Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đề cập đến một trong những khó khăn của hoạt động báo chí trong phát biểu trước Quốc hội sáng 26-11.
Đại biểu Thùy Trang cho biết nhiều tổng biên tập đau đầu vì những tin nhắn chỉ đạo lúc đêm khuya |
Các đại biểu nêu ý kiến về dự án Luật Báo chí (sửa đổi).
Tự do báo chí là gì ?
“Hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về quyền tự do báo chí. Vì vậy, tôi đề nghị giải thích quyền tự do báo chí, tạo cơ sở thống nhất cho việc thực thi quyền cơ bản này của công dân” - bà Trang nêu vấn đề.
Theo đại biểu Trang, “báo chí nước ta không chỉ là phương tiện truyền thông, thông tin thiết yếu mà còn lại công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng và nhà nước, là diễn đàn của nhân dân".
"Trong bối cảnh này, việc làm rõ quyền tự do báo chí và đảm bảo những điều kiện cần thiết để cơ quan báo chí hoạt động tốt nhất trong khuôn khổ luật pháp là rất quan trọng”.
“Quy định rõ quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin để báo chí thông tin kịp thời, không để lại những khoảng trống thông tin, tạo ra những suy nghĩ, đồn đoán đến từ những luồng thông tin không chính thống” - bà nói.
Vị nữ đại biểu hoạt động trong lĩnh vực báo chí cũng cho rằng: “Trong thời gian qua dù đã có quy chế phát ngôn nhưng báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các cơ quan, tổ chức".
"Một số địa phương, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm quy định của luật pháp về báo chí, né tránh hoặc tìm cách không thông tin cho báo chí. Tôi đề nghị luật hóa quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Cần bổ sung chế tài xử phạt tổ chức, cá nhân cản trở quyền tác nghiệp hợp pháp của nhà báo”.
Vẫn theo bà Trang, “quyền tự do báo chí còn thể hiện ở chỗ việc lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin từ cơ quan chức năng cần chủ động hơn nữa nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình”.
“Các cơ quan báo chí không ngại khó, nhưng thật lòng mà nói, những người đứng đầu các tòa báo rất dễ mất ngủ khi nhận được tin nhắn chỉ đạo vào thời điểm đêm khuya, khi mà bài báo sắp qua nhà in. Thiết nghĩ, dự thảo luật cần quy định rõ ràng về trách nhiệm trong chỉ đạo, định hướng thông tin trên báo chí” - đại biểu Trang bày tỏ.
Nhiều trang tin sống trên mồ hôi nhà báo
Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng trước tình trạng vi phạm bản quyền, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm báo chí, cóp nhặt tràn lan, gây bức xúc và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các cơ quan báo chí chân chính.
“Quyền tác giả trong báo chí là vấn đề rất quan trọng. Nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện quyền tác giả chưa nghiêm, quyền sở hữu trí tuệ không được tôn trọng, báo chí mất người đọc, mất tính cạnh tranh” - đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lên tiếng.
Ông Vinh cho rằng dự án luật lại quy định rất hời hợt về vấn đề này và đề nghị bổ sung các quy định cụ thể bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm báo chí, đặc biệt là với hoạt động của các báo điện tử.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng chỉ ra tình trạng sao chép bài trên báo chí rất phổ biến, gây bức xúc cho tác giả và bạn đọc.
“Cần quy định rõ việc bảo vệ quyền tác giả, cơ quan giải quyết tranh chấp quyền tác giả. Có như vậy mới tạo điều kiện để báo chí hoạt động lành mạnh, khích lệ nhà báo, cơ quan báo chí cạnh tranh, phát triển” - ông Thành nói.
Bức xúc không kém, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng hiện nay hàng ngàn trang tin tổng hợp đang sống ký sinh trên cơ quan báo chí, gặt hái những phần ngọt ngon nhất của cơ quan báo chí chính thống.
“Cần xóa bỏ hình thức trang tin tổng hợp thì cơ quan báo chí chân chính mới yên tâm phát triển” - ông Thường đề nghị.
Hoạt động công vụ ?
Đại biểu Thuận Hữu (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận xét dự thảo luật quy định khá nhiều nhiệm vụ cho Hội nhà báo VN nhưng lại không quy định quyền tương ứng để thực hiện nhiệm vụ đó.
“Ví dụ luật quy định hội bảo vệ quyền lợi cho hội viên, nhưng bảo vệ bằng cách nào, khi hội gửi đơn thư đi người ta không trả lời thì cũng không làm gì được” - ông Thuận Hữu, người giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo VN, nêu.
Đại biểu Thuận Hữu cũng rất băn khoăn khi dự án luật giải thích nhà báo tác nghiệp không phải là thi hành công vụ.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Hà Minh Huệ (Bà Rịa - Vũng Tàu), bày tỏ: “Báo chí không chỉ là diễn đàn của nhân dân mà còn là công cụ, vũ khí tư tưởng sắc bén, do đó coi hoạt động của nhà báo không phải là hoạt động công vụ là không hợp lý”.
Theo Tuổi trẻ