Sau hai năm không tăng theo quy định của Chính phủ, nhiều đại học dự kiến tăng 10 - 20% học phí năm tới 2023 - 2024.
Học viện Tài chính dự kiến áp dụng mức học phí mới cho tân sinh viên năm 2023 - 2024 từ 22 - 24 triệu đồng với các ngành đào tạo theo chương trình chuẩn (tăng 10 - 20% so với năm học trước). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48 - 50 triệu đồng.
Năm 2022 và 2023, trường Đại học Điện lực không tăng học phí theo quy định của Chính phủ nhằm hỗ trợ sinh viên, phụ huynh hoàn cảnh khó khăn. Trường ổn định mức thu 14 triệu đồng/năm học với các ngành đào tạo hệ chính quy khối Kinh tế và gần 16 triệu đồng với khối Kỹ thuật. Năm học tới, học phí hai khối ngành này sẽ lần lượt gần 16 và 18 triệu đồng, tăng 14%.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến học phí hệ đại trà 500.000 đồng/tín chỉ với khóa sinh viên 2023 - 2024 (tăng 60.000 đồng/tin so với năm trước). Tương tự, hệ chất lượng cao, cũng tăng lên 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm học 2022 - 2023 học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Năm học tới, học phí được Nhà trường dự kiến từ 16 triệu đồng đến 22 triệu đồng/năm.
Khoa Y, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến điều chỉnh học phí năm học 2023 - 2024 với 5 ngành đào tạo. Trong đó, các ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền học phí là 55 triệu đồng/năm học, tăng 6 triệu đồng so với năm 2022. Riêng ngành Điều dưỡng học phí 40 triệu đồng/năm học (tăng 3 triệu đồng so với năm ngoái).
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HồChí Minh) dự kiến thu mức học phí 30 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn. Mức thu này tăng 2,5 triệu đồng so với năm trước. Được biết, mức học phí dự kiến cao nhất của trường lên đến hơn 800 triệu đồng/năm đối với chương trình chuyển tiếp quốc tế.
Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HồChí Minh dự kiến tăng tối đa 10% học phí với khóa sắp tuyển.
Trường Đại học Ngân hàng TP HồChí Minh dự kiến mức học phí năm học 2023 - 2024 là 7.050.000 đồng/học kỳ (tăng 800.000 đồng so với năm trước). Với chương trình đại học chính quy chất lượng cao dự kiến mức học phí rơi vào khoảng hơn 18 triệu đồng/học kỳ.
Trường Đại học Kinh tế TP HồChí Minh dự kiến nâng mức học phí từ 785.000 đồng/tín chỉ (năm học 2022 - 2023) lên 940.000 đồng/tín chỉ đối với chương trình chuẩn năm 2023-2024. Đối với các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh mức học phí tăng gấp 1,4 lần so với các học phần dạy bằng tiếng Việt.
TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đăng Việt Nam cho rằng, việc nhiều trường đồng loạt tăng học phí đồng nghĩa có thể sẽ loại bỏ những học sinh có năng lực nhưng lại không đủ khả năng kinh tế.
Khi có cơ sở vật chất tốt hơn, chất lượng đào tạo cũng được cải thiện, nhưng tăng học phí cần tính đến khả năng tài chính của người học.
Theo ông Khuyến, khó có thể so sánh mức học phí của đại học trong nước với nước ngoài, mà cần nhìn lại thu nhập bình quân của người dân hiện nay ở mức bao nhiêu so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
“Tôi cho rằng cách làm muốn tăng chất lượng phải tăng chi phí và muốn tăng chi phí thì tăng học phí là một lối tư duy chưa chuẩn. Bộ GD-ĐT cần xem xét lại với những ngành đặc thù, nhất là các trường khối ngành y dược, kinh tế...”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Theo Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, năm 2022 - 2023, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên dao động từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu giữ nguyên mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học trước ở tất cả cấp học từ mầm non đến đại học. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 quy định tại Nghị định 81.
Theo VTC