5 năm qua, ngành LĐTBXH tỉnh làm tốt việc hoạch định các cơ chế, chính sách của tỉnh về lĩnh vực lao động, việc làm và dạy nghề; thực hiện chính sách người có công, công tác giảm nghèo đã đem lại kết quả tích cực…
Công ty Haivina (khu công nghiệp Nam Sách) giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động |
Về lĩnh vực lao động, việc làm và dạy nghề, trong 5 năm qua, thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động đã giúp các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt cơ chế, chính sách về lao động; xây dựng mối quan hệ tiến bộ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững. Các hoạt động giới thiệu việc làm ở các cấp, ngành, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp đã mở rộng thông tin thị trường lao động, nâng cao hiệu quả gắn kết cung - cầu. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề được đầu tư, triển khai đồng bộ. Công tác hỗ trợ vốn giải quyết việc làm được huy động từ ngân sách, vận động quyên góp từ hội viên, đoàn viên của các tổ chức, đoàn thể đạt hàng nghìn tỷ đồng. Hoạt động dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động được quan tâm… Đến hết năm 2010, đã giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho hơn 157 nghìn lao động, vượt 4,8% kế hoạch, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ 5,5% năm 2005 xuống còn 4,8% năm 2009; thời gian lao động của lao động nông thôn tăng từ 77% lên 81,5%. Công tác thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng thực hiện kịp thời, đúng chế độ. Hằng năm, toàn tỉnh thực hiện chính sách trợ cấp thường xuyên cho hơn 46 nghìn người có công và thân nhân người có công; bảo đảm các chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho thương binh, ưu đãi và trợ cấp trong giáo dục - đào tạo cho người có công và con đẻ người có công với cách mạng. Đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được công nhận làm tốt công tác thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng (năm 2005 có 83,65% số xã, phường, thị trấn làm tốt công tác này). 100% số người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tất cả các hộ chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Thực hiện công tác giảm nghèo, 5 năm qua, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo được triển khai. Chương trình tín dụng cho người nghèo đã tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Hằng năm, hơn 23 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh; hơn 33 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, cận nghèo được vay vốn để chi phí học tập; gần 1.000 lượt hộ thuộc đối tượng chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động và hơn 1.000 lượt hộ được vay vốn giải quyết việc làm. 13 nghìn lượt hộ được vay vốn theo chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà cho trên 1.100 hộ nghèo. Bên cạnh đó, các hoạt động như: Hỗ trợ xây nhà, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên nghèo, các dự án hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho hộ nghèo, tổ chức các lớp khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn, dạy nghề cho lao động thuộc diện nghèo… đã có tác động tích cực đến đời sống hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 3%/năm (mục tiêu 2%/năm), đến cuối năm 2010 còn 4,9%... Các công tác khác như bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội, lĩnh vực nào ngành cũng bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch giao. Toàn tỉnh hiện có hơn 37 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp thường xuyên. Trong đó, các Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã nuôi dưỡng gần 500 đối tượng bao gồm trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, người già cô đơn, người khuyết tật nặng, người mắc bệnh tâm thần, không có khả năng lao động và thu hút hơn 600 trẻ em mồ côi, khuyết tật vào học chữ, học nghề. Toàn tỉnh đến nay đã có hơn 80 xã, phường đạt tiêu chuẩn "Xã, phường phù hợp với trẻ em". Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được thực hiện hiệu quả hơn trước...
Mặc dù vậy, công tác LĐTBXH vẫn còn những hạn chế. Một số lĩnh vực hoạt động quá rộng, chưa đủ điều kiện để kiểm tra, giám sát thường xuyên. Tình trạng vi phạm pháp luật lao động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn nhiều. Nhiều lao động thiếu việc làm. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương và thị trường lao động. Đời sống của không ít người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn gặp nhiều khó khăn. Các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng...
Trong những năm tới, ngành LĐTBXH tỉnh tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực ngành quản lý. Phối hợp phấn đấu giải quyết việc làm và tạo chỗ làm mới cho 30 nghìn lao động/năm. Triển khai đồng bộ đề án xuất khẩu lao động, phấn đấu xuất khẩu hơn 3.000 lao động/năm. Đến năm 2015, nâng thời gian sử dụng lao động nông thôn lên 85% - 88%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ 4,8% năm 2010 xuống còn 4%. Xây dựng và triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn, vệ sinh lao động. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Giới thiệu việc làm miền Bắc để sớm phát triển thị trường lao động trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Thực hiện tốt chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội, công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội và nhiều cơ chế, chính sách khác, nhằm góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống nhân dân lành mạnh, văn minh...
THU LAI