Kết thúc đợt đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT (15-30.6), đa số thí sinh lựa chọn 5-7 nguyện vọng xét tuyển đại học, một số chọn 18-20.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du dò lại thông tin đăng ký dự thi trên cổng thông tin thi tốt nghiệp THPT chiều 30.6. Ảnh: Mạnh Tùng
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết 456 học sinh lớp 12 của trường đã đăng ký thi tốt nghiệp THPT, trong đó 176 em chọn tổ hợp khoa học xã hội và 280 em chọn khoa học tự nhiên. So với năm ngoái, số học sinh lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên tăng lên.
"Việc dự định thi tổ hợp khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội được học sinh lựa chọn từ khi vào trường. Tuy nhiên, ở mỗi học kỳ, nếu thấy không phù hợp, học sinh có thể thay đổi", cô Nhiếp nói.
Toàn trường Yên Hòa có gần 3.550 nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, trung bình mỗi em 7-8, ít hơn năm ngoái. Học sinh đăng ký nhiều nhất là 20 nguyện vọng. 105 học sinh có chứng chỉ tương đương IELTS 4.0 trở lên và được miễn thi ngoại ngữ, nhưng nhiều em vẫn đăng ký dự thi môn này để xét tuyển đại học.
Tương tự, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) có 374 học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó 5 em chỉ thi để xét tốt nghiệp và không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Số học sinh lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên là 164 (chiếm 43,9%), còn lại chọn thi khoa học xã hội.
Tổng số nguyện vọng xét tuyển của học sinh lớp 12 là 2.618, trung bình mỗi em đăng ký 7. Có hai em đăng ký 18 nguyện vọng xét tuyển, nhiều nhất trường. Các em chủ yếu sử dụng tổ hợp D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh) và A01 (toán, vật lý, tiếng Anh) để xét tuyển.
Thầy Nguyễn Danh Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B, cho biết trường có hơn 500 học sinh lớp 12, hầu hết đăng ký xét tuyển đại học. Tỷ lệ lựa chọn hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội tương đối cân bằng và giống với xu hướng chọn bài thi năm ngoái.
"Nhà trường đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu, tìm hiểu quy chế, phương án tuyển sinh của các trường, tổ chức cho học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nên học sinh không vướng mắc gì lớn khi đăng ký dự thi và xét tuyển", thầy Thông nói.
Tại TP Hồ Chí Minh, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), có 473 học sinh lớp 12 thì 273 em đăng ký tổ hợp khoa học tự nhiên, còn lại là tổ hợp khoa học xã hội. Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho biết số lượng thí sinh đăng ký khoa học xã hội tăng đáng kể. Năm ngoái, số học sinh lớp 12 tương đương, nhưng chỉ 150 em đăng ký tổ hợp này.
Trung bình mỗi em đăng ký 5-7 nguyện vọng xét tuyển đại học, một em 19 nguyện vọng. Những tổ hợp xét tuyển được nhiều thí sinh lựa chọn nhất gồm A00 (toán, lý, hóa); A1 (toán, lý, tiếng Anh) và D1 (văn, toán, tiếng Anh). Học sinh ưu tiên chọn trường đại học công lập trước, sau đó mới đến trường tư.
Tại Trường THPT Thành Nhân, với 365 học sinh lớp 12, tất cả đều đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên. Trường đã định hướng các em đăng ký khoảng 5 nguyện vọng xét tuyển đại học. Nhiều em chọn vào trường top trên như Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Kinh tế...
Hiệu trưởng Nguyễn Đình Độ cho biết sau khi học kỳ II kết thúc vào tuần sau, trường sẽ ôn tập cho học sinh đến gần ngày thi tốt nghiệp THPT và tổ chức ba đợt thi thử.
Ở một số trường THPT công lập khác, hầu hết học sinh đăng ký 6-7 nguyện vọng. Tại Trường THPT Hùng Vương (quận 5), với 1.150 học sinh, số nguyện vọng khoảng 6.300. Trường THPT Bùi Thị Xuân có 630 học sinh lớp 12, tổng số nguyện vọng đăng ký là 4.350.
Trường THPT Nguyễn Chí Thanh có 612 học sinh, 455 em chọn bài thi khoa học tự nhiên, còn lại chọn bài thi khoa học xã hội. Số nguyện vọng xét tuyển đại học là 3.036, một thí sinh đăng ký 19 nguyện vọng.
Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết thống kê sơ bộ từ địa phương, đến 15 giờ 30 ngày 30.6, cả nước có hơn 888.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020, trong đó hơn 636.000 xét tuyển đại học, cao đẳng, xấp xỉ năm 2019.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong hai ngày 9-10.8. Thí sinh phải thi ba bài bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một bài tự chọn là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Theo VnExpress