Lữ đoàn 490 luôn là một trong những đơn vị có nhiều sáng kiến để làm chủ vũ khí, khí tài... góp phần tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Mô hình mô phỏng dẫn hướng tên lửa đang được áp dụng huấn luyện trong toàn Lữ đoàn
Những năm qua, Lữ đoàn 490 (Bộ Tư lệnh Binh chủng pháo binh) luôn là một trong những đơn vị có nhiều sáng kiến để làm chủ vũ khí, khí tài... góp phần tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Gần 11 giờ trưa nhưng cán bộ Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn 490 vẫn miệt mài bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, thiết bị. Trung tá Phạm Mạnh Thắng, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 490 cho biết: "Hằng năm, đơn vị phải đầu tư khoảng 800 lít xăng dầu cho việc làm sạch chi tiết xe máy, khí tài. Quá trình làm sạch bằng phương pháp truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế như: làm trầy xước, giảm tính năng của các trang thiết bị, nhất là thiết bị cần độ chính xác cao... Từ thực tiễn công việc, Phòng Kỹ thuật đã nghiên cứu, thiết kế mô hình thiết bị súc rửa chi tiết bằng bơm dầu tuần hoàn". Với mô hình này, dầu được hút từ thùng (có màng lọc), qua hệ thống phân phối phụt dầu với áp lực điều chỉnh được tới các chi tiết cần súc rửa qua ống. Lượng dầu và cặn bẩn sau rửa sẽ chảy xuống ngăn sơ cấp, từ đây do chênh lệch áp suất sẽ tự động chảy qua ngăn thứ cấp, rồi qua màng lọc. Sau đó, dầu từ ngăn thứ cấp lại được tuần hoàn hút lên phun rửa chi tiết. Mô hình được ứng dụng đã khắc phục được những hạn chế của phương pháp truyền thống, giúp đơn vị tiết kiệm được khoảng 30% lượng xăng dầu phục vụ bảo quản vũ khí, thiết bị hằng năm, việc xử lý chất thải cũng trở nên dễ dàng hơn...
Đầu năm 2015, Lữ đoàn 490 đã ứng dụng thành công mô hình dẫn hướng tên lửa trong huấn luyện. Đây là sáng kiến của đại tá Vũ Đăng Quyết, Lữ đoàn trưởng cùng các cộng sự. Mô hình được cấu tạo với hình dáng giống như thật gồm: Bàn phóng, bảng điều khiển bàn phóng, động cơ điện, đế tì và đồng hồ dẫn hướng. Khi vận hành thiết bị mô phỏng, người tập thể hiện được các thao tác và hoạt động tương tự như sử dụng khí tài thật trong huấn luyện. Trung tá Phạm Mạnh Thắng, người trực tiếp giảng dạy huấn luyện trong đơn vị cho biết: "Dẫn hướng tên lửa là nội dung huấn luyện quan trọng quyết định đến kết quả phóng tên lửa cũng như kết quả hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị. Tuy nhiên, quá trình khai thác, sử dụng thực tế gây tốn kém xăng, dầu, hao tổn dự trữ chu trình của bệ phóng. Vì vậy, việc áp dụng thành công mô hình này trong huấn luyện đã giúp cho phân đội có điều kiện luyện tập thường xuyên mà không phải triển khai bệ phóng". Mô hình có thể áp dụng huấn luyện trong mọi điều kiện thời tiết. Sau khi được huấn luyện trên mô hình, chỉ một thời gian ngắn các sĩ quan, bộ đội có thể thao tác tốt trên vũ khí trang bị. Việc áp dụng mô hình cũng phù hợp với sự phát triển của xu hướng sử dụng thiết bị huấn luyện mô phỏng hiện nay và đang được sử dụng hiệu quả tại cả 3 tiểu đoàn của lữ đoàn.
Mô hình bệ phóng tên lửa có thể huấn luyện riêng cho đội ngũ sĩ quan hoặc hạ sĩ quan, chiến sĩ... Thượng úy Nguyễn Văn Nguyên, Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 chia sẻ: "Nhờ ứng dụng các mô hình sáng kiến của đại đội, chúng tôi đã giảm được thời gian huấn luyện trên xe máy, khí tài, giảm chi phí xăng, dầu, điện và tăng tuổi thọ cho thiết bị khí tài".
Đại tá Nguyễn Văn Điều, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 490 cho biết: "Từ phong trào nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 490 đã cho ra nhiều sản phẩm có giá trị thực tiễn cao như: sáng kiến hệ thống vi mạch hóa market tên lửa nằm ngang, bộ luyện sĩ quan phóng, dẫn hướng tên lửa, trắc thủ xe đo… tiết kiệm kinh phí và góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện của đơn vị. Ngoài ra, Lữ đoàn đã nghiên cứu, tận dụng khí tài hết hạn sử dụng đưa vào làm mô hình huấn luyện, nâng cao tính trực quan, bảo đảm yêu cầu huấn luyện chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện".
Đẩy mạnh nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật chính là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn 490 thời gian qua. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm đơn vị có từ 3 - 4 sáng kiến, trong đó nhiều sáng kiến được được ứng dụng vào thực tế và được Bộ Tư lệnh Binh chủng pháo binh ghi nhận, đánh giá cao. Các sáng kiến không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nguyên liệu, nhiên liệu mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nên kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm của Lữ đoàn có 100% các môn kỹ thuật chuyên ngành tên lửa và hợp luyện đại đội đạt loại giỏi, nhiều năm liền được Bộ Tư lệnh Binh chủng pháo binh xếp loại giỏi, đơn vị an toàn tuyệt đối. Lữ đoàn 490 nhiều năm được Bộ Quốc phòng tặng cờ "Đơn vị huấn luyện giỏi".
HV