Mặc dù đã đưa vào khai thác nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng tuyến đường này cần được nhanh chóng giải quyết...
Việc xây dựng đường gom chậm cộng với những bất cập trong xây dựng hầm chui dân sinh
khiến việc đi lại của người dân xã Tứ Xuyên gặp rất nhiều khó khăn
Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Hải Dương nói chung, huyện Tứ Kỳ nói riêng đã thông xe và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng tuyến đường này cần được nhanh chóng giải quyết...
Trong tháng 9-2015, 8 xã ở huyện Tứ Kỳ có đường cao tốc đi qua gồm: Ngọc Kỳ, Hưng Đạo, Tái Sơn, Quang Phục, Bình Lãng, Đông Kỳ, Tây Kỳ, Tứ Xuyên đều đã tổng hợp và kiến nghị UBND huyện, chủ đầu tư VIDIFI cùng các nhà thầu thi công sớm khắc phục những tồn tại do thi công tuyến đường ảnh hưởng đến người dân. Nội dung kiến nghị của các địa phương chủ yếu yêu cầu nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường gom, khắc phục những bất cập của hầm chui dân sinh, hoàn trả hệ thống công trình thủy lợi cạnh đường cao tốc đã bị hỏng hoặc bị ách tắc.
Tại xã Tứ Xuyên, hiện nhà thầu mới đang tổ chức làm khuôn và mặt bằng đường gom. Hai trận mưa lớn ngày 21 và 22-8 khiến đường gom úng ngập, lầy lội, gây trở ngại cho việc đi lại của người dân. Riêng phần diện tích để xây dựng đường gom tại khu vực xóm Chùa (thôn Làng Vực) vẫn đang được nhà thầu sử dụng làm nơi chứa khoảng 14.000 m3 đất cát (từ việc hạ tải đường cao tốc). Có chỗ đất chất cao hàng mét, lấn sát vào tận cổng nhà dân, lấp kín hệ thống kênh tiêu của thôn khiến việc tiêu thoát úng khi mưa lớn gặp nhiều khó khăn. Nhiều diện tích nuôi thủy sản, vườn cây ăn quả của bà con đã bị thiệt hại vì ngập úng. Việc đi lại của nhân dân rất vất vả, nhiều người phải gửi xe đạp, xe máy tận xóm ngoài, có cụ già bị ngã gẫy chân do đi lại khi nước ngập. Sau nhiều lần đề nghị, hiện nay nhà thầu mới di chuyển được 3/4 lượng đất cát trên.
Ông Nguyễn Thế Đậu, Chủ tịch UBND xã Tứ Xuyên cho biết: "Nhà thầu đang di chuyển đất cát đi nơi khác nhưng nhiều chiếc xe tải cỡ lớn không chỉ đi trên mặt đê Thái Bình mà còn đi cả vào đường của thôn, làm nứt, lún và xuống cấp hệ thống giao thông của địa phương, nhân dân rất bức xúc. Xã đã phải lập một barie và cử người canh gác không cho xe quá tải đi vào nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn cố tình vi phạm". Những tồn tại về đường hầm dân sinh ở xã Tứ Xuyên hiện vẫn chưa được nhà thầu khắc phục. Ở hai đầu và bên trong đường hầm vẫn ngập đầy đất cát, nhân dân đi lại rất vất vả, nhất là vào những hôm trời mưa.
Ở xã Đông Kỳ, nhà thầu đang thi công và hoàn thiện các hạng mục như: đường gom dân sinh, hệ thống cống tưới, tiêu nước qua đường cao tốc và một số hạng mục khác. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi công đã xuất hiện một số vấn đề bất cập cần giải quyết như 2 hầm chui dân sinh trên địa bàn xã thấp hơn đường gom nên hễ có mưa là ngập nước. Bên trong đường hầm vẫn còn một khối lượng lớn bùn đất, gạch đá khiến việc đi lại của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuyến đường trục từ trung tâm xã ra bãi sông Thái Bình dài khoảng 1km đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường sụt lún, biến dạng. Nguyên nhân là do việc vận chuyển vật liệu phục vụ xây dựng đường cao tốc gây ra. Được biết, toàn bộ kênh mương chạy dọc theo đường cao tốc, trong đó có 8 cống nằm trong hệ thống thủy nông cung cấp nước từ sông Bá Liễu đến trạm bơm Toại An bị đất cát bồi lắng, gây ách tắc, việc tiêu thoát nước ở các khu đồng gặp nhiều khó khăn. Trận mưa lớn vừa qua đã khiến toàn bộ diện tích lúa ở khu vực Mã Đắng và Chiều La ngập úng hoàn toàn.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ, trong quá trình thi công đường cao tốc, nhà thầu đã làm hỏng hoàn toàn 150m kênh cứng phục vụ sản xuất do nhân dân thôn Tứ Kỳ Thượng đóng góp xây dựng. Nhân dân nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù. Cũng do ảnh hưởng từ việc thi công mà hệ thống kênh tưới tiêu chạy dọc theo đường cao tốc đã bị đất cát bồi lấp, gây ách tắc dòng chảy, việc sản xuất của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, 2 mẫu ruộng trũng của đội 9 thôn Tứ Kỳ Thượng hiện không thể sản xuất được vì đất cát đã lấp hết kênh mương ở khu vực này. "Chúng tôi cũng đã đề nghị UBND huyện xem xét cho phép xã chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu vực nhà thầu Trung Quốc mượn làm nơi ở cho công nhân sau khi chấm dứt hợp đồng. Khu vực này không thể tiếp tục sản xuất do đất đã chai lì và cũng không còn hệ thống thủy lợi", ông Chiến cho biết thêm.
Ở xã Tái Sơn, hệ thống công trình thủy lợi cạnh đường cao tốc cũng bị xuống cấp nặng do ảnh hưởng của quá trình thi công, nếu không được khắc phục kịp thời sẽ gây nhiều khó khăn cho việc tưới tiêu. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện một kênh cứng gần đường cao tốc đã bị hỏng và bị đất cát lấp kín, không thể sử dụng. Trong quá trình giải phóng mặt bằng đã làm mất một số tuyến đường ra đồng và hệ thống kênh mương, nhân dân gặp nhiều trở ngại trong quá trình đi lại và sản xuất. Tại khu vực km 58+200 (gầm cầu vượt), nhà thầu không xây dựng cống khiến việc dẫn nước phục vụ sản cho 2 khu vực Đồng Trong và Bãi Bóng thôn Ngọc Chấn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tất cả các điểm vuốt với đường gom rất dốc, việc lắp đặt hệ thống cống tiêu thoát nước chưa bảo đảm cho việc tiêu thoát nước.
Đại diện các địa phương ở Tứ Kỳ có đường ô tô cao tốc đi qua đều khẳng định, trong quá trình thi công đường cao tốc và các công trình phụ trợ, chính quyền cũng như người dân đã rất nhiều lần kiến nghị về những bất cập nêu trên, nhưng nhà thầu và chủ đầu tư thường hay đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Chỉ đến khi nhân dân bức xúc, tập trung đông người ngăn không cho nhà thầu thi công thì họ mới tổ chức khắc phục những bất cập. Tuy nhiên, cách làm của nhà thầu hết sức qua quýt, không trả lại hiện trạng như ban đầu.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã thông xe nhưng đời sống cũng như sản xuất của người dân các địa phương dọc tuyến đường này còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và đơn vị liên quan giải quyết những vấn đề nêu trên.
BÌNH MINH