đủ) để lãng phí đã lâu, báo chí nhiều lần phản ánh. Vì vậy, cần sớm bố trí nguồn vốn đầu tư công để sớm hoàn thiện dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí. Về đầu tư đường tránh cho huyện Tứ Kỳ (đường Tây Nguyên), đề nghị tỉnh cần phải ưu tiên sớm.
Băn khoăn công tác sắp xếp lại bộ máy gắn với tinh giản biên chế
Về sắp xếp tinh giản bộ máy hiện nay đã chấm dứt hợp đồng, hiện nay rất thiếu cán bộ công tác ở khối Đảng và đoàn thể cấp huyện. Mặt khác, theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ nhiều đơn vị chỉ có 3- 4 người/phòng hoặc đơn vị (trong đó đã có từ 2-3 lãnh đạo), do đó rất khó tinh giản biên chế như kế hoạch. Đề nghị rà soát và có định hướng giảm theo lộ trình, nếu thiếu cho tổ chức thi tuyển, nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc nhất là khối giáo dục, giáo viên hợp đồng hiện nay 4 tháng không có lương.
Có ý kiến đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền đối các cấp, các ngành, phổ biến thực hiện các Đề án 01, 03 của Tỉnh ủy, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức và nhân dân. Về sắp xếp tổ chức bộ máy ở thôn, khu dân cư đến nay đã cơ bản ở các huyện; đề nghị có chế độ chính sách phụ cấp cho cán bộ công tác cơ sở làm kiêm nhiệm để yên tâm công tác.
Hầu hết các đại biểu đều nhất trí cao với báo cáo đánh giá kết quả đạt được trong công tác xây dựng đảng, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội năm 2017; nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Đề nghị bổ sung kết quả phát triển đảng ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và ở khu vực nông thôn, để trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục vì đây cũng là một trong những hạn chế kéo dài.
Một số ý kiến đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, dự án và kịp thời có sự điều chỉnh đối với những bất cập mà thực tiễn phản ánh, chẳng hạn, thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cần có lộ trình... Một số ý kiến băn khoăn đối với việc thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ như trình độ, cơ chế chính sách, biên chế khi hết thời hạn luân chuyển...
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại hội trường những ý kiến còn khác nhau trong phiên thảo luận tổ.
PV