Nhiều trường cao đẳng nghề hút thí sinh

03/09/2016 10:10

Thông thường những năm trước khoảng tháng 10 - khi các trường đại học (ĐH) kết thúc tuyển sinh - thí sinh mới bắt đầu quan tâm đến trường nghề.

Nhưng năm nay nhiều thí sinh đã nộp hồ sơ vào trường cao đẳng (CĐ) nghề từ tháng 8.

Ông Đồng Văn Ngọc - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội - cho biết trường có 900 chỉ tiêu nhưng hiện đã có hơn 6.000 thí sinh đăng ký nhập học. Trong đó, khoảng 700 thí sinh đã nộp các khoản thu để xác nhận nhập học.

Trên 20 điểm vẫn chọn trường nghề

Theo ông Ngọc, hệ CĐ nghề của Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội đã lấp đầy khoảng 80% chỉ tiêu. Đặc biệt, trong số thí sinh xác nhận nhập học có không ít thí sinh điểm thi THPT quốc gia trên điểm sàn, thậm chí trên 20 điểm cũng đăng ký học tại trường.

“Thống kê sơ bộ có 27-30% thí sinh nhập học CĐ nghề ở trường có điểm thi THPT quốc gia trên điểm sàn xét tuyển vào ĐH. Trong khi điều kiện tuyển sinh của trường chỉ tốt nghiệp THPT, bổ túc văn hóa hoặc tương đương. Với tốc độ tuyển sinh này, dự kiến trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có thể sẽ kết thúc tuyển sinh sớm hơn kế hoạch” - ông Ngọc nhận định.

Còn tại Trường CĐ nghề TP Hồ Chí Minh, bà Ngô Thị Mỹ Chi - trưởng phòng tuyển sinh và giới thiệu việc làm - cho biết: “Năm nay trường tuyển sinh được hơn mọi năm. Đến thời điểm này đã có hơn 1.000 thí sinh (chỉ tiêu của trường là 1.750) nộp hồ sơ vào trường.

Mọi năm thí sinh nộp hồ sơ muộn hơn. Đến tháng 8 trường mới nhận được 500-600 hồ sơ. Các em chờ ĐH tuyển sinh xong hết mới nộp vào trường nghề nhưng nay đã chủ động nộp sớm hơn. Ngành các em chọn nhiều nhất là ôtô, sửa chữa máy lạnh, điện, cơ khí, thiết kế đồ họa...”.

Tương tự, bà Ngô Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn - cũng cho biết số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào trường so với cùng thời gian năm trước “tăng đột biến”. “Nếu như năm trước thời điểm này trường chỉ tuyển được 40% thì nay đã được 80-90%. Hiện đã có trên 1.000 hồ sơ nộp vào trường.

Những năm trước phải đến tháng 10 trường mới tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng năm nay thí sinh đã có lựa chọn ngay từ đầu là xác định vào trường nghề nên nộp hồ sơ sớm. Có những thí sinh điểm trung bình học tập ba năm trên 8,0 cũng nộp vào trường để học hướng dẫn du lịch, quản trị nhà hàng khách sạn...”.

Trong khi đó, tại Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh, ông Trần Viết Phú - phó hiệu trưởng - cho biết đã tuyển được 75% chỉ tiêu (1.000/1.500). “Những năm trước, việc tuyển sinh ở trường rộ lên đợt tháng 10 nhưng chỉ được khoảng 40%. Năm nay có thí sinh đạt 19,5 điểm, đủ điểm vào ĐH nhưng cũng chọn trường nghề” - ông Phú nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kinh tế công nghệ TP Hồ Chí Minh - cho biết đã có 300 thí sinh nộp hồ sơ. “Mặt bằng điểm năm nay khá cao, với trình độ như vậy việc đào tạo của nhà trường sẽ tốt hơn nhiều, tuy nhiên nhiều trường vẫn lo lắng vì sợ thí sinh sẽ không nộp tiếp vì nguồn tuyển đã cạn” - ông Lý chia sẻ.

“Cơ hội việc làm”

Lý giải về sức hút của trường CĐ nghề với cả thí sinh có đủ điều kiện xét tuyển ĐH, ông Đồng Văn Ngọc nói ngắn gọn đó chính là “cơ hội việc làm”.

Theo ông Ngọc, hiện tại Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội đang áp dụng chính sách đặc biệt với một số ngành đào tạo trọng điểm. Trong đó, trường cam kết hoàn trả học phí cho sinh viên nếu sau khi tốt nghiệp sáu tháng, sinh viên không có việc làm với mức lương khởi điểm ít nhất 5 triệu đồng.

“Thực tế với một số ngành cơ khí, hàn..., sinh viên năm hai của trường đã được doanh nghiệp đến nhận hết rồi” - ông Ngọc nói.

Còn bà Ngô Thị Mỹ Chi phân tích: “Năm nay tôi thấy nhận định của thí sinh có sự thay đổi. Nhiều em cho rằng học ĐH ra khó kiếm việc làm nên đổi định hướng của mình. Hơn nữa, có thực tế là doanh nghiệp vào trường nghề tuyển rất nhiều. Họ nói học sinh trường nghề có thực tế, tuyển vào dễ đáp ứng công việc”.

Tương tự, bà Quỳnh Xuân cho rằng tâm lý của phụ huynh, thí sinh đã có sự thay đổi khi dịch chuyển từ ĐH sang học nghề.

“Đây là năm đầu tiên thể hiện rõ nét nhất sự dịch chuyển ấy. Tôi thấy tâm lý xã hội đã có chuyển biến. Các em học sinh không còn vào ĐH bằng mọi giá như những năm trước nữa mà định hướng rõ ràng đi học nghề ngay từ đầu” - bà Quỳnh Xuân nhận định.

Còn ông Trần Văn Tiến đánh giá diễn biến tuyển sinh cho thấy có “tín hiệu mừng” với các trường nghề.

Chuyển hướng đào tạo qua CĐ nghề

Ông Đặng Văn Tung - phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật thương mại Hà Nội - cho biết hiện trường chưa nhận hồ sơ xác nhận nhập học của thí sinh nào cho mùa tuyển sinh mới.

“Năm 2015, trường chỉ tuyển được khoảng 20% chỉ tiêu CĐ. Năm 2016 số liệu tuyển sinh có lẽ cũng không khá hơn được” - ông Tung nói.

Theo ông Tung, thí sinh không học ĐH sẽ chọn CĐ nghề chứ không mặn mà với CĐ hay trung cấp chuyên nghiệp như trước đây nữa. Vì vậy, nhà trường phải chuyển đổi hướng đào tạo, mở rộng đào tạo CĐ nghề, trung cấp nghề.

Xu hướng đào tạo cũng thay đổi: ngành kế toán, quản trị tài chính... trước đây phát triển thì nay không có người học. Trong khi đào tạo những nghề cụ thể như kỹ thuật nấu ăn cho trẻ lại được quan tâm nhiều hơn.

Thạc sĩ Phạm Ngọc Tường - phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh - cho biết hiện đã có 2.238 thí sinh xác nhận nhập học tại trường so với 2.600 chỉ tiêu. Thí sinh chủ yếu nộp vào các ngành ôtô, cơ khí, CNTT, điện - điện tử...

“Để thu hút thí sinh, nhà trường không còn cách nào khác phải nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo kỹ năng mềm, ngoại ngữ... cho sinh viên. Ngoài ra, trường phối hợp với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, thực hành ở doanh nghiệp, đảm bảo ra trường có việc làm ngay mới thu hút được người học”, ông Tường nói.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nhiều trường cao đẳng nghề hút thí sinh