Nhiều gia đình chăm con không hợp lý, nhất là cho trẻ ăn dặm sớm, hệ tiêu hóa của trẻ chưa ổn định khiến trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, dẫn đến suy dinh dưỡng...
Tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh
Trường hợp chị Nguyễn Thị Ngọc N. ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) là một ví dụ. Chị N. sinh bé Vũ Khôi Ng. nặng 4,1 kg bằng phương pháp mổ. Do vết mổ đau nên chị không cho con bú ngay trong khoảng 1 tuần đầu tiên mà hoàn toàn cho bé bú bình. Khi chị cho bé bú thì bé lại không chịu bú do đã quen với việc bú bình. Bác sĩ đã khuyên chị phải kiên trì tập cho bé bú mẹ dần dần bé sẽ quen. Tuy nhiên, mỗi lần tập như vậy, thấy bé khóc, chị N. xót con nên lại pha sữa cho bé bú bình. Cứ như vậy, dần dần sữa mẹ mất hẳn, bé Ng. uống sữa bột hoàn toàn. Khi bé được 3 tháng tuổi, chị lại cho bé ăn dặm. Thấy con có biểu hiện rụng tóc, lo con thiếu can-xi, chị thường mua tôm, cua biển về nấu cho con với hy vọng cung cấp nhiều can-xi cho con. Có khi chị cho con ăn 2-3 con tôm biển trong 1 bữa. Thấy con ăn ngon miệng, chị rất vui mừng và tiếp tục cho con ăn nhiều hải sản. Khoảng 2 tuần sau, bé thường xuyên đi ngoài, có đợt đi cả tuần liền mà không khỏi. Sau đó, cứ mỗi lần ăn tôm, cua, ghẹ bé lại nôn và bị tiêu chảy. Đặc biệt, cứ mỗi khi bé ốm, chị lại chỉ cho bé ăn cháo trộn lẫn sữa bột. Với cách chăm con như vậy, dù lúc sinh ra rất bụ bẫm nhưng đến nay bé Ng. được 6 tháng tuổi mà chỉ nặng 6 kg. Mỗi khi thời tiết thay đổi, bé thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi...
Chị Trần Thị T. ở xã Nam Chính (Nam Sách) cũng mắc sai lầm trong việc chăm bé M. ngay từ khi bé mới chào đời. Ngày thứ 2 sau sinh, chị T. pha sữa bột cho con uống nhưng không theo hướng dẫn sử dụng của hãng sữa là pha bằng nước đun sôi hoàn toàn và giữ ấm ở nhiệt độ 450C mà chị pha sữa bằng nước lọc đóng chai hòa với nước nóng. Chị cũng uống bằng thứ nước đó. Ngay lập tức hai mẹ con bị đau bụng, tiêu chảy. Chị lại mua thuốc không có đơn của bác sĩ cho con uống, hậu quả là con chị bị táo bón 1 tuần liền. Bé M. cũng không chịu bú mẹ, gần 3 tháng, chị đã cho bé ăn dặm. Những bữa ăn đầu tiên, chị chế biến cho bé các món ăn mặn như thịt, trứng, cá... Đặc biệt, bé hay ra mồ hôi "trộm", nghe người quen mách nước cho bé ăn nhiều trai sẽ hết nên chị cho bé ăn bột trai triền miên. Không lâu sau, bé M. thường xuyên bị tiêu chảy. Thậm chí, cứ ăn các đồ tanh như tôm, cua, cá bé lại bị rối loạn tiêu hóa. Dù đã được 3,5 tháng tuổi nhưng bé M chỉ nặng 5,4 kg.
60% số bệnh nhi vào viện do chăm sóc không đúng cách
Chị Lê Hải H. ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) lại không chế biến thức ăn cho con mà hoàn toàn mua cháo dinh dưỡng cho con ăn từ nhỏ. Chị cũng hay cho con ăn sáng bằng các món bún, bánh đa ở các cửa hàng bún, phở. Bé V.A, con gái chị năm nay 1 tuổi nhưng chỉ nặng 6,3 kg, thường xuyên phải vào bệnh viện vì chứng rối loạn tiêu hóa...
Thời gian gần đây, tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Hải Dương có khoảng 60% số bệnh nhân vào viện do gia đình chăm trẻ không đúng cách. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Nghiệp, Phó Trưởng khoa, nhiều gia đình quan tâm thái quá, cho trẻ ăn quá nhiều chất đạm, có thể dẫn đến mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột gây rối loạn tiêu hóa. Trẻ trong 1 năm đầu đời nếu bị tiêu chảy thường xuyên, đường tiêu hóa khó phục hồi, về lâu dài dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, làm chậm quá trình phát triển. Một trong những sai lầm thường gặp nhất là gia đình tự mua thuốc cho trẻ uống, thấy không khỏi mới nhập viện. Hơn nữa, nhiều gia đình còn không biết đã cho trẻ uống thuốc gì nên khi vào viện gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Bác sĩ Vũ Đức Cung, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Hải Dương khuyến cáo: Nhiều gia đình chăm con không hợp lý, nhất là cho trẻ ăn dặm sớm (trước 6 tháng), hệ tiêu hóa của trẻ chưa ổn định khiến trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, dẫn đến suy dinh dưỡng. Trẻ bị suy dinh dưỡng thì sức đề kháng cũng kém hơn nên dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản... Vì vậy, nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Các bà mẹ nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Khi trẻ bị ốm thì nên đưa đi khám ở các cơ sở chuyên khoa nhi để được phát hiện, điều trị kịp thời và đúng bệnh.
MINH HẠNH