Nhiều thành tựu trong xây dựng Đảng

30/01/2015 09:56

Từ khi thành lập đến nay, nhận thức lý luận về xây dựng Đảng ta trong 30 năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Đảng ta đã xác định rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất của Đảng.


Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đường lối đổi mới, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" (năm 1986)

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định, Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Cương lĩnh cũng quy định rõ hơn vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm của Đảng: Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống đó. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Xác định rõ hơn yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng cầm quyền trong điều kiện mới; lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện cụ thể của nước ta; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

Đảng ta khẳng định, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng; Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, coi đây là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Đảng ta luôn nhấn mạnh vấn đề giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; có phương thức lãnh đạo khoa học; chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhấn mạnh yêu cầu xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng. Coi trọng đấu tranh với các biểu hiện giáo điều và cơ hội dưới mọi hình thức. Ngày càng xác định rõ hơn tiêu chuẩn của từng loại cán bộ trong thời kỳ đổi mới; nhấn mạnh các tiêu chuẩn về lập trường tư tưởng chính trị; năng lực thực tiễn thể hiện bằng hiệu quả công việc; uy tín trong Đảng, trong nhân dân; tư duy đổi mới, sáng tạo, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh; đoàn kết, quy tụ đội ngũ cán bộ, phong cách khoa học, dân chủ, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; công tâm, khách quan, minh bạch, trong công tác cán bộ; khả năng phát hiện và sử dụng người có đức, có tài; không tham ô, không tham nhũng; có thái độ kiên quyết đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và đấu tranh phản bác các luận điểm xuyên tạc, phản động trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

30 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ngày càng cao, các thế lực thù địch tiến công toàn diện vào Đảng, vào chế độ, Đảng ta luôn vững vàng, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, công tác xây dựng Đảng đã đạt được những thành tựu nhất định. Vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được coi trọng, tăng cường, Đảng ta đã ban hành một số nghị quyết quan trọng, nhất là Nghị quyết Trung ương VI (lần 2) (khóa VIII) "Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay", Nghị quyết Trung ương IV (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã tạo được sự chuyển biến nhất định trong ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; bước đầu khắc phục được một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ và thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Công tác tư tưởng được coi trọng và tăng cường hơn, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; chỉ đạo, tổ chức, triển khai đạt kết quả tích cực trong thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (khóa X) và “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (khóa XI) gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đã chủ động hơn trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ đạt kết quả bước đầu; công tác thông tin, báo chí, xuất bản được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Việc xử lý kỷ luật Đảng ngày càng nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân được củng cố, tăng cường. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới. Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là vai trò của Nhà nước. Thực hiện chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Trong những năm tới, cần tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo - cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình trạng "tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách, nhất là tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; củng cố quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.


PGS. TS.NGUYỄN VIẾT THÔNG, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

(0) Bình luận
Nhiều thành tựu trong xây dựng Đảng