Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay có nhiều sâu bệnh phát sinh gây hại lúa mùa cuối vụ với diện tích nhiễm cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có hơn 4.200 ha nhiễm bệnh khô vằn; 539 ha nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, chủ yếu là giống Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1, BC 15, Q5... Ngoài ra, có 210 ha có tỷ lệ lem lép hạt từ 0,5-20%; sâu cuốn lá gây hại 50 ha với mật độ từ 20-30 con/m2; 12,5 ha nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng và 2,5 ha bị sâu đục thân gây hại cục bộ. Sâu bệnh phát sinh nhiều do những ngày qua các khu vực trong tỉnh chịu ảnh hưởng của hình thái thời tiết đan xen như nóng ẩm, hanh khô...
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 54.000 ha lúa trong giai đoạn trỗ bông, vào chắc hạt. Nếu dịch bệnh phát sinh gây hại vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kiểm tra mức độ dịch hại để phun trừ phù hợp; điều tiết mực nước nhằm hạn chế sâu bệnh phát sinh, lưu ý không được tháo cạn nước trong ruộng khi lúa chưa chắc xanh, đỏ đuôi.
* Thanh Miện: Năng suất lúa mùa ước đạt 58 tạ/ha
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện, năng suất trung bình lúa mùa năm nay của huyện ước đạt 58 tạ/ha, tương đương vụ mùa năm trước. Trong đó, năng suất vùng gieo cấy lúa chất lượng cao Bắc thơm số 7 đạt từ 56-57 tạ/ha.
Huyện đã thu hoạch được 1.000 ha lúa mùa, nhanh nhất tỉnh, tập trung tại các xã Cao Thắng, Tứ Cường, Hùng Sơn... Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đề nghị các địa phương thu hoạch lúa mùa tới đâu, làm đất trồng cây vụ đông đến đó; tăng cường áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu; chuẩn bị đủ vật tư nông nghiệp, giống cây phục vụ cho gieo trồng vụ đông.
PV