Nhiều tác động tiêu cực do "độ trễ" giữa luật và nghị định

26/05/2018 19:44

Chiều 26.5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.


Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường 

Lo ngại tác động tiêu cực từ "độ trễ" giữa luật và nghị định 

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực bắt nguồn từ "độ trễ" trong ban hành các nghị định kèm theo luật như Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước... 

Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013. Tuy nhiên, đến ngày 17.7.2017, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 1.9.2017 là chậm theo quy định, dẫn tới chưa có căn cứ tính thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đồng thời, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định về việc phân chia đối với khoản thu này. 

Do đó, tại phiên họp này, Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện phân chia nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước phát sinh 4 tháng cuối năm 2017 tương tự như nguyên tắc phân chia số thu phát sinh trong dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2018 Quốc hội đã quyết định. 

Chính phủ đề nghị, việc phân chia nguồn thu này theo nguyên tắc trường hợp giấy phép do cơ quan trung ương cấp thì phân chia 70% số thu cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương; giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp thì phân chia 100% cho ngân sách địa phương vừa là căn cứ pháp lý thực hiện phân chia số thu phát sinh trong năm 2017, vừa góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thu cân đối ngân sách các địa phương. 

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng, những khoản tiền phát sinh do "độ trễ" giữa luật và nghị định là minh chứng cho sự thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. "Chúng ta đang phải giải quyết những hậu quả của việc luật chờ nghị định. Nếu cái gì ta thu được thì tính phân bổ, còn không thu được thì miễn. Như vậy tôi cho rằng là không đảm bảo tính công bằng, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật" - đại biểu nhấn mạnh. 

Xử lý dứt điểm bảo hiểm xã hội với người lao động giai đoạn trước năm 1995 

Về việc xử lý nghĩa vụ của ngân sách Nhà nước đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội liên quan đến khoản đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1.1.1995, Tờ trình của Chính phủ cho biết: Nghĩa vụ của ngân sách Nhà nước đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc liên quan đến khoản đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước năm 1995 được xác định là 22.090 tỷ đồng. Trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016-2017 chưa bố trí để xử lý khoản nợ nêu trên, do hiện tại hằng năm Quỹ Bảo hiểm xã hội đều có kết dư. 

Để xử lý dứt điểm vấn đề này, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lộ trình trả nợ 22.090 tỷ đồng theo hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc. 

Về vấn đề này, đa số ý kiến đại biểu bày tỏ nhất trí, nhưng cũng có ý kiến cho rằng Chính phủ cần xem xét, làm rõ thêm một số nội dung. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, đây vốn là khoản tiền không thuộc về Quỹ Bảo hiểm xã hội và Công đoàn, mà là quyền lợi chính đáng của công nhân, viên chức Nhà nước ở thời điểm trước năm 1995. Nghĩa vụ của Nhà nước và Chính phủ khi sử dụng lao động là phải chuyển trả hết cho người lao động. Việc Quỹ Bảo hiểm xã hội được tách khỏi ngân sách nhà nước năm 1993 vì thế chỉ mang ý nghĩa Nhà nước "giữ hộ" tiền của người lao động. Do đó, đại biểu đề nghị tính toán thật chi tiết cả "gốc" lẫn "lãi" của khoản tiền bảo hiểm xã hội nêu trên, tính từ năm 2006 đến thời điểm hiện tại, đồng thời khoanh nợ rõ ràng thời điểm Chính phủ có thể chi trả hoàn toàn. 
Tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình một số ý kiến mà các đại biểu Quốc hội nêu. 

Về việc phân chia nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước phát sinh 4 tháng cuối năm 2017, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận "có khoảng trống" trong pháp luật với lý do là nghị định ra chậm so với luật. Bộ trưởng cho biết thêm, về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính báo cáo và có giải pháp trong thời gian tới. 


Về việc xử lý nghĩa vụ của ngân sách nhà nước đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội liên quan đến khoản đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1.1.1995, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong giai đoạn vừa qua ngân sách gặp khó khăn nên việc chi trả chưa được thực hiện. 

"Ngân sách nhà nước muốn tập trung nguồn lực cho đầu tư, chi trả an sinh xã hội, nên chúng ta đã bỏ ngỏ việc này. Đây là thực tế của nhiều nhiệm kỳ từ 1995 đến bây giờ. Nhưng năm 2015, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và hôm nay tiếp tục báo cáo Quốc hội thì cũng là thể hiện trách nhiệm của Chính phủ", Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích, đồng thời đề nghị Quốc hội thống nhất với tờ trình của Chính phủ để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều tác động tiêu cực do "độ trễ" giữa luật và nghị định