Ngày 20.10 tới, Tổng thống Joko Widodo sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai tại tòa nhà Quốc hội ở trung tâm thủ đô Jakarta.
Trong nhiệm kỳ tới, giải quyết các vấn đề đối nội và định hướng chính đối ngoại sẽ là các nhiệm vụ trọng tâm của nhà lãnh đạo Indonesia.
Tổng thống Joko Widodo
Giải quyết các vấn đề đối nội
Chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 4 vừa qua có thể được coi là sự khởi đầu trong hành trình gian lao mới của Tổng thống Indonesia Widodo.
Sau khi giành chiến thắng trong bầu cử, hồi tháng 8-2019,Tổng thống Indonesia Jokowi đã công bố kế hoạch dời thủ đô Jakarta về đảo Borneo, khu vực Đông Kalimantan.
Quyết định của ông Widodo là táo bạo nhưng cần thiết, khi thành phố Jakarta với dân số hơn 10 triệu người cùng diện tích có hạn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ ô nhiễm nghiêm trọng, ùn tắc giao thông, lũ lụt, với nhiều phần đang dần bị nước biển nhấn chìm.
Tuy nhiên, chuyển thủ đô tới Borneo, nơi nổi tiếng với cây cối rậm rạp, sẽ gia tăng nguy cơ cháy rừng, để lại hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, đe dọa đời sống của động vật tự nhiên và cư dân bản địa.
Hơn nữa, quyết định này chưa chắc đã giải quyết được những vấn đề môi trường mà Jakarta đang phải đối mặt. Chính phủ Indonesia đã thuê McKinsey, công ty tư vấn hàng đầu thế giới, khảo sát tính khả thi của dự án. Ước tính, dự án di dời thủ đô sẽ tiêu tốn 33 tỷ USD. Đây là con số không hề nhỏ khi nền kinh tế Indonesia tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Trong khi đó, 5 năm cầm quyền vừa qua, chính quyền của Tổng thống Jokowi đã triển khai một số cải cách quan trọng như hạn chế trợ cấp giá xăng dầu, nhờ đó định hạng tín nhiệm quốc gia của Indonesia được nâng lần đầu tiên sau hai thập kỷ.
Ngân hàng Standard Chartered của Anh thậm chí từng dự đoán nền kinh tế Indonesia sẽ đạt khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2030, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiện Indonesia là một “đại gia” về hàng hóa, không chỉ là nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu mà còn là nhà cung cấp than, đồng, vàng, thiếc và niken quan trọng của thế giới.
Ngoài ra, Tổng thống Widodo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đẩy mạnh hệ thống đường bộ, đường sắt và sân bay của Indonesia bằng gói đầu tư với tổng trị giá 350 tỷ USD. Nhờ đó, tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Indonesia đã được khai trương sau 34 năm quy hoạch.
Tuy nhiên, khi tiếp tục tại nhiệm, Tổng thống Jokowi chắc chắn sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, nhất là việc vực dậy nền kinh tế quốc gia cũng như có những chính sách quyết liệt hơn thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Năm 2018, đồng nội tệ Indonesia đã giảm giá mạnh trong một đợt biến động của các thị trường mới nổi, rớt xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ.
Hiện nay, mặc dù tình trạng lạm phát ở mức thấp trong gần một thập niên và tỷ lệ thất nghiệp gần ở mức thấp nhất 20 năm qua, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia chỉ đạt 5%, thấp hơn mục tiêu 7% mà ông Widodo đề ra khi lần đầu tiên nắm quyền cách đây 5 năm.
Cụ thể, quý II năm 2019, nền kinh tế Indonesia tăng trưởng ở mức 5,05%, thấp nhất kể từ năm 2017 và chưa thể bật khỏi ngưỡng 5% kể từ năm 2014.
Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục ẩn chứa nhiều rủi ro với nền kinh tế Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung, Ngân hàng thế giới (WB) cảnh báo con số này có thể tụt xuống còn 4,9% năm 2020 và 4,6% năm 2022.
Trong khi đó, đất nước vạn đảo cần đạt được tốc độ tăng trưởng ít nhất 7%/năm trong thập kỷ tới để nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm cho lực lượng lao động trẻ, gia tăng tầng lớp trung lưu, giảm bất bình đẳng trong xã hội, giải quyết nạn tham nhũng và lợi ích nhóm.
Đây chính là những nguyên nhân chính cản trở vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nền kinh tế Indonesia, cộng thêm nhập khẩu xăng dầu ở mức cao, khiến thâm hụt cán cân vãng lai của Indonesia lên tới gần 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong những năm tới, Chính phủ Indonesia sẽ cần phải ưu tiên đẩy mạnh chương trình phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng góp phần giải quyết tình trạng sản xuất đình trệ và nâng cao đời sống của người dân tại nhiều địa phương, tăng cường triển khai các dự án kết nối các cảng biển và sân bay trên toàn quốc thành các trung tâm nông nghiệp và du lịch đồng thời "trải thảm đỏ" đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm tạo thêm việc làm, thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.
Vấn đề chống khủng bố cũng là một thách thức mà chính phủ của Thủ tướng Jokowi phải đối mặt.
Trước lễ nhậm chức của Tổng thống Jokowi, cảnh sát chống khủng bố Indonesia đã chặn đứng kế hoạch đánh bom liều chết hàng loạt ở một số thành phố của nước này.
Người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Indonesia, Tướng Dedi Prasetyo ngày 16-10 cho biết ít nhất 4 kẻ đánh bom liều chết đã chuẩn bị tiến hành tấn công bằng bom chứa chất nổ có sức công phá mạnh, trong đó có độc tố abrin.
Đây là một loại độc tố rất mạnh có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của của người dân.
Theo Tướng Dedi, những quả bom này khác với loại bom thường được các nhóm khủng bố chế tạo. Loại bom này gây nguy hiểm hơn khi với chưa tới 0,7 microgram abrin có thể cướp đi mạng sống của 100 người.
Kể từ tháng 9, lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ của Indonesia, Detachment 88 đã bắt giữ 27 nghi phạm khủng bố trên khắp nước này, từ Sumatra tới Bali.
Trong số này có hai đối tượng tấn công bằng dao nhằm vào Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh của Indonesia Wiranto và một cảnh sát trưởng địa phương trong chuyến thị sát tới thành phố Pandeglang thuộc tỉnh Banten trên đảo Java hồi tuần trước.
Tất cả các nghi phạm đều là thành viên của nhóm Jamaah Ansharut Daulah (JAD), một mạng lưới khủng bố có liên quan với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Nhằm đảm bảo an ninh cho lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Joko Widodo, chính quyền Indonesia đang triển khai nhiều kế hoạch, theo đó các đơn vị quân đội và cảnh sát đã được đặt trong tình trạng báo động cao.
Tổng cộng 30.000 binh sĩ và cảnh sát sẽ được triển khai trên khắp thủ đô Jakarta, đặc biệt là Phủ tổng thống Merdeka, tòa nhà Quốc hội, nơi ở của Tổng thống cũng như các con đường mà đoàn xe chở nguyên thủ sẽ đi qua.
Bên cạnh những thách thức lớn kể trên, chính phủ Indonesia cũng sẽ phải chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh Indonesia bị đánh giá là "tụt hậu" so với một số nước láng giềng về phát triển lực lượng lao động lành nghề.
Cụ thể, Chính phủ Indonesia sẽ cần đầu tư vào các trường dạy nghề, thành lập một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng các tài năng cũng như tận dụng tối đa năng lực của những người Indonesia định cư ở nước ngoài... Các cải cách cơ cấu thị trường lao động, y tế cũng là những vấn đề phải quan tâm.
Định hướng chính sách đối ngoại
Không chỉ đối mặt khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề nội bộ, định hướng chính sách đối ngoại của Indonesia trong nhiệm kỳ mới cũng là nhiệm vụ quan trọng của Tổng thống Jokowi
Là quốc gia lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, nhiệm vụ đối với Tổng thống Indonesia Jokowi là sẽ phải xác định cách thức quốc gia này điều chỉnh quan hệ với các nước trong khu vực.
Quan hệ hợp tác với các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng cần được mở rộng và tăng cường để thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế đất nước và nâng cao vị thế của Indonesia trong khu vực.
Ngoài ra Indonesia cũng phải xem xét các mối lo ngại an ninh ngày càng tăng bao gồm vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, các hoạt động khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong khu vực…
Không chỉ đối với các vấn đề khu vực mà Indonesia còn phải thể hiện nổi bật được vai trò đối với các vấn đề quốc tế lớn. Có thể khẳng định rằng, chính sách đối ngoại tự do và tích cực của Indonesia cũng sẽ không có gì thay đổi trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Jokowi.
Chính sách đối ngoại xuyên suốt của Indonesia sẽ vẫn là độc lập, tự chủ, không nghiêng về bên nào trong các trục quan hệ quốc tế, đồng thời tích cực, chủ động tham gia các vấn đề quốc tế.
Chính vì vậy, Indonesia sẽ phải tập trung vào việc thúc đẩy chính sách ngoại giao toàn diện, nhấn mạnh vai trò của ngoại giao hòa bình, năng lực của Indonesia trong việc hòa giải một số cuộc xung đột quốc tế và sức mạnh ngoại giao mềm của Indonesia trong một số cuộc đàm phán thương mại quốc tế để tăng cường vị thế của Indonesia trên các diễn đàn quốc tế.
Khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo chính thức tuyên thệ nhậm chức vào tháng 10 tới, Indonesia vẫn đang đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Tổng thống Indonesia vẫn đang là đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong cơ quan quyền lực nhất của LHQ.
Theo kế hoạch, Tổng thống Indonesia Widodo sẽ chủ trì các cuộc tranh luận tại HĐBA trong năm thứ hai Indonesia đảm nhiệm cương vị này.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang nỗ lực và mong muốn sẽ chắc chắn có được một vị trí trong Hội đồng Nhân quyền LHQ vào cuối năm 2019...
Do vậy, trong thời gian tới, Indonesia cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa những chính sách ngoại giao hiện tại.
Những thách thức về đối nội và đối ngoại là nhiệm vụ quan trọng mà chính phủ của Tổng thống Joko Widodo cần phải vượt qua để chứng minh bản lĩnh người “chèo lái con thuyền” đất nước nhằm thỏa ước vọng mà người dân Đất nước vạn đảo dành cho ông.
Theo TTXVN