Mặc dù sàng lọc sơ sinh có nhiều lợi ích nhưng không ít gia đình vẫn chưa quan tâm. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc này.
Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản tỉnh lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh để xét nghiệm sàng lọc
Lợi ích rõ ràng
Sàng lọc sơ sinh (SLSS) là chương trình thực hiện một số xét nghiệm cho trẻ sơ sinh nhằm phát hiện sớm các bệnh lý về nội tiết, rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến sức khỏe và phát triển thể chất, tâm thần của trẻ; cần xét nghiệm ngay trong những ngày đầu đời sau khi trẻ sinh ra.
Bác sĩ Trần Văn Thắng, Khoa Sản thường - Sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản tỉnh) cho biết hiện có các kỹ thuật SLSS là đo thính lực và lấy máu gót chân. Đo thính lực nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời bệnh câm điếc bẩm sinh. Tỷ lệ trẻ mắc bệnh câm điếc bẩm sinh ở nước ta hiện khoảng 7%. Nếu được phát hiện sớm trước giai đoạn trẻ có phản ứng với việc nghe, nói thì tỷ lệ chữa khỏi cao, có nhiều khả năng hòa nhập cộng đồng. Nếu phát hiện bệnh sau khi trẻ 1 tuổi thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều trị, nguy cơ trẻ câm điếc cao.
Phương pháp lấy máu gót chân xét nghiệm quan trọng hơn, giúp phát hiện sớm các bệnh rối loạn bẩm sinh liên quan đến nội tiết, chuyển hóa, di truyền thường gặp. Xét nghiệm máu gót chân sàng lọc rất nhiều bệnh, trong đó có một số bệnh cần thiết phải điều trị sớm như thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh... Những bệnh này nếu được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời có thể điều trị, tạo ra cuộc sống hoàn toàn bình thường cho trẻ. Song nếu không được phát hiện sớm, trẻ sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như suy giáp trạng bẩm sinh sẽ làm trẻ đần độn và lùn, bệnh thiếu men G6PD nặng làm trẻ tổn thương não hoặc chậm phát triển.
Xét nghiệm SLSS có ưu điểm là quy trình xét nghiệm kép, lặp lại 2 lần đối với mẫu có kết quả nghi ngờ; miễn phí thu mẫu và xét nghiệm lại lần 2; trả kết quả nhanh chóng, độ chính xác cao. Các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện ở tỉnh ta đều có thể xét nghiệm đo thính lực. Còn xét nghiệm lấy máu gót chân phải gửi lên Trung ương phân tích, sau đó chờ kết quả trong vòng từ 3-10 ngày. Trong 9 tháng qua, có 6.183 trẻ sinh tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh và Trung tâm Y tế tuyến huyện đã tham gia chương trình SLSS. Qua đó phát hiện 2 trẻ suy giáp trạng bẩm sinh, 19 trẻ thiếu men G6PD, 2 trẻ rối loạn chuyển hóa, 1 trẻ tăng sản tuyến thượng thận...
Rào cản kinh phí xét nghiệm
Tuy có nhiều lợi ích nhưng tỷ lệ trẻ được SLSS ở Hải Dương vẫn còn thấp. Theo Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, trong 9 tháng qua, mới chỉ có 37,7% số trẻ sinh ra được SLSS, thấp hơn 7,2% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do nhận thức của nhiều người dân về ý nghĩa của hoạt động này còn hạn chế, kinh phí xét nghiệm tương đối cao so với những gia đình hoàn cảnh khó khăn, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng...
Vợ chồng anh T.V.T. ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) vừa sinh con. Anh T. đã lựa chọn gói xét nghiệm đo thính lực cho bé. Khi được bác sĩ tư vấn về gói xét nghiệm lấy máu gót chân, anh T. khá chần chừ. Mặc dù biết có nhiều lợi ích đối với sức khỏe của con nhưng anh T. bảo phải về trao đổi với vợ, cân nhắc xem có thực hiện hay không. Theo các bác sĩ thực hiện sàng lọc tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh, gói xét nghiệm đo thính lực có giá 70.000 đồng/trẻ nên đa phần các gia đình đủ điều kiện chi trả. Còn gói xét nghiệm máu gót chân có hai mức giá là 854.000 đồng và 2,1 triệu đồng/trẻ (tùy số lượng bệnh xét nghiệm) nên những gia đình hoàn cảnh khó khăn thường cân nhắc việc này. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay, vì khoảng 1 năm nay nước ta đã thực hiện được xét nghiệm này. Trước đây, mẫu xét nghiệm phải gửi đi nước ngoài nên mức giá cao gấp đôi trở lên.
Để có thể tăng tỷ lệ trẻ được SLSS trong thời gian tới, ngành dân số tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, giúp người dân có nhận thức đúng về tầm quan trọng của SLSS cho trẻ. Tại các bệnh viện, nơi có sản phụ đến sinh con cũng cần tích cực tư vấn cho cha mẹ trẻ hiểu và quan tâm hơn đến hoạt động này, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra đối với sức khỏe của trẻ sau này.
THANH NGA